Dùng tên lửa “không thể đánh chặn”: Nga dịch chuyển chiến lược ở Ukraine?

Kiều Anh |

Giới quan sát cho rằng việc Nga sử dụng hàng loạt vũ khí khó đoán trong cuộc tấn công chưa từng có mới đây nhằm vào các thành phố lớn của Ukraine dường như cho thấy sự dịch chuyển trong chiến lược của điện Kremlin.

Cuộc tấn công tên lửa “chưa từng có”

Nga đã tiến hành cuộc tấn công vào Kiev, Lviv và các thành phố lớn khác trên khắp Ukraine trong cuộc không kích tên lửa mà theo đánh giá của giới quan sát là "chưa từng có tiền lệ" sáng 9/3. Tổng cộng 81 tên lửa đã được sử dụng trong cuộc tấn công quy mô lớn nhằm vào các cơ sở hạ tầng của Ukraine, trong đó có 6 tên lửa đạn đạo Kinzhal, có khả năng chọc thủng hệ thống phòng không của Kiev.

Dùng tên lửa “không thể đánh chặn”: Nga dịch chuyển chiến lược ở Ukraine? - Ảnh 1.

3 tên lửa của Nga được phóng từ khu vực Belgorod vào lúc bình minh ở Kharkiv ngày 9/3. Ảnh: AP

“Cuộc tấn công này thực sự diễn ra trên quy mô lớn và lần đầu tiên sử dụng các loại tên lửa khác nhau như vậy. Chúng tôi chứng kiến lần này có 6 tên lửa Kinzhal được sử dụng. Đây là cuộc tấn công tôi chưa từng chứng kiến trước đó", Yurii Ihnat, người phát ngôn Bộ Tư lệnh Không quân Ukraine nhận định trên truyền hình ngày 9/3.

"Cho đến nay, chúng tôi chưa có khả năng đối phó với những vũ khí này", ông Yurii Ihnat nói khi nhắc đến các tên lửa Kinzhal cùng 6 tên lửa hành trình phóng từ trên không X-22 được sử dụng trong cuộc tấn công của Nga.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng cho rằng: "Đó là một đêm khó khăn. Đối phương đã phóng 81 tên lửa nhằm hăm dọa Ukraine một lần nữa". Ông cũng liệt kê ra 10 khu vực khắp Ukraine đối mặt với các cuộc không kích, trong đó có Dnipro, Odessa, Kharkiv và Zaporizhzhia.

Nga đã sử dụng tên lửa Kinzhal có khả năng hạt nhân được miêu tả như một vũ khí siêu thanh và từng được sử dụng một vài lần trong những tuần đầu xung đột nổ ra vào năm ngoái. Tuy nhiên, vũ khí đầy uy lực mà Kiev thừa nhận là không có khả năng bắn hạ này, trước đó hiếm khi xuất hiện trên bầu trời Ukraine.

Ngày 9/3, Bộ Quốc phòng Nga cho biết cuộc tấn công tên lửa được tiến hành nhằm phản ứng trước điều mà Bộ này cho là "các hành động khủng bố" do Kiev tổ chức, nhằm vào khu vực Bryansk của Nga tuần trước.

"Để phản ứng trước các hành động khủng bố ở khu vực Bryansk do chính quyền Kiev tiến hành vào ngày 2/3, Lực lượng Vũ trang Liên bang Nga đã tiến hành tấn công đáp trả trên quy mô lớn", thông báo của Bộ Quốc phòng Nga nêu rõ.

"Các vũ khí tầm xa có độ chính xác cao phóng từ đất liền, trên biển và trên không, trong đó có tên lửa siêu thanh Kinzhal đã tấn công vào các mục tiêu cơ sở hạ tầng quân sự quan trọng của Ukraine cũng như các doanh nghiệp quân sự - công nghiệp và các cơ sở năng lượng phục vụ chúng".

Các quan chức an ninh Nga cho biết tuần trước, một nhóm vũ trang nhỏ của Ukraine đã vượt qua biên giới Nga để vào khu vực Bryansk. Theo Tổng cục An ninh Liên bang Nga, cơ quan này đã hành động sau khi "các binh lính Ukraine theo chủ nghĩa dân tộc vi phạm biên giới quốc gia". Tổng thống Putin gọi vụ việc trên là một cuộc "tấn công khủng bố". Một quan chức địa phương cho biết 2 dân thường đã thiệt mạng trong vụ việc này.

Nga dịch chuyển chiến lược?

Giới quan sát cho rằng việc Nga sử dụng hàng loạt vũ khí khó đoán dường như cho thấy sự dịch chuyển trong chiến lược của điện Kremlin.

Kinzhal, phiên bản phóng từ trên không của tên lửa đạn đạo tầm ngắn Iskander (SRBM), đã được Tổng thống Putin tiết lộ vào năm 2018 như một nền tảng quan trọng của kho vũ khí hiện đại của Nga.

Giống như hầu hết các tên lửa đạn đạo có tốc độ siêu thanh, tức là di chuyển với tốc độ gấp ít nhất 5 lần tốc độ âm thanh, Kinzhal khó bị phát hiện bởi được phóng từ các tiêm kích MiG-31, giúp cho nó có tầm hoạt động xa hơn và khả năng tấn công từ nhiều hướng.

Dùng tên lửa “không thể đánh chặn”: Nga dịch chuyển chiến lược ở Ukraine? - Ảnh 2.

Máy bay chiến đấu MiG-31K mang theo tổ hợp tên lửa siêu thanh Kinzhal xuất hiện trên bầu trời Moscow trong Lễ duyệt binh kỷ niệm Ngày Chiến thắng (9/5/2018). Ảnh: Tass

Kinzhal có tốc độ gấp 10 lần tốc độ âm thanh và tấn công các mục tiêu ở khoảng cách trên 2.000km. Tên lửa này có thể chọc thủng bất kỳ hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo và phòng không nào. Nó có thể được trang bị đầu đạn theo quy ước và đầu đạn hạt nhân nặng 500kg.

"Nga có thể phát triển loại tên lửa độc đáo này để nhắm vào các cơ sở hạ tầng quan trọng của châu Âu dễ dàng hơn. Tốc độ, kết hợp với đường bay và khả năng linh động cao khiến tên lửa này rất khó để đánh chặn", Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) đánh giá.

Theo CSIS, việc Nga sử dụng tên lửa này nhắm vào các mục tiêu của Ukraine vào tháng 3 năm ngoái đánh dấu lần đầu tiên nó được đưa vào chiến đấu và sau đó tên lửa trên một lần nữa được sử dụng vào tháng 5.

Theo chuyên gia quốc phòng Jeff Fischer - cựu Đại tá Không quân Mỹ, "việc sử dụng tên lửa siêu thanh là một bước leo thang mới của Nga". Ông cho rằng tên lửa Kinzhal đang thay đổi cơ bản cuộc xung đột ở Ukraine khi các lực lượng của Kiev không thể đối phó với chúng. Ngoài ra, tên lửa này cũng là một thách thức với Mỹ. Hồi tháng 5/2022, Tổng thống Biden đã khẳng định, Kinzhal là tên lửa "không thể đánh chặn".

Việc Nga sử dụng tên lửa Kinzhal diễn ra giữa bối cảnh Ukraine kêu gọi phương Tây hỗ trợ thêm vũ khí để đối phó với các mối đe dọa mà một số người lo ngại sẽ leo thang xung đột và có thể mở rộng xung đột ra ngoài biên giới Ukraine.

Trong những tuần gần đây, các quan chức Ukraine bắt đầu hối thúc Mỹ cung cấp cho không quân nước này các máy bay chiến đấu tiên tiến như F-16, điều mà Tổng thống Biden cho đến nay vẫn từ chối. Vào cuối tháng trước, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan nhận định với CNN trong một cuộc trả lời phỏng vấn rằng chính quyền Tổng thống Biden đang "xem xét cẩn thận những gì Ukraine cần trong giai đoạn hiện nay" và quyết định rằng tiêm kích F-16 không đáp ứng nhu cầu đó.

Dù vậy, theo New York Times, việc Nga sử dụng tên lửa Kinzhal sẽ không thay đổi cục diện xung đột, thậm chí cả khi Moscow có thể sản xuất nhiều tên lửa này hơn bởi chỉ một cuộc không chiến sẽ chưa thể quyết định điều gì.

Theo các nhà chức trách Ukraine, 8 UAV Shahed do Iran sản xuất cũng đã được sử dụng trong cuộc tấn công ngày 9/3. Một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ cho biết, Ukraine đang trở thành nơi thử nghiệm vũ khí Iran ngoài Trung Đông. Nhận định trên được đưa ra trước thềm chuyến thăm Israel của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và chủ đề hợp tác quân sự Nga - Iran có thể sẽ nằm trong nội dung thảo luận giữa hai bên.

Cuộc tấn công quy mô lớn của Nga diễn ra trong thời điểm hầu hết sự chú ý đều dồn vào Bakhmut - thành phố ở phía Đông Ukraine mà quân đội Nga tăng cường tấn công nhằm giành quyền kiểm soát nhiều tuần qua.

Quân đội Ukraine đã khẳng định quyết tâm phòng thủ ở thành phố này thậm chí cả khi một số chuyên gia quân sự khuyến khích việc rút quân chiến thuật.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn với CNN ngày 7/3, Tổng thống Zelensky nhận định sự kháng cự của Ukraine trong thành phố này "mang tính chiến thuật", đồng thời cảnh báo Nga có thể tiến công sang các thành phố quan trọng khác ở phía Tây nếu họ kiểm soát được Bakhmut.

"Chúng tôi hiểu sau Bakhmut, họ có thể tiến xa hơn. Họ có thể tiến tới Kramatorsk và Sloviansk. Sau Bakhmut, Nga sẽ có một con đường rộng mở để tiến vào các thị trấn khác của Ukraine theo hướng Donetsk. Đó là lý do tại sao các binh lính của chúng tôi cố thủ ở đây", ông Zelensky cho hay./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại