Cuộc chiến pháp lý cam go giữa Mỹ và Iran

Phương Anh |

Trong bối cảnh Mỹ siết chặt gọng kìm kinh tế với Iran, Iran đã kiện Mỹ ra Tòa án Công lý Quốc tế về thỏa thuận song phương giữa 2 nước ký năm 1955.

Tòa án Công lý Quốc tế tại thành phố La Hay (Hà Lan) hôm qua (27/8) đưa ra xét xử vụ kiện của Iran buộc Mỹ dỡ bỏ trừng phạt đã tái áp đặt lên nước này sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử ký năm 2015. Diễn biến mới nhất này một lần nữa đặt Mỹ và Iran đứng trước cuộc chiến pháp lý đầy cam go vốn được dự báo càng làm trầm trọng thêm mối quan hệ vốn gặp không ít sóng gió giữa hai bên thời gian qua.

Iran tố Mỹ vi phạm thỏa thuận song phương

Trong đơn kiện Mỹ đệ trình lên Tòa án Công lý Quốc tế hồi tháng 7 vừa qua, Iran cáo buộc việc chính quyền Tổng thống Donald Trump áp đặt lệnh trừng phạt nhằm vào Iran là vi phạm thỏa thuận song phương năm 1955, được gọi là Hiệp ước Hữu nghị ít được biết đến, vốn quy định quan hệ kinh tế và lãnh sự giữa hai nước.

Cũng theo ông Mohebi, chuyện Mỹ tái áp đặt trừng phạt là phi lý khi Iran vẫn tuân thủ đúng các điều khoản thỏa thuận: “Các biện pháp khôi phục của Mỹ sẽ tiếp tục được triển khai và khởi động trong vài tuần hoặc vài tháng tới, sẽ gây ra những hậu quả sâu rộng. Chúng không chỉ gây nguy hiểm cho Iran trong việc phục hồi nền kinh tế với đầy đủ chức năng. Mà chúng còn là trở ngại đối với khả năng bảo đảm về y tế và sự an toàn cơ bản cho người dân, chưa kể đến các dịch vụ giáo dục và xã hội cơ bản.”

Phiên tòa xét xử bắt đầu với phần tranh tụng của luật sư Mohsen Mohebi, đại diện cho Iran. Luật sư này cho rằng quyết định của Mỹ là sự vi phạm rõ ràng Hiệp ước Hữu nghị 1955 khi “cố ý gây tổn hại, càng nghiêm trọng càng tốt, đến kinh tế Iran”.

Luật sư Mohebi cũng cho biết thêm rằng Iran đã tìm kiếm một giải pháp ngoại giao cho tranh cãi giữa hai nước nhưng đã bị bác bỏ.

Mỹ phủ nhận thẩm quyền của Tòa Công lý

Cũng trong phiên tranh tụng ngày hôm qua, Mỹ đã đưa ra phản ứng bằng văn bản nhấn mạnh rằng Tòa án Công lý Quốc tế không có thẩm quyền xét xử vụ kiện này và những yêu cầu của phía Iran nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của Hiệp ước về quan hệ thân thiện và kinh tế (TAER) ký giữa hai nước từ năm 1955.

Theo kế hoạch, trong ngày hôm nay, 28/8 ( giờ địa phương), các luật sư của Mỹ, do cố vấn Bộ Ngoại giao Mỹ Jennifer Newstead dẫn đầu, sẽ tiến hành tranh tụng tại tòa.

Phiên tranh tụng giữa Iran và Mỹ có thể kéo dài 4 ngày, nhưng dự kiến tòa mất vài tháng để quyết định liệu có nên ra phán quyết về đề nghị của Iran hay không, trong khi một phán quyết cuối cùng cho vụ kiện này có thể mất tới vài năm. Phán quyết của Tòa án Công lý Quốc tế là cao nhất và có giá trị ràng buộc về mặt pháp lý.

Cuộc “so găng” pháp lý lần này giữa Mỹ và Iran lại thêm phần căng thẳng, khi mâu thuẫn giữa hai bên đã chạm tới mức nguy hiểm, với việc Mỹ siết chặt gọng kìm đối với nền kinh tế của quốc gia Hồi giáo này bằng các lệnh trừng phạt mới.

Liệu Mỹ đã tính toán đầy đủ thiệt hơn khi nhận thức rõ được rằng, các biện pháp mạnh tay của Washington chắc chắn sẽ kéo theo những hành động đáp trả mạnh mẽ từ phía Tehran, nhất là khi Iran còn nắm trong tay nhiều lợi ích chiến lược.

Chưa kể, quốc gia này còn được xem là đối thủ đáng gờm khó hạ gục, khi mang dấu ấn quân sự khá lớn ở bên ngoài biên giới quốc gia.

Hiện giờ khó có thể tiên liệu rằng cuộc chiến pháp lý giữa hai bên sẽ dẫn tới những hậu quả gì. Nhưng rõ ràng một khi căng thẳng Mỹ- Iran bị đẩy lên đỉnh điểm, thì nguy cơ về một cuộc đối đầu nghiêm trọng trong khu vực, cụ thể là xung đột vũ trang là không thể loại trừ. Và viễn cảnh này đã từng được Tổng thống Iran Hassan Rouhani từng đề cập khi cảnh báo mạnh mẽ rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump không nên thách thức Iran vì điều đó sẽ "chỉ dẫn đến sự hối hận" mà thôi./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại