SCMP: Cố gắng hết sức hàn gắn Mỹ - Triều, Hàn Quốc lún quá sâu trong "vũng lầy ngoại giao"

Tất Đạt |

Theo SCMP, nỗ lực hòa giải mâu thuẫn Mỹ - Triều Tiên của Tổng thống Moon Jae-in đã trở thành "vũng lầy ngoại giao" đối với Seoul.

Tình hình thay đổi

Chỉ vài tháng trước đây, những động thái hàn gắn của tổng thống Moon Jae-in đã đem lại "phép màu" cho tình hình bán đảo Triều Tiên.

Không chỉ xua tan đi bầu không khí căng thẳng vì vấn đề hạt nhân Bình Nhưỡng, giảm bớt lo ngại về tên lửa đạn đạo bay qua bầu trời Nhật Bản, mà hòa giải Triều - Hàn còn tạo tiền đề cho cuộc gặp lịch sử giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.

Tuy nhiên, SCMP nhận định, chỉ hai tháng sau cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử vào tháng 6, mối quan hệ không suôn sẻ giữa Mỹ - Triều đã khiến Hàn Quốc lâm vào cảnh khó xử. Theo ba nguồn tin ngoại giao đề nghị giấu tên, bởi lý do nói trên, ông Moon hiện chưa quyết định được liệu có nên tới Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc tổ chức vào ngày 23/9 sắp tới tại Mỹ hay không.

Ông Moon sẽ không muốn dự cuộc họp này nếu tiến trình phi hạt nhân hóa tại Triều Tiên không có tiến triển tích cực. Các nguồn tin cho hay, tổng thống Hàn Quốc muốn đem những thông tin tích cực tới bàn đàm phán - còn nếu không, sự xuất hiện của ông Moon sẽ chỉ làm căng thẳng thêm tình hình vốn đang có chiều hướng xấu đi giữa Mỹ - Triều.

Hàn Quốc đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối hai nhà lãnh đạo Trump - Kim trong cuộc đối thoại lần đầu tiên tại Singapore hồi tháng 6. Cố vấn an ninh quốc gia Hàn Quốc Chung Eui-yong tới Washington ba tháng trước đó để gửi lời mời của ông Kim tới ông Trump về cuộc gặp mặt.

Phần cuối trong thước phim tư liệu của Triều Tiên về chuyến đi của nhà lãnh đạo Kim Jong Un. Nguồn :SBS News

Tại thời điểm ấy, ông Chung cho biết ông Kim "cam kết phi hạt nhân hóa" và sẽ ngừng hoàn toàn các hoạt động thử tên lửa và vũ khí hạt nhân.

Tuần trước, Washington đã bộc lộ rõ rệt rằng Mỹ đã hết kiên nhẫn với Triều Tiên, khi ông Trump hoãn kế hoạch đưa ngoại trưởng Mike Pompeo tới Bình Nhưỡng để tiếp tục đàm phán.

Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis thông báo Mỹ sẵn sàng tái khởi động các cuộc tập trận quân sự Mỹ - Hàn, phụ thuộc vào tình hình "của các cuộc đàm phán".

Chuyện khó xử của ông Moon

Theo dự kiến, ông Moon sẽ tới Bình Nhưỡng giữa khoảng ngày 12-16/9 với mục đích buộc ông Kim phải có động thái rõ ràng hơn - ví dụ như thông báo về các loại tên lửa đã được sản xuất hoặc vị trí của các cơ sở hạt nhân - để đưa tiến trình hòa giải Washington-Bình Nhưỡng trở lại quỹ đạo.

Ông Moon có thể sẽ đồng ý chính thức kết thúc chiến tranh Triều Tiên. Tuy nhiên, việc lựa chọn ngày tới thăm Bình Nhưỡng của ông Moon cũng khá phức tạp, bởi ông không thể tới đây trước hoặc đúng vào ngày 9/9 - Quốc khánh Triều Tiên.

Sự hiện diện của ông Moon vào thời điểm nói trên sẽ được coi như là lời ủng hộ ngầm cho ông Kim và gây nên làn sóng phản đối dữ dội trong nước. Hiện tại, theo hãng khảo sát Gallup Korea, tỉ lệ tín nhiệm ông Moon ở Hàn Quốc đã sụt giảm nghiêm trọng xuống mức 56% từ mức đỉnh 83% hồi tháng 6.

Ngược lại, nếu đợi tới sau ngày 9/9, chuyến thăm của ông Moon sẽ quá sát ngày 23/9 và khó có đủ thời gian để ông quyết định liệu có tới dự Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc hay không.

Những yếu tố khác cũng làm vấn đề ngoại giao trở nên khó khăn hơn với ông Moon.

Cụ thể, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sẽ tới thăm Bình Nhưỡng vào tháng tới, có khả năng cao là trước ngày 9/9.

Bắc Kinh đã thường xuyên phản đối chương trình hạt nhân của ông Kim, chỉ trích những động thái gây bất ổn khu vực, và ủng hộ các cấm vận mới của Hội đồng Bảo an đối với Triều Tiên vào năm ngoái.

Tuy nhiên, do hiện tại Washington và Bắc Kinh đang vướng vào chiến tranh thương mại, các nhà ngoại giao Trung Quốc sẽ không mong muốn dồn ép Triều Tiên quá mức và đem tới cho ông Trump một chiến thắng ngoại giao trong thời điểm này.

Jin Chang-soo, chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại Viện Sejong ở Seongnam, đánh giá Bắc Kinh có thể sẽ tận dụng chuyện Triều Tiên làm quân bài đối trọng với Washington giữa lúc chiến tranh thương mại có chiều hướng gay gắt hơn, đưa việc phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên thành biến số mới trên "phương trình" quan hệ Mỹ - Trung.

"Khi ông Trump và ông Tập đều muốn có được tầm ảnh hưởng và lãnh đạo lớn hơn - cả đối nội lẫn đối ngoại - ông Tập có khả năng sẽ tới thăm Bình Nhưỡng vào tháng tới để củng cố mối quan hệ đồng minh. Cam kết kết thúc chiến tranh khó có khả năng được đưa ra và quá trình phi hạt nhân hóa sẽ chùng xuống trong thời gian tới," ông Jin nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại