Sự kiện các căn cứ quân đội Nga tại Syria bị tấn công bằng các loại UAV đơn giản mang vũ khí hồi đầu tháng 1-2018 đã khẳng định các cuộc tấn công bằng UAV tự sát sẽ trở thành một xu hướng tấn công khủng bố trong tương lai và rất khó có thể ngăn chặn chúng.
Rẻ tiền và hiệu quả
Sau sự kiện các căn cứ quân sự Nga tại Syria bị tấn công bằng UAV tự sát, chuyên gia về UAV thuộc Trung tâm phân tích Hải quân Mỹ, Samuel Bendett đưa ra nhận định, Mỹ nên học tập kinh nghiệm của Nga trong việc đối phó với các dòng UAV cỡ nhỏ, bay thấp, mang vũ khí có khả năng tấn công đột kích.
Theo lời chuyên gia S. Bendett, việc Nga sử dụng phương thức tác chiến điện tử để ngăn chặn các UAV tự sát thực sự rất hiệu quả, chi phí thấp, nhất là khi phải đối phó với công nghệ chế tạo UAV sơ đẳng của những kẻ khủng bố.
Dù các thông tin về hệ thống tác chiến điện tử của Nga triển khai tại Syria không được tiết lộ, nhưng rõ ràng để ngăn chặn được UAV của khủng bố, Nga đã phối hợp hàng loạt phương tiện tác chiến điện tử với nhau để đạt hiệu quả bảo vệ cao nhất.
Đơn giản nhất trong hệ thống tác chiến điện tử của Nga là hệ thống vô hiệu hóa tín hiệu định vị vệ tinh GPS khiến UAV không thể xác định được phương hướng và vị trí. Công nghệ này đã được Nga phát triển suốt 10 năm qua và đã khẳng định được hiệu quả tác chiến tại nhiều cuộc xung đột.
Hệ thống tác chiến điện tử Shipovnik-Aero.
Một trong những thiết bị gây nhiễu tín hiệu GPS nổi tiếng của Nga là tổ hợp Shipovnik-Aero. Được đặt trên khung gầm xe việt dã, Shipovnik-Aero có thể ngăn chặn tín hiệu định vị vệ tinh GPS của UAV, thậm chí là đưa các vị trí định vị giả để chúng lạc mục tiêu. Nhiều thiết bị như vậy đã được Bộ Quốc phòng Nga trang bị từ năm 2016.
Ngoài việc ngăn chặn tín hiệu GPS, một phương pháp ngăn chặn UAV tự sát khác là sử dụng sóng vi-ba năng lượng cao. Chùm sóng từ vũ khí vi-ba có thể đốt cháy hệ thống điều khiển của UAV và tiêu diệt nó.
Năm 2015, Tập đoàn Rostec đã thử nghiệm thành công vũ khí vi-ba năng lượng cao để tiêu diệt các mục tiêu trên không ở khoảng cách 10km. Syria hiện là "thao trường thử vũ khí mới" của Nga nên không đáng ngạc nhiên khi dòng vũ khí phát sóng năng lượng cao nói trên được triển khai tại đây.
Đánh giá về xu hướng phát triển vũ khí đối phó với UAV tự sát tương lai, chuyên gia về UAV của Nga, Denis Fedutinov nhận định: "Xu hướng mới đối phó với UAV hiện nay là sử dụng các phương tiện ngăn chặn vác vai.
Những thiết bị nhỏ gọn phù hợp cho các hoạt động phản ứng nhanh, nhất là để đối phó với UAV. Nhiều quốc gia trên thế giới đang theo đuổi công nghệ này, trong đó có Nga.
Trong triển lãm quân sự Army 2017, đã có 3 thiết bị ngăn chặn UAV cầm tay đáng chú ý được giới thiệu, gồm Zaslon của Tổ hợp thiết kế Aerostat, Stupor của Công ty Locasions Mactretsky và REX 1 của Tập đoàn Kalashnikov".
Thiết bị ngăn chặn UAV cầm tay REX-1.
Theo lời chuyên gia D. Fedutinov, các sản phẩm ngăn chặn UAV cầm tay nói trên không phù hợp với những cuộc chiến quy mô lớn, nhưng lại cực kỳ phù hợp để ngăn chặn các cuộc tấn công đơn lẻ. Hiện tại, Mỹ cũng đang phát triển vũ khí chống UAV cầm tay tương tự như thiết bị REX 1 của Nga với tên gọi Drone Defender Battelle. Thiết bị mới này sẽ sớm được trang bị cho Quân đội Mỹ tác chiến tại Iraq.
"Ngoài các thiết bị cầm tay, Nga cũng đang phát triển một hệ thống ngăn chặn UAV phức tạp hơn với tên gọi "Nhà vòm". Hệ thống này có khả năng phân tích thông tin, đưa ra phương án ngăn chặn UAV của đối phương trong mọi điều kiện thời gian, thời tiết", chuyên gia D. Fedutinov cho biết.
Vũ khí la-de và thiết bị ngăn chặn động năng
Ngoài các phương án đối phó với UAV bằng tác chiến điện tử, nhiều quốc gia trên thế giới đang phát triển các phương thức ngăn chặn trực tiếp nhằm vào UAV của đối phương.
Hiện tại, Tổ hợp thiết kế Almaz-Antey đang phát triển công nghệ đạn chùm trang bị trên UAV để bắn hạ UAV đối phương. Nguyên mẫu đầu tiên của vũ khí nói trên đã thử nghiệm thành công trong năm 2017.
Mỹ đang phát triển công nghệ vũ khí la-de để ngăn chặn UAV và phương tiện bay thấp. Hồi tháng 9-2017, tại bãi thử White Sand, Quân đội Mỹ đã sử dụng hệ thống pháo la-de ATHENA công suất 30 Kilowatt bắn hạ thành công các UAV bay thấp. Công nghệ tương tự cũng đang được Trung Quốc phát triển.
Tổ hợp pháo la-de ATHENA.
Ngoài những công nghệ phức tạp nói trên, một số công nghệ khác được phát triển để ngăn chặn UAV của đối phương là phóng các hệ thống bẫy có thiết kế như mạng nhện để bắt giữ UAV hay sử dụng các loài chim săn mồi (tại Hà Lan) để ngăn chặn và bắt giữ UAV cỡ nhỏ.
"Phát triển công nghệ UAV và phương án ngăn chặn chúng hiện như một cuộc chơi đuổi bắt. Sự kiện tấn công căn cứ quân sự Nga tại Syria chỉ là khởi đầu cho xu hướng sử dụng vũ khí tấn công loại này. Trong tương lai sẽ còn có rất nhiều công nghệ ngăn chặn UAV mới, nhưng chúng sẽ cần thời gian để hoàn thiện", chuyên gia D. Fedutinov nhận định.
Trước khi có những biện pháp ngăn chặn UAV tự sát hữu hiệu, một trong những phương pháp quản lý và nhận diện UAV đang được sử dụng là việc quy định bằng pháp luật. Tại Mỹ, tất cả UAV có trọng lượng từ 0,5kg trở lên đều phải đăng ký bắt buộc, còn tại Nga là các UAV nặng từ 0,25kg trở lên.
Nhận xét về phương án này, giới chuyên gia nhận định, quy định về mặt luật pháp chỉ có hiệu lực quản lý UAV được sản xuất công nghiệp, còn đối với các dòng UAV được sản xuất thủ công tương tự như loại được sử dụng tấn công căn cứ Nga ở Syria, thì quy định luật pháp dường như vô hiệu.
UAV của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng sử dụng bị ngăn chặn.
Rõ ràng, tới thời điểm hiện tại cuộc chiến chống lại UAV tự sát của các quốc gia trên thế giới mới chỉ bắt đầu. Để ngăn chặn được chúng cần các giải pháp tổng thể.
Nếu thiếu chúng, số tiền phải bỏ ra để phát triển các phương án ngăn chặn UAV tự sát sẽ như "muối bỏ bể" vì công nghệ UAV luôn phát triển và những kẻ khủng bố thì có thể dễ dàng tiếp cận chúng với máy tính có kết nối Internet…