Hơn 2 tháng qua, quân đội Trung Quốc và Ấn Độ đã mắc kẹt trong cuộc đối đầu biên giới, đỉnh kiểm là vụ đụng độ đẫm máu ngày 15/6 tại Ladakh. Các chuyên gia đã đưa ra so sánh sức mạnh không quân giữa hai phía trong bối cảnh Bắc Kinh và New Delhi đang tăng cường tập kết lực lượng dọc Đường kiểm soát thực tế (LAC) kéo dài 4.057km.
Không quân Ấn Độ (IAF) đã bố trí thêm các hệ thống phòng không và radar tại vùng Ladakh, khi Trung Quốc được cho là đã triển khai các hệ thông tên lửa S-300 và S-400 tại vùng Tây Tạng gần đó. IAF còn duy trì trạng thái sẵn sàng chiến đấu của các tiêm kích Su-30MKI trang bị tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos trong khu vực.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc – Đại tá cấp cao Wu Qian – hôm 24/6 xác nhận rằng Trung Quốc đã tiến hành một cuộc tập trận bắn đạn thật toàn diện [trên tất cả các không gian tác chiến] để kiểm tra khả năng chiến đấu liên hợp của quân đội trong môi trường cao nguyên nhưng nhấn mạnh rằng cuộc tập trận này "không nhắm tới quốc gia nào cụ thể".
Tuy nhiên, Tư lệnh không quân Ấn Độ R.K.S. Bhadauria đã quan sát thấy "đợt triển khai bất thường" của Không quân Trung Quốc (PLAAF) ở vùng Ladakh. Bhadauria cho biết ông đã ra lệnh triển khai các phương tiện chiến đấu tại những căn cứ tiền phương và IAF đã sẵn sàng cho mọi tình huống bất ngờ.
Bên cạnh đó, New Delhi được cho là đã đề nghị Moscow xúc tiến nhanh thỏa thuận trị giá 5,43 tỷ USD mua các hệ thống phòng không S-400. Thời hạn chuyển giao đã được dời lên tháng 1/2021, sớm hơn gần 1 năm so với dự kiến ban đầu.
Mới đây, khi trả lời phỏng vấn hãng thông tấn Sputnik, chuyên gia phân tích quân sự - đồng thời là một cựu binh Không quân Ấn Độ Vijainder K Thakur đã đề cập tới việc cả hai phía Trung-Ấn đều triển khai hệ thống tên lửa Nga.
"Do sự khác biệt trong lập trường về Đường kiểm soát thực tế (LAC), Ấn Độ và Trung Quốc đã xảy ra một số giao tranh. Cuộc đối đầu diễn ra hiện nay rõ ràng đã cho thấy một thái độ khác từ phía Trung Quốc khi họ đang tuyên bố chủ quyền đối với Galwan và vùng đất không người ở Pangong Tso.
Phải chăng nguyên nhân chính dẫn tới điều đó là do Ấn Độ thiếu vắng hệ thống tên lửa như S-400? Sẽ có sự khác biệt nào một khi Ấn Độ có thể triển khai hệ thống này?" – Sputnik đặt câu hỏi.
Ông Vijainder K Thakur cho rằng, có vẻ việc Trung Quốc quyết định dùng vũ lực tại LAC để đạt được các lợi thế chiến lược và chiến thuật là một quyết định chính trị, nhưng điều khiến họ thực hiện quyết định đó bây giờ, chứ không phải sau này, nằm ở kế hoạch mua hệ thống S-400 của IAF.
Cụ thể, theo vị chuyên gia, độ cao trung bình của cao nguyên Tây Tạng là 4.500m. Trong khi đó, máy bay bay của PLAAF, dù là tầm thấp, sẽ chỉ bay hiệu quả ở độ cao từ 5.000m.
Các hệ thống S-400 của IAF, khi được bố trí ở độ cao khoảng 500m sẽ có thể phát hiện các máy bay chiến đấu bay tầm cao tương đối và các máy bay không người lái tầm trung của PLA trước khi chúng băng qua LAC.
"Ngược lại, các hệ thống S-400 của PLA, do đặt ở độ cao lớn và bị các ngọn núi cao che khuất, sẽ không thể phát hiện các máy bay của IAF bay ở độ cao 5.000m" – ông Thakur nói.
Bàn về vai trò của tên lửa BrahMos-A Ấn Độ và các hệ thống phòng thủ tên lửa của Trung Quốc trong trường hợp nổ ra xung đột, ông Thakur cho rằng, do có tốc độ siêu thanh và độ chính xác cao, tên lửa BrahMos-A sẽ tạo ra mối đe dọa rất lớn đối với các trung tâm chỉ huy-kiểm soát của PLA.
Đường bay của nó có thể được lập trình để tối ưu hóa khả năng ngụy trang bằng địa hình, loại bỏ nguy cơ bị đánh chặn bởi các hệ thống chống tiếp cận của đối phương.
Nếu tên lửa bắt đầu quá trình phân tách sau khi xâm nhập vào không phận vùng Tây Tạng do Trung Quốc kiểm soát, và được lập trình để bay tầm thấp, thì BrahMos-A có thể tấn công vào các cở sở tiếp tế sâu bên trong lãnh thổ đối phương.