Ảnh minh họa
Trong một bài phát biểu tại Moscow, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã đề cập đến các nỗ lực của phương Tây gần đây nhằm duy trì mô hình trật tự thế giới đơn cực.
Ngoại trưởng Lavrov cho rằng ý tưởng đơn cực trong hệ thống đa cực của liên minh châu Âu sẽ phải tự biến mất đồng thời cảnh báo các chính sách gần đây của Đức đang ngầm định vai trò đi đầu trong liên minh châu Âu với ý tưởng này.
"Đức gần đây thể hiện vai trò đứng đầu châu Âu, khẳng định sự trở lại mạnh mẽ của Đức vốn dĩ đã từng tồn tại trước đây", ông Lavrov nhấn mạnh.
Vào tháng trước, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer đã kêu gọi gia tăng chi tiêu quân sự bất chấp làn sóng dịch bệnh ở nước này.
Trong bài phát biểu tháng trước nhân dịp kỷ niệm 65 năm ngày thành lập quân đội Đức, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier cho rằng châu Âu có thể sẽ không còn quan trọng đối với Mỹ như trước đây nữa. Vì vậy, "tôi nhận thấy đất nước của chúng ta phải có trách nhiệm gấp đôi", trong đó khẳng định sự lãnh đạo của Đức đối với châu Âu và vai trò mạnh mẽ của Berlin trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương.
Ngân sách quốc phòng của Đức tiếp tục tăng khoảng 10% trong năm ngoái. Tổng thống Steinmeier khẳng định quân đội phải được trang bị tốt nhất có thể để hoàn thành các sứ mệnh được giao.
"Những người lính phục vụ trong chiến đấu có thể phải đối mặt với sự tổn thương về tâm lý hoặc thể chất. Cuộc chiến của họ là cuộc chiến của chúng ta. Điều đó thực sự quan trọng trong xã hội. Mọi thứ cần phải đồng cảm và quan tâm", ông nói.
Theo Asia Times, trong thời gian tới, lập trường của EU về tình hình Iran đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Thái độ của Đức đối với vấn đề hạt nhân Iran đã thay đổi và đó có thể là chính sách mới của EU nhằm đạt được điều mà Tổng thống Trump đã không làm được trong chính sách gây áp lực tối đa đối với Tehran.
Trong bài phỏng vấn trên tờ báo Đức - Der Spiegel tháng này, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas lưu ý: "Nếu việc quay trở lại thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 không thể đạt được thì sẽ phải tiến tới một loại thỏa thuận hạt nhân bổ sung khác. Chúng tôi kỳ vọng rõ ràng về một Iran không vũ khí hạt nhân cũng như không có bất kỳ chương trình tên lửa đạn đạo nào đe dọa toàn bộ khu vực. Chúng ta cũng cần phải đạt được một thỏa thuận giá trị. Tôi sẵn sàng phối hợp với các đối tác là Pháp và Anh về vấn đề này".
Đây là lần đầu tiên mà Bộ trưởng Ngoại giao Đức lên tiếng rõ ràng về một thỏa thuận hạt nhân tốt hơn với Iran. Trong khi đó, ông Miguel Berger - Thư ký Văn phòng Đối ngoại Liên bang Đức khẳng định cam kết "phản ứng kiên quyết" với các động thái của Iran trong khu vực cũng như áp dụng các biện pháp trừng phạt nếu cần thiết.
Đáng chú ý, các bình luận diễn ra trong bối cảnh cần có một thỏa thuận hạt nhân đáp ứng kịp thời sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân 2015 đồng thời nhận thức rõ sự cảnh giác của Iran đối với bất kỳ đàm phán mới nào.
Về cơ bản, Đức vẫn bày tỏ nghi ngờ về ảnh hưởng mạnh mẽ của Iran ở khu vực có thể gây ra áp lực cho Berlin trong tương lai. Và Đức cũng không hề vội vàng hối thúc Mỹ và Iran quay trở lại thỏa thuận 2015.
Trong bối cảnh như vậy, Berlin hiện đang khiến cho mọi thứ trở nên phức tạp hơn khi yêu cầu phía Tehran có nhượng bộ mới liên quan đến vấn đề "phi hạt nhân", bao gồm chương trình tên lửa đạn đạo. Giới quan sát cho rằng, nếu Đức thiện chí thực sự thì nước này nên tập trung thông điệp khuyến khích Mỹ tham gia JCPOA nhanh chóng và vô điều kiện.
Trong khi đó, vào ngày 3/12, Đức đã chuyển giao tàu chiến đầu tiên trong số 4 tàu chiến do nước này sản xuất. Loại tàu chiến này có trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa và hỏa tiễn, tên lửa phòng không và chống hạm, ngư lôi và bệ phóng nâng cấp cho trực thăng tấn công mới nhất của Israel.
Tổng tham mưu trưởng IDF, Trung tướng Aviv Kohavi đã mô tả đây là một trong số các máy bay chiến đấu tối tân nhất trên thế giới thể hiện một bước tiến đáng kể đối với quân đội của Israel nhằm đảm bảo sức mạnh trên biển và hoạt động hải quân.
Theo chuyên gia, điều quan trọng là Đức đang từ chối xu hướng hình thành một thế giới đa cực. Đức sẽ xác định lợi ích chính sách khu vực của mình cùng với Mỹ nhưng trong quan hệ đối tác cân bằng, trong đó chắc chắn Berlin mong muốn có nhiều vai trò trong việc đưa ra quyết định chính trị. Còn với NATO, quốc gia này ắt hẳn sẽ thúc đẩy vai trò dẫn đầu của trụ cột châu Âu, trong đó Berlin theo đuổi chính sách an ninh trong nhiều lĩnh vực từ Sahel đến Địa Trung Hải, Viễn Đông và Trung Đông.