Khu vực này thuộc quản lý của Trạm biên phòng Kẻng Mỏ thuộc Đồn biên phòng Ka Lăng.
Đường lên Kẻng Mỏ xa diệu vợi, nếu từ thành phố Lai Châu đi vào Ka Lăng phải mất 7 tiếng di chuyển và đây thực sự là chuyến đi mạo hiểm, rất cần sức khỏe nhưng bù lại là cảnh núi rừng hết sức hùng vĩ.
Từ Ka Lăng, muốn vào Kẻng Mỏ phải di chuyển thêm 2h đồng hồ xuyên qua những tán rừng nguyên sinh, trên con đường một bên vực sâu hun hút, một bên là những đỉnh núi quanh năm mây mù bao phủ.
Khung cảnh buổi sáng tại Ka Lăng.
Ấy vậy, con đường này mới làm vài năm gần đây còn trước kia, những người lính biên phòng muốn lên Kẻng Mỏ buộc phải đi xuồng dọc sông Đà, đối diện với sự hiểm nguy dòng sông mang lại.
Giờ đây, tuy đã có đường ô tô vào tận nơi nhưng Kẻng Mỏ vẫn là trạm biên phòng không điện lưới, không sóng điện thoại, cách khu dân cư gần nhất 22km và gần như quanh năm không có người lại qua.
Bất chấp thiếu thốn, những người lính nơi đây vẫn bám trụ từng tấc đất của tổ quốc, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới.
Trạm biên phòng Kẻng Mỏ được xây dựng tạm từ lâu và hiện vẫn chưa có điện lưới, sóng điện thoại.
Kiểm tra vũ khí, trang bị trước khi tuần tra biên giới.
Đây là cây cầu đầu tiên thuộc nước ta trên sông Đà nếu tính từ thượng nguồn xuống.
Sông Đà nơi đây hung dữ giống như Nguyễn Tuân viết: "Nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió, cuồn cuộn luồng gió gùn ghè suốt năm". Được biết, từng có một phóng viên bị nước nhấn chìm khi đi thuyền quay phim trên sông.
Tại ngã 3 này, Đồn biên phòng Ka Lăng quản lý cột mốc 18, đồn Mù Cả quản lý 1 cột mốc khác và phía Trung Quốc quản lý một cột (khu vực bê tông màu trắng ờ giữa ảnh).
Đường tuần tra của bộ đội biên phòng Đồn Ka Lăng.