Bài viết của tác giả Đỗ Giang Long trên nền tảng Toutiao (Trung Quốc)
Thời trẻ cảm thấy hơn bạn hàng xóm về mọi mặt
Tôi và ông Trương hàng xóm bằng tuổi, quen nhau từ hồi dọn về cùng khu phố. Không hiểu vì lý do gì tôi luôn thích so sánh mình với lão Trương dù chúng tôi vẫn duy trì tình bạn tốt đẹp. Thực tế là về học vấn hay công việc ông Trương đều thua tôi một chút, con trai tôi học trường cấp 3 trọng điểm còn con người bạn hàng xóm học trường nghề.
Trò chuyện với ông Trương, tôi kể về việc thầy cô và môi trường ở cấp 3 trọng điểm tốt ra sao, thành tích của con trai tôi tiến bộ thế nào. Tốt nghiệp cấp 3, con tôi đỗ vào trường đại học top đầu như mong muốn còn con trai ông Trương đang chuẩn bị đến xưởng thực tập. Bắt đầu từ lúc này tôi không còn so sánh 2 đứa trẻ vì cảm nhận chúng đã đi 2 con đường hoàn toàn khác nhau. Dù vậy ông Trương vẫn luôn hài lòng với cuộc sống của bản thân, luôn động viên con cố gắng.
Con trai tôi học lên cả Thạc sĩ rồi ra nước ngoài làm việc, hàng xóm xung quanh đều vui vẻ chúc mừng khiến tôi “phổng mũi” tự hào. Con trai hứa khi kiếm được nhiều tiền sẽ đưa tôi đi du lịch nước ngoài, sống cuộc sống hưu trí không phải lo lắng. Lời hứa này làm tôi cảm thấy mình như “người chiến thắng” so với những người bạn cùng trang lứa. Thế nhưng mọi chuyện đã thay đổi kể từ khi bước sang tuổi 60.
Tuổi già mới biết hạnh phúc không phải “hơn thua”
Niềm hạnh phúc của “người chiến thắng” bắt đầu phai nhạt khi tôi nhận ra sau khi nghỉ hưu tôi không vui vẻ như ông Trương. Khi con người già đi, ham muốn hơn thua cũng không còn mạnh mẽ như trước, thay vào đó ai cũng mong muốn có được sự quan tâm và chăm sóc từ con cháu.
Con trai ông Trương đã trở thành người giám sát trong nhà máy, lương không quá cao nhưng tuần nào cũng về thăm bố. Khi về sẽ đều mua quà cho bố mẹ, sau đó cả gia đình họ ăn bữa cơm chung rất vui vẻ. Trong khi đó con trai tôi ở nước ngoài chỉ về thăm nhà 1 năm 1-2 lần, chỉ có 2 vợ chồng tôi lủi thủi trong căn nhà hiu quạnh. Ông Trương bắt đầu có cháu bế, không khí trong gia đình tràn ngập hạnh phúc. Tôi thử ngỏ lời nói con hãy về nước lập nghiệp nhưng con tôi vẫn khẳng định muốn phát triển sự nghiệp ở nước ngoài, cũng chưa muốn lập gia đình vội.
Ba năm trước, vợ tôi lâm bệnh nặng rồi qua đời, con trai tôi nói rằng lo lắng tôi sẽ ở một mình cô đơn nên ngay lập tức đưa ra quyết định cho tôi vào viện dưỡng lão. Tôi miễn cưỡng đồng ý vì cũng không chắc mình có thể chăm sóc bản thân, thế nhưng môi trường viện dưỡng lão lại khiến tôi mệt mỏi hơn. Sau 2 năm, tôi trở về nhà cũ thăm những người bạn cho đỡ buồn.
Vừa bước vào khu phố, tôi nhìn thấy lão Trương đang đi cùng cháu trai 5 tuổi. Người bạn hàng xóm vui vẻ chào hỏi tôi, nói nếu không gặp hôm nay không biết bao giờ mới gặp lại. Tôi tỏ ra ngạc nhiên, ông Trương giải thích vì sắp theo con trai lên thành phố, như vậy gia đình có thể đoàn tụ mà cháu trai cũng có người chăm sóc.
Tôi cùng người bạn lâu năm chơi vài ván cờ rồi chào tạm biệt, thật lòng chúc mừng ông Trương dù điều kiện hiện giờ của tôi chẳng còn có thể so sánh với người bạn này nữa. Một mình trong căn nhà cũ, tôi nhận ra đời chẳng nói trước điều gì, không thể biết được những gì có thể xảy ra trong tương lai. Vậy nên con người đừng vì một phút cảm thấy bản thân vượt trội hơn người khác mà tự đắc. Hạnh phúc thực sự không phải việc so sánh về những thứ như học vấn, điều kiện vật chất mà cần học cách hài lòng với những gì mình có.