"Cụ ông" tiêm kích đánh chặn MiG-21 sẽ sống tới trăm tuổi?

Anh Tuấn |

Máy bay MiG-21 được hứa hẹn có thể tồn tại trong 100 năm và là một trong những phi cơ đánh chặn siêu thanh nổi tiếng nhất của chiến tranh hiện đại.

Cụ ông tiêm kích đánh chặn MiG-21 sẽ sống tới trăm tuổi? - Ảnh 1.

Việc nghiên cứu chế tạo máy bay MiG-21 bắt đầu vào năm 1953. Khi đó, MiG-15 và MiG-17 đã khẳng định rằng Liên Xô có thể chế tạo những phi cơ không thua kém các nước phương Tây.

Khi đó Liên Xô cũng có trong tay MiG-19, máy bay siêu thanh đầu tiên của nước này. Tuy nhiên, sự phát triển công nghệ quân sự nhanh chóng đã khiến nhiều máy bay Nga không đủ khả năng đối phó với máy bay Mỹ. Do đó MiG-21 được thiết kế nhằm thay đổi tình thế.

MiG-21 có thể đạt tốc độ hơn Mach 2, được trang bị từ 2 đến 6 tên lửa không đối không cùng pháo. Giống như nhiều loại máy bay chiến đấu khác của Liên Xô, nó được trang bị một hệ thống radar đơn giản, buộc các phi công chiến đấu phải tiếp nhận thêm thông tin từ đài không lưu dưới mặt đất.

Từ năm 1959 đến 1985, Liên Xô đã sản xuất tổng cộng 10.645 máy bay MiG-21. Ấn Độ cũng chế tạo thêm 657 chiếc nữa, Tiệp Khắc cũng cho ra 194 phiên bản MiG-21 nữa dưới sự cho phép của Moscow. 

Trung Quốc đã sao chép các công nghệ trên máy bay MiG-21 và chế tạo hơn 2.400 máy bay Chengdu J-7/F-7 từ năm 1966 đến 2013. Điều này có nghĩa là, MiG-21 trở thành máy bay siêu thanh được sản xuất nhiều nhất trong lịch sử.

Tốc độ của MiG-21 và khả năng xoay trở trên không của nó không thua kém những phi cơ chiến đấu ngay nay. Nó cũng là một trong những máy bay chiến đấu rẻ và dễ dàng bảo dưỡng, thực hiện rất tốt nhiệm vụ tuần tra không quân và không kích những mục tiêu quan trọng.

Các nước phương Tây nhận xét rằng MiG-21 không thể mang nhiều loại vũ khí, thiếu không gian để lắp đặt thiết bị điện tử hiện đại, và thiết kế khoang lái khiến phi công khó quan sát tình hình. 

Tuy vậy, vào thời Chiến tranh Lạnh, Mỹ đã thu được một số lượng khá lớn MiG-21, và các phi công Mỹ đã dành nhiều lời khen cho MiG-21 khi họ lái loại máy bay của Nga trong các buổi tập luyện không chiến.

MiG-21 đã có nhiều chiến công trên các chiến trường thời Chiến tranh Lạnh. Tại Việt Nam, tận dụng tốc độ và khả năng xoay trở của mình, MiG-21 được dùng để tấn công các oanh tạc cơ của Mỹ, đồng thời tránh các loại tên lửa không đối không của các máy bay chiến đấu hộ tống, rồi rút về căn cứ an toàn. 

Một trong những phi công lái MiG-21 nổi tiếng nhất của Việt Nam là Nguyễn Văn Cốc, người đã bắn rơi 9 máy bay trong suốt chiều dài Chiến tranh Việt Nam và trở thành phi công MiG-21 có thành tích tốt nhất mọi thời đại.

Không chỉ có Việt Nam, MiG-21 cũng xuất hiện thường xuyên tại khu vực Trung Đông, song không ghi được nhiều chiến công vang dội. Trong cuộc Chiến tranh Sáu ngày giữa Israel, Syria và Ai Cập, rất nhiều phi cơ MiG-21 đã bị máy bay Mirage III của Israel bắn rơi. 

Trong những cuộc xung đột sau đó, Israel tiếp tục tiêu diệt máy bay MiG-21 của các lực lượng không quân các nước trong khu vực. Đã có lúc máy bay chiến đấu của Israel phục kích và bắn hạ máy bay MiG-21 do phi công Liên Xô điều khiển.

Thành công của các máy bay của phương Tây trước MiG-21 ở khu vực Trung Đông đã khiến nhiều người tưởng rằng phi cơ chiến đấu của Liên Xô sẽ sớm rơi vào quên lãng. Thế nhưng, tại những khu vực khác, được điều khiển bởi những phi công có kinh nghiệm, MiG-21 đã giành được nhiều chiến công. 

Ví dụ, máy bay MiG-21 của Ấn Độ đã xuất hiện trong các cuộc xung đột giữa Pakistan và Ấn Độ, tiêu diệt nhiều máy bay của đối phương. MiG-21 cũng rất hiệu quả trong các cuộc không chiến trong chiến tranh Iraq và Iran.

Đến cuối thập niên 1980, số lượng MiG-21 hoạt động trong quân đội giảm dần do nhiều loại máy bay hiện đại hơn đã xuất hiện, cũng như sự kiện Liên Xô tan rã khiến sức mạnh quân sự của Nga bị giảm sút nghiêm trọng. Dù vậy, nhiều quốc gia vẫn sử dụng MiG-21 cũng như các phiên bản của loại máy bay này do Trung Quốc sản xuất.

Ngày nay, MiG-21 được 18 quốc gia tên thế giới sử dụng, trong đó có hai nước thành viên của NATO (Rumani và Croatia). Tính từ năm 1960, thời điểm máy bay chính thức được đưa vào sử dụng trong quân đội, đã có khoảng 40 quốc gia sở hữu máy bay chiến đấu này. Trung Quốc, Nga và Ukraine vẫn bảo dưỡng thường xuyên các máy bay MiG-21 hiện có.

Trung Quốc đã ngừng sản xuất J-7, đồng nghĩa với việc sẽ không có thêm phi cơ MiG-21 mới trong tương lai. Croatia và Rumani cũng sẽ cho ngừng sử dụng MiG-21 trong vòng 5 năm tới. Sau hàng loạt những vụ tai nạn, Ấn Độ cũng quyết định cho giải giáp loại phi cơ này. Máy bay J-7 giờ đây chỉ đóng vai trò bảo vệ lãnh thổ Trung Quốc cũng như huấn luyện phi công.

Tuy nhiên, một số máy bay J-7 và F-7 của Trung Quốc vẫn còn khá mới và có thể phục vụ trong quân đội trong vài năm. Bangladesh cũng mua về một chục chiếc F-7 vào năm 2013 và nhiều lực lượng không quân trên thế giới hiện không có nhu cầu thay thế MiG-21 bằng loại phi cơ mới hơn. 

Máy bay MiG-21 được hứa hẹn có thể tồn tại trong 100 năm và là một trong những phi cơ siêu thanh nổi tiếng nhất của chiến tranh hiện đại.

Nội dung được thực hiện qua tham khảo Tạp chí National Interest. National Interest được thành lập vào năm 1985. Tạp chí thường tập trung vào vấn đề chính sách đối ngoại và những lợi ích quốc gia của Mỹ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại