Bạn đọc Hoàng Văn Linh (Q.1, Tp Hồ Chí Minh) phản ánh, vào đầu tháng 6 vừa qua, anh bị thanh tra xây dựng xử phạt vi phạm hành chính về giao thông. Trong biên bản có ghi rõ hành vi vi phạm “để xe gắn máy ở hè phố trái quy định”.
Anh Linh cho biết, có vi phạm lỗi ấy và sẵn sàng chịu phạt, tuy nhiên tại sao thanh tra xây dựng lại có thẩm quyền xử phạt vi phạm giao thông?
Hơn nữa, trong khi thi hành nhiệm vụ, các thanh tra viên đi trên 1chiếc xe tải và xe máy, đồng thời cũng dựng xe máy vào đúng chỗ anh đã đỗ xe, còn khóa cổ...
Trả lời:
Liên quan đến vấn đề bạn Linh hỏi, chúng tôi được trả lời như sau:
Trước hết, việc bạn vi phạm lỗi này là có và theo quy định tại Nghị định 34/2010/NĐ - CP và Nghị định 71/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2010/NĐ-CP ngày 02 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ có quy định xử phạt đối với người điều khiển xe máy như sau:
Tại khoản 3, Điều 9 được sửa đổi. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
đ) Dừng xe, đỗ xe ở lòng đường đô thị gây cản trở giao thông; tụ tập từ 3 (ba) xe trở lên ở lòng đường, trên cầu, trong hầm đường bộ; đỗ, để xe ở lòng đường đô thị, hè phố trái quy định của pháp luật;
Và đối với các thành phố Trung ương: mức phạt này sẽ tăng từ 300.000 - 500.000 đồng đối với người điều khiển xe vi phạm một trong các hành vi quy định tại: Điểm đ, Điểm h Khoản 3 Điều 9 Nghị định này.
*/ Với lỗi của bạn ở đây đã thuộc về lỗi trong lĩnh vực giao thông. Theo thẩm quyền xử phạt đối với vi phạm trong lĩnh vực giao thông theo các quy định hiện hành thì thuộc về lực lượng cảnh sát nhân dân (cảnh sát giao thông và các lực lượng cảnh sát khác); chủ tịch UBND các cấp và ngoài ra là lực lượng thanh tra giao thông.
Và trong Nghị định 26/2013/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của thanh tra ngành Xây dựng có hiệu lực từ ngày 15/5/2013 cũng đã quy định rõ, không cho phép lực lượng thanh tra xây dựng được phép xử phạt vi phạm giao thông. Như vậy, việc xử phạt của thanh tra xây dựng ở đây là sai.
Tuy nhiên ở một số địa phương, Chủ tịch UBND cấp có thẩm quyền đang có ủy quyền cho một số lực lượng của cấp đó hoặc lực lượng mới là Trật tự đô thị (lực lượng này tổ chức và thành lập chưa có luật quy định) được lập biên bản, biên bản lập xong phải có chữ ký của người có thẩm quyền ký sau đó, khi ra quyết định xử phạt thì chỉ người có thẩm quyền mới ký được.
Bạn nên xem biên bản lập có ghi điều khoản và Nghị định nào không thì có thể xác định được là biên bản vi phạm hành chính đó thuộc lĩnh vựa nào (giao thông hay xây dựng).
Trong Nghị định số 23/2009/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở, chúng tôi không thấy có lỗi như bạn phản ánh.
Về việc này, bạn nên hỏi trực tiếp hoặc gửi đơn khiếu nại đến người có thẩm quyền ra quyết định để được trả lời thỏa đáng về hành vi hành chính hoặc quyết định hành chính mà bạn cho là chưa đúng thẩm quyền.
Bạn đọc có thể gửi các tình huống thắc mắc về tòa soạn theo email: cudanmang@soha.vn hoặc đóng góp ý kiến ở phần Comment cuối bài.