Biển cảnh cáo tiếng Việt tại Nhật: Xuất phát từ hành vi xấu của người Việt

Hoàng Đan |

(Soha.vn) - "Việc có biển cảnh báo tiếng Việt như vậy có thể xuất phát từ thực tế một số người Việt Nam tại Nhật đã thực hiện những hành vi xấu, vi phạm pháp luật", anh Nguyễn Đăng Tuệ chia sẻ.

Liên quan đến bức ảnh biển cảnh báo bằng tiếng Việt được anh Đỗ Công Trọng chụp lại trong một siêu thị tại thành phố Saitama (Nhật Bản) đang gây xôn xao cộng đồng mạng, trao đổi với PV, anh Nguyễn Đăng Tuệ, người từng là Trưởng ban tổ chức chương trình Day VietNam 2011 tại Nhật Bản cho biết, đây là lần đầu anh gặp một biển cảnh báo bằng tiếng Việt có nội dung như trên tại Nhật.

Anh Nguyễn Đăng Tuệ, nguyên Trưởng ban tổ chức chương trình Day Vietnam 2011 tại Nhật Bản. Ảnh Pho Ba Quoc Huy.
Anh Nguyễn Đăng Tuệ, nguyên Trưởng ban tổ chức chương trình Day Vietnam 2011 tại Nhật Bản. Ảnh Pho Ba Quoc Huy.

"Trong thời gian sinh sống tại Nhật (từ tháng 9/2007 đến 9/2012) tôi chưa từng gặp biển cảnh cáo nào bằng tiếng Việt. Khi được biết thông tin này, tôi rất buồn và sốc.

Tôi cho rằng việc có biển cảnh báo tiếng Việt như vậy có thể xuất phát từ việc thực tế có thể có những người Việt Nam tại Nhật không tuân thủ luật pháp nước bạn, thực hiện những hành vi xấu. Những người này có thể còn chưa đọc thông viết thạo tiếng Nhật dẫn tới người Nhật phải viết cảnh báo bằng tiếng Việt.

Những người như vậy chắc chắn chỉ chiếm thiểu số trong cộng đồng người Việt Nam tại Nhật nhưng cách ứng xử của họ đang làm xấu đi hình ảnh của người Việt Nam trong mắt các bạn Nhật.

Người Việt Nam ở Nhật từ trước đến nay trong mắt người Nhật vẫn là một dân tộc mạnh mẽ, thông minh, chăm chỉ làm ăn và sát cánh với người Nhật khi họ có khó khăn (như sau trận động đất năm 2011).

Việc xảy ra những hành vi coi thường luật pháp là việc đáng lên án ở bất kể nước nào. Những bạn bè, anh em của tôi hiện đang sống ở Nhật cũng cho biết rất bức xúc với hiện tượng này", anh Tuệ cho hay.

Cũng từ thực tế, anh Tuệ đã đưa ra một số nguyên nhân được cho là dẫn tới việc xuất hiện hiện tượng biển cảnh báo bằng tiếng Việt.

"Việc giáo dục về đạo đức, luật pháp đối với những người Việt Nam sang lao động, tu nghiệp, du học tại Nhật chưa tốt. Do vậy khi sang Nhật, khi thấy không bị kiểm soát chặt chẽ như ở Việt Nam, một số người đã không chiến thắng được lòng tham của mình. Một số người thấy những hành vi xấu của bạn mình (như trốn vé tàu) chưa bị bắt, trừng trị ngay nên làm theo.

Đồng thời, việc quản lý, hỗ trợ người Việt Nam sang công tác, học tập tại Nhật hiện nay buông lỏng so với thời gian trước. Trước đây khi được gửi sang Nhật để học tập, các tổ chức giáo dục du học tuyển chọn rất kỹ lưỡng. Chỉ những sinh viên đáp ứng được các yêu cầu khắt khe mới được gửi đi.

Trước khi sang Nhật, các học viên đều phải bắt buộc học tiếng Nhật cơ bản tại Việt Nam và sau khi sang Nhật tiếp tục học tiếng nên việc hòa nhập rất nhanh và có thể tìm được những công việc làm thêm phù hợp, đem lại thu nhập cho cuộc sống của mình.

Biển cảnh cáo này đang tạo nên những phản ứng trái chiều từ cộng đồng mạng (Ảnh chụp từ facebook)
Biển cảnh cáo này đang tạo nên những phản ứng trái chiều từ cộng đồng mạng (Ảnh chụp từ facebook)

Nhưng hiện nay nhiều công ty du học đặt mục tiêu lợi nhuận ngắn hạn, hướng đến việc thu hút và tổ chức cho càng nhiều học viên Việt Nam sang Nhật càng tốt. Những công ty đó gửi đi những lưu học sinh Việt Nam chưa được trang bị những kiến thức cơ bản về cuộc sống ở Nhật, chưa được chuẩn bị về ngôn ngữ, tài chính, tinh thần cho cuộc sống bước đầu khó khăn ở một đất nước đắt đỏ nhất thế giới.

Nhiều lưu học sinh sau một thời gian không quen với áp lực cuộc sống, thiếu thốn vật chất, tinh thần dẫn tới sa ngã. Những bạn có ý định đi du học, tu nghiệp hay làm việc tại Nhật cần cân nhắc kỹ khi lựa chọn công ty.

Thứ nữa là, cộng đồng Việt Nam ở Nhật hiện nay tổ chức còn tự phát, thiếu đi một cầu nối thực sự giữa những người Việt tại nước bạn.

Nhiều người Việt Nam mới sang Nhật còn bỡ ngỡ không tìm được trợ giúp từ cộng đồng mình. Nhiều người sống lâu năm tại Nhật sẵn sàng giúp đỡ cộng đồng nhưng chưa tìm được kênh thích hợp để phát huy khả năng. Hội người Việt Nam tại Nhật đã được thành lập nhưng hoạt động mang tính hình thức, số thành viên ít.

Do đó một số người Việt rơi vào hoàn cảnh khó khăn do thiếu thốn, không được chỉ dẫn, hỗ trợ và cảnh báo kịp thời dẫn đến những hành vi sai trái", anh Tuệ nhấn mạnh.

Anh Tuệ cũng cho hay, việc người nước ngoài sang Nhật có những hành vi vi phạm pháp luật đã xảy ra và không phải cá biệt đối với người Việt.

"Tôi đã từng đọc những nội dung cảnh báo người nước ngoài vi phạm pháp luật bằng tiếng Anh và tiếng Trung Quốc. Năm 2007-2008, cảnh sát Nhật đã thực hiện một chiến dịch quy mô lớn trục xuất những người cư trú bất hợp pháp tại Nhật. Thông báo về việc này được ghi bằng tiếng Nhật và tiếng nước ngoài, đồng thời được gửi tới các cơ quan, trường đại học ở Nhật", anh Tuệ nói.

Trong khi đó, trao đổi với PV vào chiều 11/6, anh Đặng Công Trọng cho biết, biển cảnh báo bằng tiếng Việt mà anh chụp vào ngày 19/3 đã được siêu thị có địa chỉ tại 337-0008 Saitama Minuku, Saitamashi,15-2 Haruoku 1- Choome Nhật Bản tháo bỏ.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại