Những năm gần đây, rác đã trở thành nỗi ám ảnh đối với nhiều người khi mỗi ngày bước chân ra đường đều dễ dàng bắt gặp những xe rác nối đuôi nhau xếp hàng dài trên phố.
Xe nào cũng đầy ứ rác thảo bốc mùi đợi được chở đi. Thử nhớ lại cảm giác buổi trưa nắng gay gắt, mùi rác xộc lên nồng nặc, không gian bị ám mùi rác thải khiến bạn ngộp thở, lúc ấy cảm giác của bạn như thế nào?
Clip về nạn vứt rác bữa bãi ở Hà Nội - (Thực hiện: Kiên Nguyễn).
Thế nhưng, có vẻ như, ngần ấy vẫn không đủ khiến người ta có cảm giác bứt rứt, áy náy mỗi khi vứt rác bừa bãi, xả rác không đúng nơi quy định.
Bất chấp những lời tuyên truyền, quy định xử phạt của các khu dân cư, tổ dân phố... nạn xả rác bừa bãi vẫn tiếp tục diễn ra. Thậm chí có nơi càng cấm, càng bắc loa kêu gọi, người dân càng xả rác nhiều hơn.
Sáng sớm, chiều tối, đêm muộn, rác vẫn xuất hiện ở mặt đường, lề phố. Dù cho các đội công nhân vệ sinh môi trường đã cố gắng hết sức, "còng lưng" dọn rác nhưng chỉ cần họ quay đi một lát, khi nhìn lại, đường phố đã ngập rác.
Và, dịp 20/10 mới đây là một ví dụ như thế. Trong ngày lễ tôn vinh phụ nữ ấy, những bó hoa - quà tặng được phái mạnh ưu tiên dành tặng các chị em, đáng lẽ phải là thứ rất được trân trọng thì ngược lại, chúng bị vứt chỏng chơ ngay giữa lề đường, hè phố.
Kết quả là sau ngày 20/10, nhiều xe rác lại kĩu kịt chở nặng đầy những bó hoa, nhiều khi vẫn con tươi rói, về bãi tập kết rác thải.
Hay tương tựu như dịp Tết Trung thu vừa qua. Đêm trăng tròn, hàng nghìn người đổ ra đường, hân hoan trong niềm vui đoàn viên và thưởng ngoạn không khi huyên náo trên khắp phố phường.
Thế nhưng, khi cuộc vui đã tàn... vẫn như mọi lần, thứ còn lại trên đường vẫn cứ là rác.
Để rồi, khi hàng nghìn người ấy trở về nhà, vui vẻ khép đôi mi sau một ngày tràn đầy hạnh phúc thì ở đâu đó, trên đường phố Thủ đô, những người lao công lại miệt mài thu dọn rác thải - thứ mà người ta đã bỏ lại trên vỉa hè, lòng đường sau khi đã không còn giá trị phục vụ cho cuộc vui của họ.
Chúng ta sẽ đồng tình hay phản đối nạn vứt rác bừa bãi? Có lẽ khi được hỏi, bất cứ ai cũng lên tiếng phản đối.
Thế nhưng, liệu trong lúc mải mê theo đuổi niềm vui riêng, khi đã lẫn vào một đám đông sôi động, chúng ta, liệu có đủ tỉnh táo để nghĩ đến những tác hại xấu xa của việc tiện tay xả rác hay đơn gản chỉ là kịp ngoái đầu nhìn lại, áy náy và xấu hổ với người lao công đi don rác phía sau lưng mình?
Nếu chúng ta có một chút tỉnh táo, một chút xấu hổ đầy tự trọng ấy, có lẽ nạn xả rác bừa bãi sẽ không phải là một câu chuyện dài đến thế.
Từng ngày, mỗi khi ra đường, chúng ta lại dễ dàng bắt gặp những tấm biển, baner yêu cầu xả rác đúng nơi quy định, bắt gặp những xe rác đầy ú và hình ảnh người lao công mệt nhọc đẩy chúng lê khắp đường... nhưng tất cả chúng ta, đều lặng lẽ lướt qua.
Nhiều người, thậm chí còn gạt đi, xem như đó là chuyện bao đồng, không cần bận tâm. Họ vẫn nghĩ, những đống rác bừa bộn ngoài đường kia là của ai đó vứt ra chứ không phải là của họ.
Nhưng khi xem những hình ảnh rác tràn lan khắp mọi nơi sau dịp Tết trung thu vừa qua và những kỳ nghỉ lễ khác, hay đơn giản là dịp bắn pháo hoa dù chỉ 15 phút, chắc hẳn, nhiều người sẽ phải giật mình suy nghĩ về văn hóa xả rác của chính mình.