Nhà báo Anh Ngọc: Đừng xách ba lô lên và đi với cái đầu rỗng

Thiên Di |

(Soha.vn) - Theo nhà báo Trương Anh Ngọc, việc đi như Huyền Chip dễ trở thành một hiện tượng.

Xung quanh câu chuyện về chuyến hành trình 25 nước và cuốn “Xách ba lô lên đường và đi” của Huyền Chip, chúng tôi có cuộc trò chuyện với nhà báo, BLV bóng đá, đồng thời là tác giả của cuốn “Phút 90++, ký sự Nam Phi, Ukraina và 10 nghìn cây số”, Trương Anh Ngọc.

Cuốn truyện kể về những chuyến đi dài ở các giải bóng đá lớn EURO 2008, World Cup 2010 và EURO 2012. Trong các chuyến đi. những điều mà anh được chứng kiến không chỉ là bóng đá, mà còn là những số phận của biết bao con người trong bóng tối.

Huyền Chip dám nghĩ, dám làm

- Anh đã đọc “Xách ba lô lên đường và đi” của Huyền Chip chưa?

Nhà báo Anh Ngọc: Tôi chưa từng đọc cuốn sách đó và cũng chưa gặp cô bé Huyền Chip bao giờ, tôi chỉ nghe thông tin dư luận. Bởi tư duy về đi của tôi khác với Huyền.

Nhà báo, bình luận viên Trương Anh Ngọc khuyên bạn trẻ nên đi và viết.

Nhà báo, bình luận viên Trương Anh Ngọc khuyên bạn trẻ nên đi và viết.

- Tư duy đi khác như thế nào thưa anh?

Nhà báo Anh Ngọc: Tôi đi như một người phượt nhưng không viết theo kiểu phượt. Tôi không kể lại chuyến hành trình đó một cách tỉ mỉ, mà viết cảm nhận về cuộc sống, con người ở đó. Đi với tôi như thế nào chỉ là một phương thức để đến một địa điểm nào đó, trong hành trình gặp gỡ các nhân vật trong bài báo của tôi. Họ có thể là bất cứ ai.

Tôi có thể ngồi cùng đám cùng đinh nói chuyện trên những chuyến tàu sang Nam Phi hoặc đến những khu ổ chuột đầy rẫy nguy hiểm…Tôi cố gắng khắc họa chân dung của những con người đó để thấy được văn hóa, xã hội, cuộc sống của họ đằng sau sân cỏ, kiểm nghiệm xem những gì tôi trải nghiệm ở đó khác gì so với những gì tôi đọc được trước đó.

Trước khi đến một đất nước, thành phố, tôi tìm hiểu rõ thông tin về nơi sẽ đến. Ví dụ như cách đây 10 năm, tôi là phóng viên Việt Nam duy nhất theo chân Đội tuyển Việt Nam đến Oman để đưa tin về vòng loại Asian Cup 2004.

Tôi phải tìm hiểu rất kỹ Liên đoàn bóng đá ở đâu để đến liên hệ và lấy thẻ, người phụ trách thông tin của họ như thế nào, xác định múi giờ chênh lệch là bao nhiêu, quán internet nằm ở đâu, giá cả là như thế nào, ăn đồ Hồi giáo như thế nào, cách chống nóng ra sao…

Tôi đi và luôn ghi chép, ghi chép rất nhiều, thậm chí là ghi chép trên những mẩu bao thuốc lá về những gì tôi cảm nhận được. Tôi cũng chụp ảnh nhiều và gần như liên tục, bởi tôi coi ảnh là một phương thức lưu trữ không gian về địa điểm, văn hóa ở nơi đó và cả cảm xúc của tôi khi chụp.

Tôi cũng không bao giờ thống kê số nước tôi đi mà chỉ “thống kê” cảm xúc khi tôi qua những vùng đất đó. Tôi cũng muốn xem mình hiểu gì, biết gì, điều gì chưa rõ, cần bổ sung, điều gì đã biết hoặc chưa biết về nơi ấy.

- Là một người đi và trải nghiệm ở nhiều nước trên thế giới, anh có nhận xét gì về cách đi của Huyền Chip, liệu có quá liều lĩnh đối với một cô gái còn quá trẻ không?

Nhà báo Anh Ngọc: Đi như Huyền Chip là sự trải nghiệm, là thử thách sự chịu đựng của mình.

Ở nước ngoài, có người đi không đi theo lịch trình nào cả, thậm chí trong túi họ không có một xu. Tôi đã từng gặp hai cô gái người Argentina trên một chuyến tàu ở Nam Phi. Họ đi vòng quanh thế giới, đến bất kỳ vùng đất nào họ muốn, kiếm việc làm ở nơi đó.

Họ cũng có thể gắn bó, lập gia đình ở bất cứ đâu…Nhưng tại sao họ đi được như vậy? Là bởi vì vốn sống, vốn văn hóa của họ rất lớn. Bản thân họ cũng rất cởi mở và chấp nhận cuộc sống xê dịch. Ngay từ tiểu học họ được học cách tự lập, đối phó với rủi ro, có những kĩ năng sống tối thiểu...

Theo tôi, đi như Huyền Chip mà trở về được là tốt. Tuy nhiên không thể “nhân bản” được, vì mỗi người đi theo cách khác nhau, có cách nhìn riêng, tùy thuộc vào hoàn cảnh và quan điểm sống của họ. Người này đi được nhưng người kia chưa chắc đi được.

Cần phải xác định đi để làm gì, chứ đừng nghĩ là đi để làm người hùng. Cũng cần thu thập thông tin càng nhiều càng tốt trước, trong và sau cả chuyến đi. Tôi thấy ở nước ngoài 1 ngày bằng 3 – 4 ngày ở Việt Nam. Đi ra ngoài thế giới khiến mình năng động hơn.

Cái hay của Huyền Chip là dám nghĩ, dám làm, dám đi. Ở tuổi như vậy mà đi như thế là khá, vì không phải ai cũng một mình dám đương đầu với rủi ro như vậy. Nhưng cũng phải xác định mục tiêu rõ ràng, thông tin thật kỹ đừng để rơi vào rủi ro nguy hiểm tính mạng.

Đừng đi với cái đầu rỗng…

- Vậy tại sao Huyền Chip lại bị “ném đá” lên án nhiều đến như vậy khi ra mắt cuốn sách “Xách ba lô lên đường và đi” kể về chuyến hành trình của mình?

Nhà báo Anh Ngọc: Ở nước ngoài, việc đi phượt, bụi như vậy là phổ biến, nhất là khi thế giới trở nên toàn cầu hóa và cơ hội đi trở nên nhiều và rẻ hơn. Còn ở Việt Nam thì hiếm. Việc đi như Huyền dễ trở thành một hiện tượng! Theo tôi được biết, thì trong cuốn sách có những điểm khiến nhiều người nghi ngờ, và cuộc tranh luận đã diễn ra khá dữ dội. Tôi không biết cuộc tranh luận này bao giờ sẽ kết thúc, nhưng sẽ phải có một điểm dừng. Vấn đề là nó sẽ dừng như thế nào.

Huyền Chip và cuốn

Huyền Chip và cuốn "Xách ba lô lên và đi" gây xôn xao dư luận.

- Anh có “bênh” Huyền Chip và cho rằng những người “ném đá”, buộc tội tác giả là chưa đúng?

Nhà báo Anh Ngọc: Tôi tôn trọng Huyền Chip, cuốn sách của cô bé cũng như tôn trọng dư luận. Đây là cuộc tranh luận thể hiện sự phản biện. Qua đây, chúng ta càng ngày càng biết đưa ra những tranh luận và chính kiến của riêng mình, dù là theo chiều nào.

Còn dư luận, tôi không nói họ sai. Họ cứ đưa ra quan điểm, chính kiến của mình. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở việc chứng minh tác giả cuốn sách không trung thực thì chưa ổn lắm, mà cũng nên đi. Tất cả chúng ta, nếu có cơ hội, đều nên đi, đi bằng nhiều cách, không phải để chứng minh Huyền Chip sai hay đúng, mà để trải nghiệm theo cách của mình.

Những người nghi ngờ, thắc mắc về chi tiết trong cuốn sách đã đưa ra chứng cứ như vậy chắc chắn họ có lý do. Một cuốn sách ra mắt, có phản hồi, phản biện là điều đáng mừng chứ!

Cuộc tranh luận vẫn còn đang tiếp tục, thậm chí độc giả Trần Ngọc Thịnh còn kêu gọi chữ ký cho hàng trăm người và gửi Thư kiến nghị lên Cục Xuất bản và Nhà xuất bản sách yêu cầu làm rõ và dừng xuất bản cuốn sách vì có yếu tố phạm pháp.

Nhà báo Anh Ngọc: Chừng nào thấy cuốn sách có dấu hiệu mang tính phạm pháp, ảnh hưởng không tốt thì các nhà chức trách sẽ có biện pháp của họ.

- Anh khuyến khích các bạn trẻ nên đi, đi nhiều hơn nữa?

Nhà báo Anh Ngọc: Các bạn trẻ cũng nên chịu khó đi, đi như thế nào là việc của các bạn. Chúng ta không thể ngồi một chỗ và nói “tôi không có tiền, tôi không đi”. Cái đó là ngụy biện! Khi có ước ao lớn lao thì hãy nuôi ước mơ trong người, chúng ta sẽ biết cách kiếm tiền để đi.

Nhưng tôi không khuyến khích đi liều lĩnh không cần thiết. Đi cần có tri thức và những kĩ năng cần thiết để áp ứng nhu cầu đi. Các tri thức và các kĩ năng ấy sẽ giàu lên sau mỗi chặng đi. Đừng đi với cái đầu rỗng. Tim có thể nóng nhưng đầu đừng rỗng!

Huyền chip đã làm được một điều là đi và chia sẻ. Sai hay đúng thì dư luận đã có tiếng nói về nội dung cuốn sách. Nhưng tôi tin, là ai cũng có những chuyến đi của riêng mình. Hãy đi với tri thức và có văn hóa. Không phải ai cũng là những nhà văn để có thể viết sách. Nhưng bạn có thể đi và chia sẻ các thông tin, hình ảnh và video cho bạn bè trên facebook. Tôi nhớ một nhà văn đã từng nói “càng đi nhiều càng khiêm tốn”.

- Người viết sách, truyện đều chịu nhiều sức ép từ dư luận. Là một người từng trải, anh có lời khuyên nào đến với Huyền Chip?

Nhà báo Anh Ngọc: Hãy đi tiếp. Mỗi lần đi là một lần trải nghiệm, giúp mình có thêm tri thức mới, sẽ mạnh mẽ, can đảm hơn. Nếu đã xác định đam mê là đi, cuộc đời là trên những con đường, thì đừng từ bỏ nó. .

Trân trọng cảm ơn anh!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại