Blogger gay gắt phản bác Trần Ngọc Thịnh - người tố Huyền Chip

Hải Hà (Tổng hợp) |

(Soha.vn) - Một blogger phân tích chuyện Huyền Chip và anh chàng Trần Ngọc Thịnh với lá đơn khiếu nại cuốn sách "Xách balô lên và đi" làm xôn xao cộng đồng mạng.

Với tựa đề " Huyền Chip vs. Foolbrighter Trần Ngọc Thịnh", một blogger có nickname Gladiatore Anarchia đã chia sẻ một bài viết dài phân tích những tranh cãi xung quanh Huyền Chip và anh Trần Ngọc Thịnh - chủ nhân lá đơn khiếu nại yêu cầu xác minh tính xác thực của cuốn "Xách ba lô lên và đi".

Huyền Chip và Trần Ngọc Thịnh: Ai làm nhục đất nước này hơn?
 

Nội dung bài viết của blogger Gladiatore Anarchia:

"1. Khúc dạo đầu

Tôi cho rằng mọi việc đã đi quá xa và khi viết bài này, tôi nghĩ mình nên bộc bạch tất cả, không ám chỉ bóng gió và né tránh. Tôi sẽ nêu ra một số cái tên và chịu mọi trách nhiệm về lời nói của mình.

Tôi đã từng tuyên bố mình không muốn nói về Huyền Chip (HC) và cuốn sách “Xách Ba lô lên và Đi”(XBLLVĐ) của cô ta nhưng việc một anh chàng Foolbrighter tên Trần Ngọc Thịnh đã đâm đơn khiếu nại đã đẩy sự việc sang một vấn đề khác, đó là quyền tự do của người viết khi mà cấm phát hành luôn là nỗi ám ảnh.

Trước hết, xin nói thật là:

- Tôi không hâm mộ Huyền Chip vì việc cô ta làm đối với tôi và nhiều bạn của tôi là quá bình thường bởi bọn tôi cũng đã đi du lịch nhiều, thậm chí đi đến nơi đáng đi hơn là lòng vòng qua những nước nghèo. Đây không phải là vấn đề tiền bạc, đẳng cấp, đây là bản chất của du lịch: bạn nên đi tìm kiếm sự khác biệt.

Việt Nam là nước nghèo, lạc hậu, chưa văn minh lắm… chúng ta nên đến những nước giàu, văn minh, hiện đại… nơi có nhiều khác biệt để học hỏi. Nếu cứ quanh quẩn ở mấy nước nghèo cũng như chúng ta, với cá nhân tôi điều đó không mấy ấn tượng.

- Tôi không mua hay đọc sách của Huyền Chip (HC). Thành thật mà nói là "Xách ba lô lên và đi" là cuốn sách dở về mặt văn chương. Ai chê những gì tôi viết tôi chấp nhận và tôi cũng có quyền chê người khác như vậy.

- Nhưng tôi sẽ phản đối hành động của Foolbrighter Trần Văn Thịnh về việc khiếu nại, đề nghị ngừng phát hành cuốn sách này.

2. Thế nào là sự thật? Sự thật nào?

Nhật ký vốn dĩ là thể loại ghi chép lại mọi hoạt động hàng ngày, nó được mặc định phải là sự thật. Nhưng cái nhật ký mà một số người đang kêu gào phải “đúng sự thật” của HC là nhật ký được in thành sách, phát hành để thu tiền, chi phí in ấn, quảng cáo có thể lên đến gần tỷ đồng… đó là công cụ kiếm tiền.

Với tôi thì chỉ có nhật ký của những người lính hy sinh để sau đó trong ba lô của anh ta người ta nhặt được những trang nhật ký viết tay còn dính máu đỏ và ám khói đạn, nhật ký của một cô bé bị giam trong trại tập trung của phát xít mà sau này người ta vô tình tìm thấy sau khi cô đã qua đời… mới là sự thật.

 	Cuốn nhật ký của cô gái 13 tuổi gây chấn động thế giới.

Cuốn nhật ký của cô gái 13 tuổi gây chấn động thế giới.

Tóm lại, nhật ký chỉ đáng tin khi nó được viết không có mục đích thương mại hay quảng bá cá nhân, chí ít cũng phải như trường hợp: “Hồi ức của Geisha” khi mà tác giả của nó đề nghị chỉ công bố sau khi bà đã qua đời… còn lại thì với những “Xách ba lô lên và đi”, “Nước Ý câu chuyện tình yêu của tôi”, “Một mình ở châu Âu”, “John đi tìm Hùng”… bạn đừng có hy vọng chúng hoàn toàn là sự thật. Bởi chúng viết ra để kiếm tiền hoặc kiếm danh tiếng.

Để sách nhật ký được phát hành, nó phải được viết hay đến mức có thể, muốn hay thì phải thêm mắm muối, hư cấu… như vậy thì sự thật không còn nguyên vẹn nữa.

Nhật ký luôn đặt tác giả là trung tâm, chẳng ông bà nào muốn kể xấu về mình và ngược lại. Nguyên nhân còn lại là chém gió có mục đích hoặc do hạn chế về nhận thức, quan điểm.

"Xách ba lô lên và đi" của Huyền Chip thì đương nhiên đang vướng vào tranh cãi

“John đi tìm Hùng” thì viết về những điều tốt đẹp và khích lệ mọi người hãy lạc quan, anh ta đến nông thôn được đón tiếp tử tế vì anh ta có cái mác Việt Kiều, anh ta biết gì về nông thôn. Anh ta có gặp cảnh câu trộm chó và trộm chó bị đánh chết đâu. Anh ta bảo thanh niên Việt Nam thụ động vì anh ta gặp mấy ông choai choai nông thôn chứ có gặp người khác đâu.

Anh Ngọc với “Nước Ý – câu chuyện tình yêu của tôi”: dù không thích nhưng tôi nghĩ ông này là nhà báo khá, viết báo thì được còn viết văn thì tôi chưa biết vì tôi không coi việc gom các entry lại đóng thành sách là văn học. Văn học là cái gì đó thiêng liêng lắm.

Tuy nhiên thì Anh Ngọc chắc không dính vào mấy vụ lùm xùm như Huyền Chip và anh ta cũng sẵn sàng cho xem hộ chiếu nhưng điều đó cũng chẳng đảm bảo rằng nhật ký anh ta viết ra là sự thật 100% bởi với những gì tôi đã đọc trên Facebook của anh ta (trước khi bị block) thì thấy rằng tác giả chỉ là phóng viên thể thao nhưng cố xây dựng hình ảnh bản thân như một phóng vên chiến trường đầy quả cảm, thực hiện nhiệm vụ khi thần chết luôn rình rập lởn vởn xung quanh.. anh ta làm điều đó bằng cách phóng đại những sự nguy hiểm xung quanh.

Tôi đã đi bộ vào khu ổ chuột ở Napoli và không thấy một thằng mafia nào cả dù chắc chắn họ ở quanh đâu đó, Anh Ngọc thì ngồi trên xe cảnh sát nhìn qua ô cửa kính và viết rằng thành phố này đầy rẫy nguy hiểm. Làm nhà báo như thế cũng nguy hiểm quá!

Phạm Tấn, một cây viết khá tốt khi viêt nhật ký phóng sự về Nam Phi cũng khoe rằng anh ta đối mặt với cái chết mang tên HIV/AIDS ở Nam Phi khi mà 50% dân ở đây bị bệnh này, anh ta có kể rằng mình can đảm khi bắt tay ai đó ngoài đường thì tức là đã đối mặt với HIV trong khi theo WHO thì chỉ có quan hệ không bao cao su và dùng chung kim tiêm với người có HIV mới bị lây, còn ôm hôn thì vô tư!

Những phóng viên thể thao Việt Nam mô tả chuyến đi của họ đến Prehtoria (Nam Phi) như bước vào trận địa đầy nguy hiểm chết người trong khi tôi đọc báo thì thấy đó là nơi được cho là điểm du lịch hấp dẫn nhất Nam Phi.

Phóng đại những gì xung quanh để PR cho bản thân cũng là một cách làm hấp dẫn cuốn sách.

Vậy bạn có tin rằng những cuốn sách nhật ký bày bán trên thị trường là sự thật 100%???

Sự thật 100% với nhật ký là điều không tưởng cho dù chúng ta không muốn thế nhưng đó là thực tế phải chấp nhận và bạn chỉ có lựa chọn: tin hay không tin, mua hay không mua. Bạn đòi hỏi sách nhật ký, tôi nhắc lại là sách nhật ký chứ không phải “nhật ký” phải trung thực 100% thì chẳng khác việc bạn đang yêu cầu xóa bỏ hoàn toàn tệ nạn mại dâm!

Trên lý thuyết nhật ký là viết về sự thật.

Thực tế thì nhật ký không thể và không bao giờ có sự thật 100%

Bạn muốn tranh luận về vấn đề lý thuyết hay vấn đề thực tiễn?

Nếu Huyền Chip không mắc lỗi gì cả về vụ gẫy chân, đi Palestine… và những chi tiết khác gây nghi ngờ thì bạn tin chứ? Nếu cô ta viết hôm nay đi chơi gặp mưa nên phải trú dưới hang của một con sư tử thì bạn tin hay không tin? Bạn bảo không tin và bắt cô ta đưa ra bằng chứng, cô ta bảo nếu bạn không tin thì có bằng chứng gì về việc cô ta nói dối? Khi đó bạn tính sao?

3. Về vấn đề xuất bản và trách nhiệm của các bên

Nếu các bạn không hiểu bản chất của vấn đề này, bạn sẽ không hiểu được sự hèn nhát và quỷ kế của Thịnh. Ở Việt Nam hiện nay, theo tôi thì chỉ có 3 nhà xuất bản (NXB) làm ăn được:

- NXB Giáo Dục: họ độc quyền xuất bản sách giáo khoa cho hàng triệu học sinh.

- NXB Trẻ và NXB Kim Đồng: đây là 2 NXB có hệ thống tốt, uy tín và độc giả ủng hộ.

Ngoài ra các NXB khác chỉ tồn tại ở cái tên và vì thế họ chỉ sống dở chết dở nhờ một cái gọi là “Liên kết xuất bản”. Thế nào là liên kết xuất bản? Thực chất là theo luật xuất bản Việt Nam thì chỉ có các NXB do nhà nước quản lý được cấp giấy phép xuất bản nên các công ty phát hành sách như Nhã Nam, Alphabook, FAHASA… muốn phát hành sách phải ký hợp đồng “Liên kết xuất bản” với 1 NXB và nhờ họ xin giấy phép cho ấn phẩm xuất bản (sách, truyện)…

Về bản chất thì NXB làm mỗi việc là xin giấy phép xuất bản, còn lại mọi chi phí bản quyền, in ấn, phát hành, tiếp thị, event… do mấy ông phát hành sách tư nhân như Nhã Nam, Alphabook bỏ tiền ra, lãi lỗ tự chịu. Ở trong trường hợp cuốn tự truyện của HC thì bên công ty phát hành sách là Quảng Văn.

Đối với các tác giả có tác phẩm đi chào mời nhưng không được các NXB, các công ty phát hành sách nhận lời xuất bản, họ có thể ký hợp đồng liên kết xuất bản với NXB và mọi điều kiện cũng tương tự như trên. Mục đích của các tác giả này không gì khác là thỏa mãn… sự háo danh: tôi là nhà văn, tôi viết câu chuyện này đấy. Sách in ra thì vừa bán vừa cho, tặng bạn bè cho máu, để bọn họ biết mình là nhà văn chứ.

Vấn đề chính ở đây cần nói là khi các NXB không bỏ tiền ra, họ không có trách nhiệm gì cả, họ chỉ xem qua nội dung sách có vấn đề gì về chính trị nhạy cảm hay không thôi. Nếu dư luận có phản hồi không hay hoặc có một ai đó gửi đơn đề nghị cấm phát hành tác phẩm thì họ có xu hướng là sợ trách nhiệm và để chắc ăn thì “cấm phát hành”.

4. Lời buộc tội của Foolbrighter Trần Ngọc Thịnh

Tôi có thể viết sai, có thể viết đúng nhưng điều quan trọng là tôi được quyền viết. Huyền Chip viết sai thì báo chí, dư luận khắc“xử” cô ta. Người ta không thể cấm sách của cô ta và đòi ai đó làm chuyện ấy. Foolbrighter Trần Ngọc Thịnh bất lực trong việc phản bác một cô gái 20 tuổi chưa đi học đại học: sao anh ta không đủ trình để viết báo, viết blog để bác lại đi?

Với khái niệm về tự do trong báo chí, văn học thì không ai có thể buộc tác giả phải chứng minh sự thật 100% mà họ chỉ có thể phản biện tác giả viết sai nếu tự tìm ra chứng cứ. Chuyện gì xảy ra nếu tôi cứ không tin vào một cuốn nhật ký hay hồi ký là tôi đòi kiện và yêu cầu ngừng phát hành? Kiện Lê Vân nói xấu cha mình là Trần Tiến (Hồi ký “Yêu và Sống”)?

Điều tiếp theo là, xét một cách logic và tình cảm: khi người viết đề cập cả đến những điều không hay về mình thì tức là họ có xu hướng nói thật. Huyền Chip (theo báo chí) thú nhận cô ta trốn vé, vượt biên, lao động không giấy phép… cô ta nói thật (ít nhất trong đoạn đó) đấy chứ? Vậy chúng ta muốn gì? Muốn viết thật hay, thật mơ mộng để ru ngủ chúng ta tin rằng cô ta nói thật tức là muốn tự lừa dối mình? Hay muốn cô ta viết thật cả cái tốt xấu để rồi thi nhau soi mói chỗ xấu của cô ta?

Foolbrighter Trần Ngọc Thịnh nói rằng "Xách ba lô lên và đi" của Huyền Chip ảnh hưởng xấu đến giới trẻ…?

Bạn có thấy đống phân bò nguy hiểm không? Chắc chắn không vì bạn biết nó hôi thối và tránh xa nó. Bạn có thấy bát phở kia nguy hiểm không? Không và bạn ăn nó vì nó là khoái khẩu và bạn không biết rằng nó có formon. Một người/sản phẩm chỉ có thể gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng khi nó được cộng đồng đó hâm mộ mù quáng.

Huyền Chip và "Xách ba lô lên và đi" đang bị dư luận “ném đá” tơi tả, kể cả tôi là người đang bảo vệ cô ta trong bài viết này cũng không thèm đọc nó… vậy liệu "Xách ba lô lên và đi" có gây ảnh hưởng xấu đến giới trẻ khi mà họ ghét nó, không tin nó?

"Xách ba lô lên và đi" xứng đáng bị tẩy chay nếu nó là sản phẩm chém gió nhưng nếu cấm phát hành thì đó là điều hổ thẹn với ngành xuất bản."

(Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả).

* Mời độc giả theo dõi tiếp tin tức liên quan tới Huyền Chip

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại