Vì sao "Xách ba lô lên và đi" của Huyền Chip lại nguy hiểm?

T.K (Tổng hợp) |

(Soha.vn) - Dưới đây là những luận điểm tiếp theo của một dân mạng có nick là Giáo hoàng về hiện tượng Huyền Chip và cuốn sách "xách ba lô lên và đi".

Mời độc giả theo dõi phần 1 của "Tản mạn xung quanh Xách ba lô lên và đi" một dân mạng với nickname Giáo Hoàng.

III. Vì sao “Xách ba lô lên và đi” là một cuốn sách nguy hiểm?

III. 1. Ngay từ bìa cuốn sách đã có dòng chữ khẳng định “đây là cuốn nhật ký hành trình”, tức là ghi chép những chuyện thực do người viết trải nghiệm. Tuy nhiên, nhiều tình tiết phi lý trong sách ví dụ như [II.3] hay những mù mờ về việc xin visa, kiếm việc làm tại nước bạn đã cho thấy nội dung trong sách có những điểm được bịa ra như tiểu thuyết. Thực tình, nếu ngay từ đầu tác giả xác định đây là cuốn tiểu thuyết thì chắc chắn sẽ không có thắc mắc nào được đặt ra. Việc treo đầu dê bán thịt chó như vậy là rất không phải với bạn đọc.

III.2. Như đã trình bày ở [I.3], điểm hấp dẫn ở cuốn sách là tinh thần dũng cảm “đi một mình”, “không có sự chuẩn bị trước”, đi chỉ với số tiền ít ỏi ban đầu và sau đó tự tìm việc và kiếm tiền để trang trải. Ngược lại, nếu chuyến đi được tài trợ, được o bế, giúp đỡ tạo điều kiện thuận lợi (theo cái cách mà không phải bất cứ người bình thường nào cũng có được, từ báo Tiền Phong, Asus và còn đơn vị nào nữa có trời mới biết được) thì nó cũng mất đi nhiều ý nghĩa vì nó không còn đơn giản dễ dàng đến mức ai cũng có thể làm được, để mà truyền cảm hứng tới các bạn trẻ.

Vì sao Xách ba lô lên và đi của Huyền Chip lại nguy hiểm
 

III.3. Như đã chỉ ra ở [II.5], từ tư tưởng tới hành động, Huyền Chip luôn xác định trốn vé, né mua vé, làm giả thẻ để được vào cuộc họp báo mà mình không được phép vào. Đây là tư tưởng xấu, vô kỷ luật nếu không muốn nói là vi phạm luật pháp nước sở tại. Hãy thử tưởng tượng một người nước ngoài tới Việt Nam du lịch mà lại trốn vé khi vào thăm Văn Miếu rồi về nhà viết sách khoe thành tích thì bạn cảm thấy thế nào? Đồng thời, việc này cũng nêu lên một ý nghĩa vô cùng xấu của việc đi du lịch bụi với ít chi phí, chẳng qua là nhờ trốn vé tàu xe, trốn vé tham quan. Một tấm gương như vậy liệu có đáng để tung hô, cổ xúy và học theo?

III.4. Điểm thứ tư, việc đi du lịch bụi theo kiểu tùy hứng “Đi bừa thế thôi. Không cần chuẩn bị gì đâu”, “ xách ba lô lên và đi ” là rất nguy hiểm, khác gì tự sát. Thân thể cha mẹ sinh ra, cần phải biết quý trọng chứ không nên vứt mình vào nguy hiểm một cách ngớ ngẩn. Đành rằng Huyền Chip có thể rất may mắn, nhưng đừng cứ tiếp tục đùa với vận may của mình như vậy. May mắn có tính chọn lọc, tức là tùy vào từng người, như ngạn ngữ Anh có câu “one man’s meat is another man’s poison”. Sách vẽ ra viễn cảnh màu hồng về thực tế nhưng sự thực không phải vậy.

III.4.1. Có thể nhiều người cho rằng, đọc sách thì phải chọn lọc để cái gì tin, cái gì không tin. Hỡi ôi, đâu phải ai cũng đủ thông minh, tỉnh táo để nhìn nhận ra được như vậy. Mặc dù rõ ràng các bộ phim hành động là sản phẩm hư cấu, là đang đóng phim, mà như cuối phim Fast and Furious người ta vẫn phải có đoạn khuyến cáo, tạm dịch:

“Các cảnh hành động có dính tới phương tiện xe cộ phản ánh trong phim là nguy hiểm. Tất cả các diễn viên đóng thế đã diễn trong môi trường có kiểm soát với những đội đóng thế chuyên nghiệp thực hiện trong những đoạn đường đóng. Không nên cố thử mô phỏng lại các màn hành động, lái xe hoặc nghịch xe như đã thể hiện trong phim”.

“The motor vehicle Action sequences depicted in this film are dangerous. All stunts were performed in controlled environments with professionally trained stunt crews on closed roads. No attempts should be made to duplicate any action, driving or car play scenes herein portrayed.”

Cẩn thận ra thì sách cần phải có phần khuyến cáo như vậy, một dạng “read at your own risk” để người đọc khỏi học theo một cách mù quáng. Nhưng tiếc thay, Huyền Chip còn quá trẻ, và ở Việt Nam hầu như cũng chưa có tiền lệ.

III.4.2. Lại có một số người khác cho rằng tôi không sợ con em mình học theo vì nhà tôi rất gia giáo vân vân. Than ôi, cuộc đời trở nên màu hồng từ lúc nào vậy, sau khi tác phẩm này ra đời hay sau khi “Bụi đời chợ Lớn không phản ánh hiện thực xã hội”? Muốn sinh sống trong một xã hội văn minh sạch sẽ, thì không phải là cứ rút mình vào những chỗ như Vincom hay Royal City, vì liệu bạn có ở đó được mãi không? Ngoài việc ra sức quét dọn cho nó sạch, thì điều quan trọng hơn là phải hạn chế được những kẻ xả rác. Và đó là lý do mà người viết thấy cần phải lên tiếng.

IV. Lời kết

Sự thực như thế nào, chỉ có Huyền Chip mới rõ. Khi em không nói rõ ràng ra mọi việc thì tất cả chỉ biết vậy. Còn lại mỗi người chúng ta tự có cách suy luận của riêng mình.

Là một người từng hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, Huyền Chip lấy biệt danh Chip Pro 2.0 cho blog của mình với hàm ý mình như một phần mềm bản professional với phiên bản 2.0. Tuy nhiên, với một sản phẩm lỗi như thế này, thực sự chỉ có thể coi em là Chip Beta 2.0, và còn xa mới tới được bản chuyên nghiệp.

Có thể Huyền Chip tranh thủ được một vạn độc giả tuổi teen mộng mơ để mua sách của mình. Nhưng con số đó sẽ chẳng là gì so với hàng triệu con người trưởng thành biết suy nghĩ khác.

Đi để lấy trải nghiệm để ấm vào thân mình, đã bao nhiêu người làm điều đó mà chẳng viết sách. Còn đi để lấy thành tích về viết sách, tự mô tả mình như một nữ siêu nhân đầy may mắn để hợp thức hóa sự nổi tiếng của bản thân một cách chính thống bằng một quyển sách (ngoài chuyện nổi tiếng lâu nay ở trên mạng), thì điều đó không hay chút nào.

Người viết không phải “một ai đó nổi tiếng” (như ai đó ở trên bìa sách) để có quyền khuyên bảo Huyền Chip. Nhưng quay đầu là bờ, giá như em có thể giảm bớt sự hiếu thắng, giảm bớt cái tôi cá nhân, và chiến thắng được “họ” để lên FaceBook nói một lần cho rõ ràng mọi việc. Giá như tác phẩm của em thực sự tốt đẹp hơn…

Mời độc giả theo dõi tiếp các tin tức liên quan tới Huyền Chip.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại