Với tựa đề "Tản mạn xung quanh "Xách ba lô lên và đi" một dân mạng với nickname Giáo Hoàng đã có một bài viết rất chi tiết nêu lên những phân tích về Huyền Chip và chuyến đi 25 nước của cô gái 9X này ở cả mặt tích cực và những vấn đề chưa sáng tỏ.
Trong phần mở đầu bài viết, bạn Giáo Hoàng có chia sẻ những suy nghĩ của mình trước khi bắt đầu phân tích vấn đề. "Đúng là nhật ký của em từng có trên mạng, tuy nhiên khi còn ở trên mạng thì nó chỉ mang tính chất bài viết blog vô thưởng vô phạt, đọc không mất tiền. Nhưng khi xuất bản thành sách, được một Nhà xuất bản phát hành để khai thác về mặt thương mại, được Cục xuất bản phê duyệt thì câu chuyện đã trở nên hoàn toàn khác, nó là một ấn phẩm mang tính chính thống. Chắc chắn, tác giả phải chịu trách nhiệm với người đọc về tính trung thực của một cái được gọi là “nhật ký”."
Nội dung bài viết của Giáo Hoàng:
"Năm 2012, khi cuốn sách ra đời thì người viết đã cảm thấy không thích lắm với tư tưởng của nó, tuy nhiên mình không thích là chuyện của mình, người khác thích là việc của họ vì mỗi người một sở thích.
Tuy nhiên mấy ngày gần đây, sự việc được một diễn đàn xới tung lên cùng sự tham gia của nhiều dân mạng, trải dài trên các trang báo mạng cũng như facebook. Trước một sự việc như vậy mà không viết thì không chịu được, nên người viết quyết định cũng cần phải phát biểu ý kiến của mình, không thể coi đó không phải là việc của mình được nữa.
I. Nhìn nhận ở góc độ tích cực
I.1. Chuyến đi 25 nước là có thật không?
Không rõ con số 25 nước là có chính xác không vì điều này còn phụ thuộc vào dấu xuất nhập cảnh trên hộ chiếu, tuy nhiên chỉ cần xem các ảnh chụp là đủ biết Huyền Chip có đi lên tới hàng chục nước thật. Mặc dù trên thực tế có thể tới một nước rồi xuất cảnh luôn trong ngày và vẫn tính là một nước, nhưng chi tiết này không quan trọng lắm.
I.2. Huyền Chip có giỏi không?
Có thể khẳng định ngay Huyền Chip rất giỏi, chỉ cần đi 10 nước cũng là một việc đáng khâm phục đối với một cô gái ở tuổi của em. Việc ra được một cuốn sách cũng là rất giỏi vì phải thuyết phục được nhà xuất bản, dù rằng ngày nay việc xuất bản một quyển sách cũng không phải là khó khăn gì cho lắm.
Thực ra, Huyền Chip đã nổi tiếng từ thời Yahoo 360, chủ yếu trong giới công nghệ thông tin. Năm 2012, em đã được mời làm diễn giả trong TEDxYouth@Hanoi, như vậy hẳn là cũng phải như thế nào thì mới được mời lên diễn thuyết như vậy (mặc dù khả năng thể hiện tại đó như thế nào, tức là performance, lại là một phạm trù khác).
I.3. “Xách ba lô lên và đi” có gì đặc biệt?
Điểm hấp dẫn của quyển sách là ở chỗ tư tưởng “xách ba lô lên và đi”, khuyến khích, thúc giục các bạn trẻ lên đường khám phá thế giới của một cô gái trẻ, và việc đi rất dễ chỉ cần khởi đầu là 700 đô la, sau đó vừa đi vừa xin ở nhờ, kiếm việc làm là ổn thỏa.
Điểm đặc biệt nhất là ở chỗ, sách cho thấy một tấm gương dám nghĩ dám làm, đi chỉ với số tiền ít, kiếm được việc dễ dàng, tự thân vận động không có tài trợ…để truyền cảm hứng cho những bạn trẻ khác.
I.4. Mặt tích cực của quyển sách là gì?
Với tư tưởng “đi một ngày đàng học một sàng khôn”, sách khuyến khích các bạn trẻ xê dịch để trải nghiệm và học hỏi, hẳn là hướng tới những bạn tương đối trì trệ, không thoát ra khỏi cái sự đùm bọc bảo vệ của gia đình, để dấn thân ra khám phá thế giới. Đây là một ý tích cực cần ghi nhận. Những thông tin chi tiết trong sách cũng thú vị, ít nhiều mua vui được vài trống canh với những người ưa du lịch bụi.
II. Thấy gì qua một số tình tiết - Vấn đề là rất vấn đề!
Thực sự, cho đến giờ thì sự việc này là quá lớn với nhiều tình tiết khác nhau, nó giống như một bức tranh khảm (mosaic) gồm vô vàn những mảnh ghép. Một số chi tiết có người đã phân tích, một số còn đang tranh cãi vì chưa rõ ràng. Người viết chỉ tập trung vào một số vấn đề chính.
II.1. Cách thức trả lời và cách phản ứng bộc lộ sự thật cần được che giấu
Không chỉ câu trả lời mới chứa đựng thông tin, mà cách thức trả lời cũng cũng có thể bộc lộ nội dung trả lời thực sự, dù không có ngôn từ nào trực tiếp được nói ra.
Thử hình dung thế này, bạn có hẹn với một người bạn tại một quán cà phê, bạn đã ngồi lù lù ra đó rồi mà chưa thấy người bạn tới. Bạn liền nhấc điện thoại di động gọi cho người bạn, hàm ý “Đang ở đâu rồi đấy?”. Người bạn thấy bạn gọi thì biết bạn giục là nhanh lên, liền từ chối cuộc gọi. Bạn hiểu là, “Đang trên đường đến rồi”. Không có một đoạn hội thoại nào được đưa ra, nhưng thông điệp đã được chuyển tải và ai cũng hiểu.
Thêm một ví dụ khác từ mẩu truyện cười này:
Anh Tom kể cho chúng tôi nghe quãng thời gian mà anh và ba người bạn tới một khu vui chơi giải trí khi họ còn học trung học.
Vào buổi chiều, mọi người đều muốn đi chơi chỉ trừ Jim và Judi. Họ có một kế hoạch riêng cho mình, và họ xin phép quay trở lại ô tô để, "Ờ, lấy mấy thứ. Chúng tôi sẽ gặp các bạn ở đây…"
Đến chiều khi tất cả quay trở lại ô tô, họ nhận thấy ghế hành khách đã được ngả ra. Họ hỏi Jim và Judi, Jim cười nói "Ồ, Judi và tớ vừa mới..ấy...xong".
Mọi người cười ồ lên vì "câu đùa" và bắt đầu đặt ghế lại chỗ cũ. Sau khoảng nửa phút, mặt Judi bỗng đỏ ửng lên và la lên với Jim, "Tại sao anh lại nói với mọi người chuyện chúng ta đã làm???"
Jim từ tốn đáp lại. "Anh chẳng hề nói. Chính EM vừa mới nói đấy chứ".
Nói dông dài như vậy để thấy rằng cụ thể trong câu chuyện quyển sách này, đặc biệt là cách thức trả lời của Huyền Chip, cách diễn của hai vị giáo sư cũng như những gì được “nhà tổ chức” dàn dựng tự thân chúng đã bộ lộ sự thật. Tuyên bố rằng sẽ giải đáp thắc mắc, nhưng trong buổi họp báo lại không trả lời đầy đủ, quanh co lấp liếm và nói rằng “tôi không có trách nhiệm trả lời anh” thì mới đủ thấy nói và làm nó khác nhau như thế nào.
II.2. Tại sao phải xóa nội dung trong web?
Một số bằng chứng quan trọng về việc Huyền Chip lên kế hoạch cho hành trình của mình với tổng chi phí 25.000 đô la đồng thời lên kế hoạch xin tài trợ đã bị xóa đi trên blog. Sau đó có người đã tìm bản lưu trên mạng và lục ra được.
Tại sao lại phải xóa đi? Trong cuộc họp báo tại Tp. Hồ Chí Minh, Huyền Chip trả lời rằng “bị mất host, cảm ơn các bạn đã lấy lại hộ”. Thật là ngạc nhiên...
Thật khó tin là một người nổi tiếng trong giới IT, tài năng giỏi giang đến mức được một số anh chị lão làng như anh PMT và chị HD ở công ty TU, anh NAT và anh NTL ở BM, anh NTT ở VC nể phục và nâng đỡ, một người hiện đang làm tại một công ty IT hàng đầu với sản phẩm Cốc Cốc, lại có thể gà mờ về IT như vậy trong khi blog là một công cụ vô cùng quan trọng của cô và Wordpress có plugin tự động backup.
Tại sao lại phải xóa đi? Rất đơn giản, vì nếu để lại thì tinh thần “tự mình xách ba lô lên và đi mà không cần chuẩn bị gì” là hoàn toàn vô giá trị.
II.3. Chi tiết gãy ống đồng
Ở một đoạn trong sách mà mọi người đã chỉ ra, Huyền Chip bị xe máy phóng với vận tốc 100km/h và bị gãy ống đồng, và chỉ 3 tuần sau thì cô lại leo núi được. Khi được hỏi trong cuộc họp báo, lúc đầu Huyền Chip hoàn toàn không nhớ được chi tiết này, nhưng sau đó cô lại bảo là mỗi người có cơ chế lành lặn khác nhau.
Trước hết, tại sao là 100km/h? Có ai đo đếm được tốc độ không mà chắc như đinh đóng cột như vậy, nhất là với chính người bị tai nạn? Bạn có biết khi xe máy phóng với vận tốc 60km/h là đã nhanh đến mức nào không, trong khi đây là 100km/h? Riêng việc đặt ra một con số mang tính biểu tượng như vậy đã cho thấy đây là chi tiết thêm mắm dặm muối cho cuốn sách thêm phần mùi mẫn.
Nhưng vấn đề quan trọng nhất, là Huyền Chip phủ nhận sự tồn tại của chi tiết này. Gãy ống đồng là một tai nạn hết sức nặng, đòi hỏi phải được điều trị kỹ càng và giữ gìn trong một thời gian dài. Liệu bạn có thể quên một tai nạn ghê gớm như thế trong cuộc đời hay không? Không nhớ nổi điều mình đã trải nghiệm, đã viết thì chỉ có một khả năng: đó không phải là thứ em đã trải nghiệm, và đó là do người khác viết vào hộ mà em cũng không hề để ý đến sự tồn tại của nó hoặc gật đầu cho qua. Vậy thì, trong cuốn sách còn những đoạn nào bị nói vống lên sai khác với sự thật và những trải nghiệm thật nữa??
II.4. Vấn đề nhà tài trợ
Báo Tiền phong đã lên tiếng nhận rằng hỗ trợ Huyền Chip trong chuyến đi, và gần đây nhất là những bức ảnh trên trang Asus Vietnam cho thấy Huyền Chip nhận tài trợ để quảng cáo cho sản phẩm của Asus trong chuyến đi của mình. Có trời mới biết còn những tổ chức hay nhãn hàng đứng đằng sau ủng hộ cô bé nữa!
Có thế lực chống lưng mạnh mẽ như vậy thì mọi thứ dễ dàng hơn rất nhiều, bảo sao mà trước đây có một cô bé sinh năm 88 lại có thể leo lên làm chức chủ tịch một công ty xây dựng cỡ lớn. Xin tặng mọi người một truyện cười minh họa:
Ông chủ của công ty gọi một nhân viên của mình vào văn phòng.
"Ron, đã một năm kể từ khi anh làm việc cho công ty. Khởi đầu, anh làm ở phòng văn thư và một tuần sau anh được cất nhắc lên vị trí bán hàng. Một tháng sau, anh được thăng chức lên Quản lý khu vực của bộ phận bán hàng. Chỉ ba tháng sau đó, anh được thăng chức phó chủ tịch. Ta đã đến lúc phải nghỉ ngơi rồi và ta muốn anh nắm quyền lãnh đạo công ty. Anh nghĩ sao về việc đó?".
"Dạ, cảm ơn." nhân viên đáp.
"Chỉ cảm ơn thôi sao?" ông chủ hỏi. "Đó là tất cả những gì anh có thể nói hả?"
"Không hẳn thế", anh nhân viên đáp. "Cám ơn bố!"
II.5. Trốn vé
Trong sách, có thể kể ra rất nhiều đoạn ma lanh quá mức của Huyền Chip.
Khi vào đền Taj Mahal ở Ấn Độ, em giả làm người Ấn để mua vé với giá 20 Rupee thay vì mua vé 750 Rupee (15USD) dành cho người nước ngoài.
"Đáng lẽ chúng tôi phải mua vé giá $10 vào thăm cả khu chùa cổ. Nhưng chúng tôi không ai mua vé. Lý do không chỉ bởi chúng tôi muốn thử xem trốn vé như thế nào, mà còn bởi mọi người không muốn trả tiền cho Nhà nước Myanmar."
Không biết nhà nước Myanmar đã làm gì em để em phải như vậy? Đây là một vấn đề đặc biệt nguy hiểm về chính trị và ngoại giao mà có lẽ Huyền Chip chả lường được.
Tại Ai Cập, Huyền Chip giả làm sinh viên để được mua vé giá rẻ. Một lần khác ở Ấn Độ, Huyền Chip làm giả thẻ để được vào một buổi họp báo. Một lần khác ở Ấn Độ, Huyền Chip có tư tưởng “làm thế nào để lên tàu mà không cần vé?”
Người Việt Nam đã đủ tiếng xấu trong mắt người nước ngoài rồi. Liệu chúng ta có cần thêm một “tấm gương sáng” như thế này để bạn bè quốc tế thêm ghét người Việt hay không?
Có thế này mới thấy là GS Nguyễn Lân Dũng chưa hề đọc hoặc chỉ đọc lướt quyển sách. Nếu đọc hoặc đọc kỹ, hẳn ông sẽ không thể nào ủng hộ cho những hành động xấu như thế này, và không thể nào tán dương nó bằng những mỹ từ cao đẹp đến phi lý.
II. 6. Tại sao lại không cho xem hộ chiếu?
Tại buổi họp báo, Huyền Chip mượn tay GS Nguyễn Lân Dũng để giơ giơ cuốn hộ chiếu ở khoảng cách xa lắc xa lơ không ai thấy được. Sau đó có nhà báo lên muốn chụp thì Huyền Chip không cho phép vì sợ “bị làm giả”. Ô hay, họp báo xong lại cản trở truy cập thông tin thì còn nói làm gì, đùa trẻ con chắc?
Trong các chuyện trinh thám, thì để điều tra thì người ta cần xác định hay điều quan trọng: động cơ của đối tượng và các mốc thời gian. Trong trường hợp này ta có thể làm tương tự. Nếu tất cả là sự thật, thì việc cho kiểm chứng hộ chiếu chẳng khó khăn gì, lập tức mọi việc được sáng tỏ. Vậy tại sao Huyền Chip không cho ai xem, ngoài ngài Giáo sư khả…kính? Câu trả lời là: Nếu để lộ ra, thì cực kỳ là bất lợi cho Huyền Chip.
Như mọi người đều biết, mỗi khi xuất nhập cảnh vào một nước thì trên hộ chiếu sẽ có dấu nhập cảnh, dấu xuất cảnh với ngày tháng, và visa (nếu có). Nếu hộ chiếu được trưng ra, ít nhất một trong số các khả năng sau sẽ có khả năng là có thực:
II.6.1. Hộ chiếu thiếu một vài cặp dấu xuất - nhập cảnh nào đó: tiếng là 25 nước, nhưng lại bị thiếu bằng chứng cho việc xuất - nhập cảnh của một vài nước nào đó mà Huyền Chip “không thể giải thích được”. Tại làm sao thì bạn tự suy luận.
II.6.2. Sự gián đoạn trong dòng thời gian: sau khi đi một số nước trong số 25 nước, thì xuất hiện dấu nhập cảnh vào VN, rồi xuất cảnh, rồi tiếp theo có một số dấu của một số nước khác. Do quy luật khắc nghiệt của vật lý, mỗi người đều gắn vào một dòng thời gian của riêng mình, trừ phi người đó có máy thời gian, máy dịch chuyển tức thời hay có một người chị em song sinh giống nhau như tạc để có thể có những hoạt động “phi thường” mà không ai lý giải nổi. Nếu chuyến đi là không liền mạch, mà có đoạn về Việt Nam sạc pin, nạp đạn thì nó không còn ý nghĩa đáng nể phục - “xuất phát với 700$ rồi tự đi tự kiếm tiền để chi trả”.
II.6.3. Lộ tẩy (một số) vấn đề nhạy cảm khác: việc tiết lộ đầy đủ số lần ra vào, khoảng thời gian lưu trú tại mỗi nước sẽ giúp người đọc dựng lên thành một dòng thời gian của Huyền Chip, từ đó ghép nối và khớp vào dòng thời gian trong cuốn sách. Khi này điều tệ hại có thể xảy ra: lộ ra việc có thể Huyền Chip không có visa hoặc visa quá hạn hoặc không được phép vào một nước, nhưng nhờ có sự tác động của một bên thứ ba mà em vẫn đi lại được dễ dàng. Một ông bụt hiện ra thật đúng lúc!
Mời độc giả đọc tiếp phần 2 của bài viết "tản mạn xung quanh xách ba lô lên và đi": Vì sao "Xách ba lô lên và đi" lại là cuốn sách nguy hiểm
(Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả)