Cúi gằm mặt đưa con vào viện sản
Chuyện xảy ra đã 5 năm nhưng cái ngày hôm đó vẫn in đậm trong ký ức của ông Hoành, đau rát như một vết bỏng. Ông là một thầy giáo dạy toán giỏi, học trò bao thế hệ đạt giải học sinh giỏi tỉnh rất nhiều.
Với danh tiếng ấy, tuy thừa sức kiếm tiền bằng cách dạy thêm, luyện thi, nhưng ông Hoành vẫn sống thanh đạm bởi không chạy theo xu thế lấy nghề giáo làm phương tiện kiếm tiền, tất cả chỉ nhằm mục đích giúp học trò thành tài và nên người.
Bị nhiều người gọi là “đồ gàn” nhưng ông vẫn trung thành với cách sống ấy và tự hào về nó. Ông vẫn nói, gia tài ông để lại cho con gái không có gì ngoài tri thức, đạo đức và niềm tự hào về truyền thống gia đình.
Hạnh là con gái độc nhất của thầy giáo Hoành, được sinh ra khi ông đã ngoài 40 tuổi. Mẹ Hạnh bỏ đi lấy người khác khi cô bé mới 5 tuổi, bởi không chịu nổi cảnh nghèo và tính “gàn” của chồng. Một mình thầy giáo Hoành nuôi con.
Ông dạy con rất cẩn thận và nghiêm khắc. Hạnh là học sinh giỏi suốt 12 năm liền, và ai cũng khen là ngoan ngoãn, nết na.
Vì thế, ông Hoành không thể tin nổi khi con gái, sau một trận ốm phải nghỉ học, đã sụt sùi thú nhận với ông là đang mang thai với một học trò cũ của ông, hiện là sinh viên ở Hà Nội, và giờ cậu ta đã cắt đứt liên lạc.
Cú đánh bất ngờ đó vào lòng tự tôn và niềm tin với con gái khiến ông giáo già tưởng như ngã quỵ. Nhưng cũng vì danh dự gia đình và tương lai của con gái, ông phải đứng ra giải quyết mọi việc.
Nghĩ đằng nào cô con gái đang học dở lớp 12 của mình với cậu học trò vô ơn kia cũng chẳng nên duyên phận gì, việc mắng chửi cậu ta hay bắt chịu trách nhiệm chỉ tổ gây thêm đau đớn và khiến chuyện loang ra, ông quyết định lờ hẳn cậu ta đi, tập trung giải quyết rắc rối của con gái. Dĩ nhiên là phải phá bỏ cái thai đó.
Cú đánh bất ngờ đó vào lòng tự tôn và niềm tin với con gái khiến ông giáo già tưởng như ngã quỵ. (ảnh minh họa)
Nghĩ đến chuyện mang mái đầu bạc và gương mặt vẫn được thiên hạ cho là rất khả kính của mình vào chốn mà những cô gái nhẹ dạ đến để trút bỏ hậu quả của những phút hoan lạc, ông Hoành đã sây sẩm mặt mày vì sợ hãi.
Chỉ hình dung ra những ánh mắt có vẻ lạ lùng, xét nét, cười cợt của thiên hạ chĩa vào mình, ông đã muốn mặc kệ tất cả.
Nhưng cũng vì để giữ kín chuyện, ông không thể nhờ ai khác. Cái chén đắng ấy, ông giáo già biết, ông phải tự mình uống cạn.
Chính ông đã đưa con gái đến khoa kế hoạch hóa gia đình của bệnh viện, muối mặt tìm bác sĩ nhờ họ làm cẩn thận cho con ông, để cô bé không phải chịu tai biến về sau. Sau khi vụ việc được giải quyết xong xuôi, mái tóc muối tiêu của ông trở nên bạc trắng, ông đổ bệnh rồi ốm lai rai cả tháng trời.
Vài tiếng đồng hồ dài bằng cả cuộc đời
Với anh Thanh, 45 tuổi, nông dân ở Thái Bình, mấy tiếng đồng hồ đưa con gái đi “giải quyết hậu quả” ở bệnh viện là khoảng thời gian ê chề nhất cuộc đời anh, và nó dài đến nỗi tưởng không bao giờ chấm dứt.
Bình, con gái anh, học lớp 10 khi sự cố xảy ra. Cô bé học kém nhưng cơ thể lại sớm nở nang, là mục tiêu trêu ghẹo, tán tỉnh của các bạn học lẫn đám trai làng.
Và khi biết mình có bầu với một anh bạn học lớp 12, Bình hốt hoảng nói với “người yêu” để tìm cách giải quyết, nhưng cậu ta sợ quá vội vàng giở bài cùn “biết cái thai đó có phải của tôi không” rồi chạy biến. Không biết làm thế nào, Bình đành cầu cứu mẹ.
Mẹ cô nổi điên, vừa chửi rủa và nọc con gái ra đánh một trận, rồi tuyên bố: “Mặc xác mày, đồ đĩ thõa, bôi tro trát trấu vào mặt gia đình”.
Anh Thanh xót con, phải giằng vợ ra, hỏi han con gái cặn kẽ, rồi đến gặp “nhà trai” nói chuyện. Nhưng ngay cả “tác giả” của cái thai còn chối bỏ thì có lý gì gia đình cậu ta lại chịu trách nhiệm. Họ thậm chí còn làm ầm lên, bảo con gái anh mới nứt mắt ra đã ngứa nghề, nằm với đủ loại người rồi đổ vấy cho thằng con tội nghiệp của họ, khiến những người xung quanh đều biết chuyện xấu hổ của cô bé.
Chẳng còn cách nào khác, anh Thanh đành bàn với vợ đưa con gái đi “giải quyết”. Vợ anh bảo mặc kệ, thuyết phục thế nào cũng không được. Thế là Thanh đành đích thân đưa con gái đi Hà Nội phá thai.
Cả đời không đến bệnh viện sản, anh Thanh lơ ngơ dắt con, hỏi lối đến khu nạo phá thai (anh không nghĩ ra cách gọi “nhẹ nhàng” hơn là “kế hoạch hóa gia đình”.
Người ta nhìn anh, rồi nhìn cô thiếu nữ mặt xanh mét đi cùng, chắc đang tự hỏi không biết bố con hay bồ bịch, sau đó mới chỉ đường. Ở khoa kế hoạch hóa gia đình, anh liên tục bị nhân viên y tế mắng vì không biết đường đi nước bước, làm vướng chân họ.
Đàn ông đàn ang, phải xuất hiện ở những chốn như thế này đối với anh đã đủ tệ hại rồi, nay lại chịu cảnh bao nhiêu con mắt đổ dồn vào mình, đối với anh quả là khủng khiếp.
Anh biết, vẻ quê mùa cùng sự lúng túng, ngớ ngẩn của mình đang khiến người ta phải buồn cười và ái ngại. Nhưng trước bi kịch của con gái, nỗi nhục này, anh không mang thì ai sẽ mang đây?
Khi con gái vào phòng chờ làm thủ thuật, nhìn khuôn mặt tái dại vì sợ và ánh mắt cầu cứu của nó, anh Thanh đứt từng khúc ruột. Ngồi chực ngoài hành lang, anh còn nghe tiếng nhân viên y tế mắng nhiếc cô bé, và chỉ muốn xông đến ôm con vào lòng.
Chứng kiến nỗi thống khổ của bố hôm đó, Thu Hồng đã nghiến răng tự thề với mình rằng, cô sẽ lấy công chuộc tội, sẽ không bao giờ được phép dại dột nữa. (ảnh minh họa)
Lát sau, một y tá đi ra, bảo ai là người nhà của bệnh nhân Bình thì vào lấy dép và quần áo để mang sang phòng sau thủ thuật. Anh ngượng ngùng đi vào lấy đồ của con gái, rồi đi ra, thấy Bình đã được đặt nằm trên băng ca, mặt trắng bệch vì đau đớn. Ở phòng sau thủ thuật có hàng loạt cô gái, cô nằm dài thượt, vì đau đớn mà chẳng màng đến tư thế hớ hênh, cô đang thay đồ, khiến anh Thanh dù không dám nhìn cũng phải đỏ mặt tía tai, chỉ mong đến lúc bác sĩ cho về.
Nhớ đến nỗi nhục của bố, không bao giờ dại dột nữa
Thu Hồng, cô sinh viên năm thứ 3 của một trường đại học ở Hà Nội, cũng từng được bố đưa vào bệnh viện phá thai ngay từ tuổi học trò. Mẹ cô ốm nên không thể đưa con gái đi, vì thế bố cô đã hứng chịu tất cả nỗi ê chề do sự nhẹ dạ của con gái gây nên.
“Có lẽ suốt cuộc đời, không bao giờ em đau lòng như hôm ấy, không phải đau vì bị lừa dối và phản bội, vì sự lỡ làng của mình, mà vì đã đẩy bổ vào tình huống trớ trêu. Nhìn gương mặt nhẫn nhịn, cam chịu của bố, người vốn vô cùng nóng tính và khắt khe với con cái, em tự nhủ mình đã gây ra tội ác lớn nhất trên đời”, Hồng chia sẻ.
“Bố em ngày thường rất hay tự ái, chỉ một câu nói, một cử chỉ có vẻ thiếu tôn trọng đã khiến ông phản ứng rất mạnh rồi, vậy mà hôm đó, ông cứ kiên trì chịu trận từ đầu đến cuối, mắt cụp xuống, đầu cúi gằm, cứ như ông chưa từng biết đến hai chữ tự trọng”.
Chứng kiến nỗi thống khổ của bố hôm đó, Thu Hồng đã nghiến răng tự thề với mình rằng, cô sẽ lấy công chuộc tội, sẽ không bao giờ được phép dại dột nữa.
Trở về từ bệnh viện, Hồng chấm dứt hẳn thú yêu đương tán tỉnh, quyết tâm khép mình học tập cho đến khi đỗ được vào đại học. Và cả gia đình lẫn bạn bè đều bất ngờ khi một nữ sinh học lực bình thường như Hồng lại đỗ được vào một trường đại học có tiếng ở Hà Nội.
Ngày lên thành phố học, Thu Hồng rơi nước mắt nói với bố: “Xin bố tin con, con dù xa nhà cũng sẽ sống xứng đáng với sự bao dung của bố, không bao giờ dại dột lần nữa”.
Bố cô xoa đầu con gái, bảo rằng những gì cô làm 2 năm qua đã đủ để ông tin cô đã trưởng thành. Và đến nay sau 3 năm xa nhà, Hồng tuy không sống khép mình nữa nhưng vẫn tin rằng với lối sống đúng mực của mình, cô thực sự đã có thể bỏ quá khứ lại sau lưng.