LTS:- Huyền Chip, cô gái trẻ đã đi qua 25 nước khi trong túi chỉ có vẻn vẹn 700 USD, viết 2 tập sách “Xách ba lô lên và đi” và “Đừng chết ở châu Phi” đang dậy sóng dư luận những ngày gần đây.
Nhiều ý kiến cho rằng: Đi cũng tốt và viết thành sách thì… càng tốt. Chỉ có điều, cuốn sách ấy đang gây ồn ào về sự trung thực, tới mức có người đề nghị thu hồi lại. “Nửa cái bành mì vẫn là bánh mì nhưng nửa sự thật thì không còn là sự thật”.
Chúng tôi xin gửi tới độc giả bài phân tích rất sâu sắc của tác giả Hà Anh – một nhà quản lý, một chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục, về tính thiếu trung thực, nói đúng hơn là sự giả dối của nhân vật được giới trẻ quan tâm: Huyền Chip.
Huyền Chip
Sự thành thực - Cốt lõi của sự tử tế
Năm đầu tiên đi học lớp vỡ lòng tôi rất sợ chiếc roi của cô giáo. Tôi chỉ nhớ loáng thoáng những hình ảnh về lớp như xem một cuộn băng video hình ảnh mờ nhạt vì mốc thời gian.
Tuy nhiên, kỷ niệm của cô giáo khi bắt tôi ngửa bàn tay vì nói dối quên vở, không viết bài tập đầy đủ do ham chơi vẫn còn trong trí óc của tôi. Lời cô giáo dặn tôi vẫn còn nhớ “Sự thành thực – cốt lõi của tử tế”.
Lớn lên theo thời gian, ngẫm lại mới thấy câu nói của cô giáo thật sâu sắc và thâm thúy. Sự tử tế trong xã hội được hình thành từ sự tử tế của mỗi cá nhân. Mức độ tử tế của chúng ta phụ thuộc rất nhiều vào sự thành thực với bản thân, sự thành thực với bạn bè, sự thành thực với đối tác, sự thành thực với người thân... Tuy nhiên để có thể thành tử tế đúng nghĩa thật là khó. Mỗi cá nhân đều có những lúc, trường hợp, hoàn cảnh, chúng ta không thành thực với một ai đó hoặc trong một sự kiện nào đó để có thể có được chút lợi ích nhỏ nhoi. Bản tính con người là như vậy và chúng ta phải chấp nhận nó như một sự thật của cuộc sống.
Có lẽ, đáng chê trách nhất là những cá nhân không thành thực với chính mình để mưu cầu danh lợi, địa vị và những trục lợi cá nhân trong xã hội. Huyền Chip là một hiện tượng như vậy trong khoảng thời gian gần đây.
Phóng viên có hỏi tôi “Anh có viết bài về Huyền Chip không?”. Tôi trả lời: “Anh sẽ không viết vì Huyền Chip là một hiện tượng không nên nhắc tới vì nó sẽ làm xấu xã hội, chúng ta nhắc tới nhiều bao nhiêu thì sẽ làm cho xã hội càng xấu đi”.
Tuy nhiên sau khi suy nghĩ lại, tôi cảm thấy đây là một bài học sâu sắc về giá trị sống – Sự Thành Thực là Cốt Lõi của Tử Tế. Bài học này có thể mang nhiều giá trị cho các bạn trẻ trong xã hội và truyền thông những giá trị tích cực.
Tại sao độc giả lại phản ứng rất gay gắt về hiện tượng quyển sách, bản chất là sự bức xúc trước hiện tượng không thành thực. Câu chuyện không phải ở chỗ 25 nước, vượt biên hoặc bị xe ô tô chạy 100 km mà chân không bị gãy.
Bao trùm hết tất cả những chi tiết được nêu kỹ càng trong bản yêu cầu của anh Trần Ngọc Thịnh đó là sự hoài nghi về tính thành thực. Câu chuyện giáo sư Nguyễn Lân Dũng đứng ra bào chữa rằng quyển sách ngồn ngộn những chi tiết đắt giá về du lịch chỉ là “ông nói gà bà nói vịt” nhằm cải chính cho tính chân thực của Huyền Chip.
Độc giả không phản đối về tất cả những gì Huyền Chip viết, họ chỉ là những người yêu sự chân thực. Bất kỳ một độc giả nào cũng có quyền yêu cầu sự chân thực trong tác phẩm văn học. Thể loại văn học có hẳn truyện viễn tưởng. Chắc chắn không một độc giả nào phản bác tính chân thực trong "20 vạn dặm dưới biển" vì họ đã biết đây là câu chuyện tưởng tượng. Tuy nhiên, câu chuyện Huyền Chip là tường thuật lại một hành trình, sự chân thực phải được đặt lên hàng đầu. Các độc giả rất công bằng khi bỏ tiền ra họ muốn sự thành thực phải đạt tới một mức độ giới hạn chấp nhận vừa phải.
Xét trên tổng thể, Huyền Chip không phải là một người thật sự cầu tiến khi nhận được phê bình và phản biện của độc giả. Cô đã cố gắng ngụy biện, bao che và chỉ tới những giờ phút cuối cùng, miễn cưỡng chấp nhận có những thông tin không thành thực trong tác phẩm của mình. Một ngôi nhà có một vài con gián và người đọc có quyền thắc mắc trong nhà có nhiều con gián nữa không?.
Nếu những tác phẩm mang những hoài nghi lại đạt được đến sự nổi tiếng sẽ là một tấm gương xấu cho giới văn học nói riêng và xã hội nói chung. Để có được sự công nhận và ngưỡng mộ của độc giả, nhà văn cần nhất phải là một người tử tế - thành thực với từng từ ngữ câu văn, từng trang sách và đối với từng độc giả trong xã hội. Nếu nói sự thành thực có lẽ Huyền Chip còn thua Angela Phương Trinh hoặc các xì căng đan trong năm gần đây.
Chí ít chúng ta còn thấy sự chân thực trong những xì căng đan đó. Không thành thực trong trí thức còn nguy hiểm gấp bội không chân thực trong những vấn đề khác của xã hội.
Huyền Chip có thành thực hay không hãy để cho cô tự phán xét chính mình. Không một ai có thể tự lừa dối chính mình. Thật sự đáng tiếc cho Huyền Chip nếu như tác phẩm của cô không phải cố lên gân, cố bành trướng ra hai hoặc ba tập sách.
Nếu Huyền Chip thật sự tả chân và thành thực với chính mình, quyển sách của cô sẽ là một quyển sách hay và đáng đọc cho giới trẻ. Chỉ có sự thành thật - cốt lõi của tử tế mới có thể tạo nên một thành công lâu dài và bền vững đối với mọi cá nhân trong xã hội.
Một điều đáng mừng đó là thế hệ các bạn đọc trẻ rất sâu sắc và kiên quyết bảo vệ sự trong sạch của nền văn học nước nhà. Huyền Chip nên coi những thắc mắc của bạn đọc chính là những lời góp ý chân thành cho tác phẩm của cô. Tôi đánh giá Huyền Chip là tác giả có năng lực và ý chí để viết ra được những tác phẩm tốt nếu như cô thành tâm suy nghĩ và thay đổi theo những góp ý của độc giả".