Chết cứ chết, quay phim cứ quay phim!

Hoàng Nguyên Vũ |

Ống kính ghi lại nhiều sự thật. Thậm chí là sự thật rùng rợn. Nhưng nhiều người đã hỏi: Sao người quay không có một động thái gì để sự thật đó bớt rùng rợn, thay vì cầm máy lên quay chi tiết thế?

Vụ tai nạn trên cầu Thái Hà. Người và xe nằm chồng đống. Tôi nín thở xem đoạn clip như phim hành động ấy, và tự hỏi, liệu “nghệ sĩ quay phim” có nhất thiết phải kiên nhẫn chờ cho “phim” đến đoạn “cao trào” thay vì hãy tạm dừng vài giây để gọi cho cảnh sát?

Bởi vì người cầm máy quay phim là người quá hiểu bản chất của sự việc khi cùng ống kính ghi lại tỷ mỉ sự việc. Người quay sẽ ý thức rõ cuộc rượt đuổi ấy sẽ kéo theo hàng loạt tính mạng của những người không liên quan đến những người đang rượt và đang đuổi kia.

Và cuối cùng điều đó đã xảy ra. Ống kính vẫn nhẫn nại chờ đợi khoảnh khắc người và xe nằm ngổn ngang trên cầu, anh tài xế bí bách nhảy cầu tìm lối thoát. Một trong số các nạn nhân đã không qua khỏi và tính mạng của người tài xế bây giờ cũng đang phó mặc cho trời.

Có thể, người quay phim đã cung cấp cho công luận một phần sự thật. Nhưng, có những sự thật không thực sự cần thiết, không đáng được chờ đợi, như cái sự thật bi thảm trên.

Tôi liên tưởng đến clip những nữ sinh bị đánh hội đồng bao năm qua.

Và câu hỏi của tôi cũng tương tự: Thay vì can ngăn để bạn không bị làm nhục, hoặc báo thầy cô, thì tại sao những nam sinh nữ sinh đó lại cầm máy điện thoại để tường thuật lại những sự kiện đầy bạo lực với một thái độ vô cảm đến thế?

Thói vô cảm và hiếu kỳ, muốn biến nỗi đau của đồng loại thành một thứ thông tin gây chú ý, người ta đã lạnh lùng cầm máy lên thay vì phải làm một hành động khác cấp thiết hơn lúc đó.


Bức ảnh nổi tiếng này đã khiến tác giả đối diện với những chỉ trích vì không giúp em bé
​

Bức ảnh nổi tiếng này đã khiến tác giả đối diện với những chỉ trích vì không giúp em bé

Kevin Carter, phóng viên ảnh người Nam Phi, tác giả của bức ảnh gây sốc cả thế giới, từng giành giải Pulitzer mang tên “Kền kền chờ đợi” đã gặp phải một làn sóng phản đối mạnh mẽ khi bức ảnh ra đời.

Đó là bức ảnh chụp về một em bé gầy trơ xương sắp chết ở vùng nội chiến Sudan, nơi có hàng loạt người đang chết đói, đang bò lê từng bước đến trung tâm cứu trợ. Phía sau là một con kền kền đang chờ đợi “bữa trưa”.

Bức ảnh được đăng đầu tiên trên tờ The New York Times vào ngày 26/3/1993. Bạn đọc quan tâm đến số phận của đứa trẻ và đặt câu hỏi rằng Carter đã làm gì để giúp đứa trẻ khi đó?

Sau đó, tờ báo này đã phải đăng thông báo về số phận đứa bé, rằng bé đã được Carter đưa đến trung tâm cứu trợ, gặp được người cha của bé. Và từ đó, cũng không ai biết phần đời tiếp theo của đứa bé như thế nào.

Hơn 1 năm sau, người chụp bức ảnh nổi tiếng ấy đã tìm đến cái chết ở tuổi 33. Một trong những dòng thư tuyệt mệnh ngắn ngủi của anh là: “Tôi bị ám ảnh bởi những ký ức sờ sờ về sự chết chóc, những xác chết, cơn giận dữ và nỗi đau... về những đứa trẻ chết đói..."

Sau này, khi trả lời phỏng vấn một tờ báo, ông Jimmy Carter cho biết rằng, con trai mình luôn mang theo nỗi thống khổ về những tác phẩm mà anh đã tạo ra.

Thực tế, bức ảnh của Carter đã cho thế giới nhìn rõ hơn một sự thật kinh hoàng hơn ở một vùng đất đang chứa đựng nhiều bất ổn và thống khổ.

Phản ánh một sự thật không phải là lỗi của người làm nghề nhưng đừng vì sự đeo đuổi mục đích phản ánh đó mà phó mặc cho mọi thứ tồi tệ đi.

Nhưng, mọi chuyện lại càng đáng sợ hơn nếu chúng ta dùng ống kính của mình để cố tình bóp méo sự thật.

Những ngày qua không ít người “phẫn nộ” trước những bức ảnh về người tâm thần bị “ngược đãi” tại trung tâm bảo trợ đang đối diện với vụ tai tiếng “800 triệu đồng” ở Nghệ An. Sự thật như thế nào vẫn còn phía trước khi thanh tra tỉnh này chưa đưa ra kết luận cuối cùng.

Tuy nhiên, người chụp những bức ảnh đó đã đối diện với hàng loạt phản ứng của cộng đồng mạng về việc bóp méo sự thật. Rằng, những bệnh nhân tâm thần ấy họ hoàn toàn không kiểm soát được hành vi của mình, chứ không phải họ bị ngược đãi.

Thực tế, họ đang được trung tâm chăm sóc và nuôi dưỡng, khi mà người thân của họ không thể chăm sóc nổi họ.

Và những người có trải nghiệm với thực tế này đã cho rằng, những cán bộ, nhân viên đang làm việc trong những môi trường đặc thù này đáng được thông cảm, chứ không phải đưa ra vùi dập như thế.

Hãy cứu rỗi mọi thứ trước khi nó tồi tệ đi, nên là phản ứng cần có của bất cứ ai khi đối mặt với những sự việc tồi tệ. Tuy nhiên, cần một sự khôn ngoan, khéo léo trong ứng xử để bảo vệ bản thân, bên cạnh việc hạn chế những sự tồi tệ khác đến với đồng loại.

Pháp luật không cấm sự vô cảm, nhưng lương tâm con người không cho phép sự vô cảm tồn tại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại