Các chỉ số chứng khoán hàng đầu của Mỹ giảm từ 12-13%, khiến hàng ngàn tỉ USD bốc hơi. Trong số này, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm đến 12,9% - mức giảm mạnh kỷ lục kể từ năm 1987 và là mức giảm tồi tệ thứ 3 trong lịch sử.
Trong khi đó, chỉ số S&P 500 giảm 12% xuống còn 2.386,13 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 12-2018. Riêng chỉ số Nasdaq Composite có ngày tồi tệ nhất từ trước đến giờ khi đóng cửa ở mức 6.904,59 điểm, giảm 12%.
Thị trường chứng khoán Mỹ có phản ứng trên sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo thời điểm dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus corona (Covid-19) bùng phát tồi tệ nhất có thể kéo dài đến tháng 8.
Gọi virus gây Covid-19 là "kẻ thù vô hình" và cảnh báo về nguy cơ xảy ra suy thoái, ông chủ Nhà Trắng đã thúc giục người Mỹ ngưng hầu hết hoạt động xã hội trong vòng 15 ngày và tránh tụ tập thành nhóm trên 10 người.
Một số chuyên gia giải thích rằng thị trường chứng khoán Mỹ đã không nghe được những muốn nghe.
Tình hình nói trên khác xa so với thời điểm một tháng trước khi các thị trường tài chính tăng cao kỷ lục, xuất phát từ hy vọng dịch Covid-19 sẽ được khống chế tại Trung Quốc và không gây ra nhiều gián đoạn như những gì từng xảy ra với các đợt bùng phát dịch bệnh trước đó.
Dù vậy, dịch Covid-19 hiện trở thành đại dịch, khiến ít nhất 180.000 người nhiễm bệnh và trên 7.000 người tử vong trên thế giới.
Nhiều nước, trong đó có Canada, Chile đã đóng cửa biên giới đối với du khác. Trong khi đó, Peru triển khai binh sĩ để phong tỏa các con đường lớn. Ireland mở chiến dịch tuyển mộ thêm nhân viên y tế. Các hãng hàng không buộc phải cắt giảm số lượng chuyến bay, việc làm và đề nghị chính phủ hỗ trợ tài chính.
Tại Mỹ, chính quyền các bang cam kết làm việc với chính quyền Tổng thống Donald Trump để ứng phó với dịch Covid-19, hiện khiến 87 người thiệt mạng và gần 5.000 người mắc bệnh. Một cố vấn Nhà Trắng nói Mỹ có thể bơm ít nhất 800 tỉ USD vào nền kinh tế để giảm thiểu thiệt hại do Covid-19 gây ra.
Trong khi đó, các bộ trưởng tài chính Liên minh châu Âu (EU) đang lên kế hoạch ứng phó về kinh tế sau khi xuất hiện cảnh báo EU có nguy cơ rơi vào suy thoái.