Các nhà khoa học Trung Quốc nghiên cứu virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm phổi cấp (COVID-19) trên loài khỉ Rhesus (khỉ vàng) vừa phát hiện một số cá thể khỉ đã phát triển khả năng miễn dịch sau khi phơi nhiễm với virus SARS-CoV-2.
Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP - Hồng Kông), đây có thể là một phát hiện quan trọng đối với cuộc đua phát triển vaccine chống virus SARS-CoV-2, trong bối cảnh dịch COVID-19 ngày càng diễn biến phức tạp trên thế giới.
Các nhà khoa học trên toàn thế giới đang chạy đua để phát triển vaccine chống virus SARS-CoV-2, và đợt thí nghiệm lâm sàng đầu tiên có thể được tiến hành tại Trung Quốc và Mỹ trong vòng 1 tháng tới.
Tuy nhiên, số trường hợp "tái dương tính" sau khi được chữa khỏi và xuất viện đã dấy lên một số nghi ngờ về hiệu quả của vaccine (trong trường hợp các nhà khoa học điều chế thành công).
Tỉ lệ tái dương tính tại Trung Quốc dao động từ 0,1-1%, theo số liệu của truyền thông nước này. Thế nhưng, tại một số tỉnh như Quảng Đông, tỉ lệ này lên tới 14%.
Nếu những trường hợp "tái dương tính" nói trên thực sự tái nhiễm cùng một chủng virus corona ban đầu, thì vaccine cũng sẽ không có hiệu quả.
Tuy nhiên, kết quả thí nghiệm trên loài khỉ vàng Rhesus của nhóm nghiên cứu đến từ Học viện Khoa học Y tế Trung Quốc đã phần nào xoa dịu nỗi lo về các trường hợp "tái dương tính".
Hình ảnh minh họa. Nguồn: Reuters
Phát hiện quan trọng của nhóm nghiên cứu Trung Quốc
Thứ 7 (14/3) tuần trước, nghiên cứu này đã được công bố trên trang web bioRxiv.
Theo đó, Giáo sư Qin Chuan cùng nhóm nghiên cứu của mình đã cho 4 cá thể khỉ Rhesus phơi nhiễm với virus SARS-CoV-2, và khoảng 3 ngày sau chúng bắt đầu có các triệu chứng bệnh như sốt, khó thở, bỏ ăn và sụt cân.
Vào ngày thứ 7 của cuộc thí nghiệm, ông Qin đã tiêm thuốc an tử cho 1 trong 4 cá thể khỉ Rhesus. Sau khi tiến hành giải phẫu, các nhà khoa học đã phát hiện virus SARS-CoV-2 đã lan ra toàn bộ cơ thể của cá thể này, từ mũi tới bàng quang, và tổn thương ở mô phổi có thể nhìn thấy rất rõ.
Tuy nhiên, sau đó 3 cá thể khỉ còn lại đã dần hồi phục và cuối cùng đã hết hoàn toàn triệu chứng bệnh.
Khoảng 1 tháng sau đó, kết quả xét nghiệm cả 3 cá thể trên đều cho ra kết quả âm tính với SARS-CoV-2, và phim chụp X-quang cho thấy các cơ quan nội tạng của chúng đều đã hồi phục hoàn toàn.
Các nhà khoa học tiếp tục tiêm virus SARS-CoV-2 vào miệng của 2/3 cá thể khỉ vừa bình phục. Ngoại trừ thân nhiệt tăng, chúng không có biểu hiện bệnh lý nào khác.
Khoảng 2 tuần sau, nhóm nghiên cứu tiếp tục giải phẫu xác của 2 cá thể khỉ này. Lần này, họ không tìm thấy dấu vết nào của virus SARS-CoV-2 trong cơ thể chúng. Thay vào đó, họ phát hiện nồng độ kháng thể trong cơ thể chúng rất cao. Điều này cho thấy hệ miễn dịch của 2 cá thể khỉ này đã sẵn sàng chống lại COVID-19.
Ông Qin cho biết kết quả thí nghiệm này sẽ có "ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình đánh giá việc phát triển vaccine phòng bệnh".
Giới chuyên gia thận trọng
Thông qua phát hiện nói trên, các nhà khoa học đã tranh luận rằng việc một số bệnh nhân "tái dương tính" sau khi hồi phục và xuất viện có thể do những lí do khác chứ không phải là do tái nhiễm virus SARS-CoV-2.
"Đó có thể là kết quả 'âm tính ảo', do người bệnh chưa hoàn toàn bình phục dù đã đạt tiêu chí xuất viện", nhóm nghiên cứu lập luận.
Một số bác sĩ công tác tại tiền tuyến cũng từng đưa ra nhận định tương tự về các trường hợp "tái dương tính", theo SCMP.
Tuần trước, Giáo sư Chung Nam Sơn, một chuyên gia y tế hàng đầu của Trung Quốc, cho biết các y bác sĩ đã phát hiện một lượng lớn kháng thể trong cơ thể của các bệnh nhân hồi phục; điều này chứng tỏ họ không thể tái nhiễm.
"Điều mọi người quan tâm hiện nay là nguy cơ các bệnh nhân 'tái dương tính' lây nhiễm cho người thân trong gia đình và những người tiếp xúc gần với họ, nhưng đến nay tôi vẫn chưa thấy có trường hợp như vậy", ông Chung nói.
Mặc dù vậy, chính quyền Trung Quốc vẫn tiếp tục thận trọng. Kể từ ngày 5/3, mọi bệnh nhân COVID-19 được xuất viện đều phải cách ly thêm 2 tuần để chắc chắn không "tái dương tính".
Một bác sĩ chữa trị cho bệnh nhân COVID-19 tại Bắc Kinh cho biết kết quả nghiên cứu nói trên đã cung cấp những thông tin giá trị, bởi bộ gen của loài khỉ rất gần với gen người, tuy nhiên phản ứng của cơ thể khỉ có thể khác với cơ thể người.
Ngoài kết quả trên, các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng virus SARS-CoV-2 có thể lây qua mống mắt ở loài khỉ. Nếu cơ chế lây nhiễm này cũng diễn ra ở người, thì việc đeo khẩu trang không thể phòng ngừa được hoàn toàn nguy cơ nhiễm bệnh, SCMP cho biết.