Đánh giá thấp nguy cơ, Ý gặp hậu quả, mất kiểm soát dịch Covid-19

Minh Khôi |

Tờ Foreign Policy đã phân tích các nguyên nhân khiến Ý không thể kiểm soát và khiến dịch Covid-19 bùng phát như hiện nay.

Đánh giá thấp nguy cơ dịch

Ý hiện là quốc gia có số ca nhiễm virus Corona chủng mới cao thứ hai chỉ sau Trung Quốc, đây cũng là quốc gia đầu tiên ở phương Tây phải đối phó với dịch bệnh ở quy mô lớn với hơn 20.000 ca nhiễm và hơn 2.100 ca tử vong; đến nay, hơn 2.700 người đã được chữa trị khỏi bệnh. Người đứng đầu đảng Dân chủ cánh tả Nicola Zingaretti, cũng nằm trong số các ca dương tính với Covid-19, cũng như thủ hiến vùng Piedmont.

Bước đi sai lầm đầu tiên của chính phủ Ý là đánh giá thấp nguy cơ của dịch, khi vào tháng 1, nhiều chuyên gia đã kêu gọi việc cần thiết phải triển khai các biện pháp chặt nhằm cách ly toàn bộ các hành khách đến từ Trung Quốc.

Nhưng các ý kiến này bị chỉ trích với cáo buộc sử dụng các biện pháp y tế khẩn cấp như cách để hạn chế nhập cư cũng như những mối lo sợ vượt quá thực tế.

Walter Ricciardi, một thành viên của Uỷ Ban Cố vấn WHO châu Âu sau đó thừa nhận việc không cách ly người đến từ Trung Quốc ngay từ đầu là một "sai lầm lớn".

Trong bước đi nhằm sửa chữa những sai lầm, ngày 30/1, chính phủ Ý đã quyết định huỷ các chuyến bay thẳng đến và từ Trung Quốc. Đây một lần nữa lại là một sai lầm khiến việc kiểm soát dòng người từ vùng dịch ở Trung Quốc trở nên không khả thi, trong khi vẫn cho phép hàng nghìn người đi đường vòng thông qua một loạt các sân bay châu Âu và nhiều nước trên thế giới đến Ý.

Bên cạnh đó, chính phủ Ý cũng thể hiện sự thiếu hiệu quả trong thực hiện chiến lược truyền thông. Một bản dự thảo về đạo luật phong toả đã bị rò rỉ cho giới báo chí trong khi nội các chính phủ vẫn thảo luận các nội dung liên quan. Những thông tin này đã phần nào tạo ra sự bất ổn trong xã hội, một bộ phận người dân tìm mọi cách để thoát khỏi vùng phong toả trước khi kế hoạch chính thức được thực thi.

Hệ thống y tế quá tải

Hiện tại, mục đích chính trong chính sách mới của Rome là nhằm đảm bảo hệ thống y tế vốn đã bị quá tải có thể đáp ứng một lượng lớn bệnh nhân đang trong tình trạng nguy kịch.

Các bộ phận y tế ở Lombardy, khu vực tâm dịch, đang buộc phải chọn lựa giành ưu tiên cho bệnh nhân nào dựa trên các yếu tố về sự chống chịu của các bệnh nhân, một thực tế phũ phàng đồng thời cũng khó tránh trong thời điểm một đất nước đang được đặt trong tình trạng khẩn cấp.

Dữ liệu từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy tại Ý số hiện có 275 giường bệnh phục vụ trường hợp khẩn cấp trên 100.000 dân, trong khi con số trung bình của EU là 394. Chính phủ Ý hiện đang lên kế hoạch sẽ nâng con số giường bệnh lên 50%, nhưng điều này sẽ cần thời gian. Ngoài ra, chính phủ cũng dự kiến sẽ phân bổ 8,6 tỉ USD để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, điều chắc chắn sẽ có tác động mạnh tới một trong những nền kinh tế tăng trưởng chậm nhất EU.

"Chúng ta nên có biện pháp mạnh xử lý những người vô trách nhiệm, virus này không phải là một trò đùa", Bộ trưởng Y tế Roberto Speranza nói, khi liên hệ tới nhiều trường hợp các biện pháp nhằm ngăn tiếp xúc và phát tán dịch bệnh không được người dân thực thi. Hồi đầu tháng 3, các báo cáo cho thấy người dân vẫn tiếp tục tụ tập ở các quán bar, đi trượt tuyết ở dãy Alps, hay tập trung ở các bãi biển, cho thấy các biện pháp mềm mỏng đã không có hiệu quả.

Trong bài báo được đăng trên tờ Il Messaggero, nhà xã hội học Luca Ricolfi đã viết:"nếu chúng ta muốn hạn chế số lượng các ca nhiễm, điều cần thiết là phải hi sinh một phần sự tự do, ít nhất là trong vài tuần". Một phương án khác, ông giải thích, đó là tiếp tục với tình hình hiện tại, nhưng khi đó, "cái giá phải trả sẽ không phải là các con số về kinh tế, mà là những sinh mạng người dân mà chúng ta coi là thứ yếu".

Một yếu tố khác là vai trò của các chuyên gia y tế. Những chuyên gia này, đã xuất hiện trên các diễn đàn trên truyền hình và mạng xã hội để tranh luận, hoặc đưa ra những thông tin trái ngược về mối nguy hại của virus, cũng như các biện pháp cần thiết để kiểm soát dịch. Có những thời điểm, họ đã tranh cãi một cách quyết liệt ngay trên Twitter, tạo cho công chúng cảm giác sự chia rẽ trong giới khoa học cũng tương tự như các chính trị gia. Nhưng nguy hiểm hơn là những cuộc tranh luận này đã làm lu mờ những biện pháp thực sự hiệu quả để kiểm soát dịch.

Không phủ nhận các cuộc tranh luận về các giả định là yếu tố quan trọng trong các phương pháp nghiên cứu khoa học, nhưng thay vì điều đó được thực hiện ở các hội thảo y tế hay các tạp chí chuyên nghành, những điều này đang diễn ra trên các diễn đàn phổ thông, hay ngay trên truyền hình, dẫn đến sự hoang mang không cần thiết. Trong nhiều tuần, người Ý dường như bị chia rẽ về ý kiến chuyên gia y tế nào là chuẩn xác hơn.

Trong bối cảnh rối rắm này, nhiều người đã lựa chọn việc nghe theo các ý kiến chuyên gia dựa trên những gì họ muốn nghe. "Cuộc chiến giữa các nhà khoa học về virus", là tiêu đề của trên trang nhất của tờ La Stampa vào ngày 28/2. Maria Rita Gismondo, một chuyên gia về virus ở bệnh viện Luigi Sacco tại Milan, đã mô tả Covid-19 "chỉ nặng hơn so với bệnh cúm thường". Maria sau đó đã bị nhiều người trong giới chuyên môn chỉ trích, tuy nhiên trong nhiều ngày sau đó, tuyên bố của bà đã được nhiều người trên mạng dẫn lại, đặc biệt là những người có quan điểm coi thường dịch bệnh.

Một nghiên cứu được thực hiện bởi tạp chí Economist nhận định các dịch bệnh như Covid-19 sẽ dễ được kiểm soát trong một môi trường khi thông tin được truyền tải một cách thông suốt và minh bạch. "Trong thời điểm dịch bệnh bùng phát, các phản hồi mang tính xây dựng về cách chính phủ vận hành có thể tạo ra những phản ứng mang tính hiệu quả", tờ này viết.

Đánh giá thấp nguy cơ, Ý gặp hậu quả, mất kiểm soát dịch Covid-19 - Ảnh 3.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại