Trang bị đỉnh cao
Theo Đại úy Jesus Uranga từ Văn phòng Thông tin Hải quân Mỹ, siêu tàu sân bay USS Gerald R. Ford, số hiệu CVN78, sẽ được đưa vào biên chế của hải quân Mỹ trong mùa Hè này.
Đây là tàu sân bay tân tiến và đắt giá nhất thế giới với chi phí hoàn thiện lên đến 13 tỷ USD.
Được biết, tàu sân bay khổng lồ này có thể chở hơn 4.500 người và có trọng lượng lên đến 90.000 tấn.
USS Gerald R. Ford là chiếc đầu tiên xuất xưởng trong số các tàu sân bay lớp Ford mà Mỹ đang đóng, dự kiến thay thế một số tàu sân bay lớp Nimitz mà hải quân đang sử dụng.
Thoạt nhìn, cả hai lớp tàu sân bay kể trên có thân tàu giống nhau nhưng thực tế, tàu sân bay lớp Ford sở hữu hàng loạt cải tiến về công nghệ nhằm cải thiện hiệu quả hoạt động cũng như giảm chi phí vận hành.
Thay vì dùng hệ thống phóng máy bay bằng hơi nước như trước đây, siêu tàu sân bay USS Gerald R. Ford sẽ sử dụng hệ thống phóng điện từ (EMALS) có trọng lượng nhẹ hơn và chiếm ít không gian hơn.
EMALS không cần quá nhiều nhân lực để vận hành, đồng thời có độ tin cậy cao và tiết kiệm năng lượng hơn. Hệ thống này có khả năng phóng một máy bay trong 45 giây, nhanh hơn 25% so với hệ thống phóng bằng hơi nước.
Theo bình luận viên Jurica Dujmovic của Market Watch, năng lực chiến đấu của tàu USS Gerald R. Ford được đánh giá là rất xuất sắc.
Tên lửa phòng không Evolved SeaSparrow (ESSM) của USS Gerald R. Ford có nhiệm vụ bảo vệ con tàu khỏi mối đe dọa từ các tên lửa diệt hạm tốc độ cao.
USS Gerald R. Ford còn được bảo vệ khỏi các mối đe dọa nhờ tên lửa phòng không tầm ngắn Rolling Airframe (RAM). Đây là loại tên lửa nhỏ và nhẹ với trọng lượng 73,5 kg, trong đó đầu đạn nặng 11,3 kg. Tên lửa có tầm bắn 9 km và tốc độ trên Mach 2 (khoảng 680 mét/giây).
Giá thành mỗi tên lửa RAM lên đến một triệu USD. Ngoài ra, USS Gerald R. Ford còn được lắp đặt nhiều tháp súng máy và súng nòng xoay Gatling, đồng thời có khả năng mang theo 75 chiến đấu cơ sẵn sàng xuất kích bất cứ lúc nào.
Với các công nghệ này, USS Gerald R. Ford chỉ cần 2.600 thủy thủ để vận hành, ít hơn 600 người so với tàu sân bay lớp Nimitz.
Chỉ tính riêng điều này đã giúp hải quân Mỹ tiết kiệm hơn 4 tỷ USD chi phí sử dụng trong suốt vòng đời 50 năm của con tàu, nếu so sánh với lớp tàu sân bay Nimitz.
Gerald R. Ford cũng sở hữu nguồn năng lượng vô cùng ấn tượng. Hoạt động của con tàu được duy trì bởi năng lượng từ hai lò phản ứng hạt nhân Bechtel A1B.
Mỗi lò sản xuất khoảng 300 MW điện, nhiều gấp ba lần công suất của các lò phản ứng hạt nhân trên tàu sân bay lớp Nimitz.
Nguồn năng lượng khổng lồ đi liền với hỏa lực mạnh mẽ. Chỉ phân nửa năng lực sản xuất điện của tàu Gerald R. Ford cũng đủ để vận hành tất cả các hệ thống trên tàu.
Vì thế, Gerald R. Ford sẽ có một nguồn dự trữ năng lượng lớn để sử dụng cho nhiều hệ thống và vũ khí tân tiến hơn trong tương lai, ví dụ như vũ khí laser electron tự do hay hệ thống giáp điện bảo vệ tàu.
Chi phí cho mỗi phát bắn laser chỉ vào khoảng vài USD nhưng công suất của tia laser có thể lên tới 10 MW.
Với những thay đổi, nâng cấp về công nghệ và vũ khí tối tân như thế, siêu tàu sân bay Gerald R. Ford thực sự mang trong mình một sức mạnh đáng gờm, chắc chắn sẽ giúp Mỹ giữ thế thượng phong trong các cuộc chiến tranh hải quân thế kỷ XXI, Dujmovic kết luận.
Thiết kế cổ điển
"Trong khi Mỹ sử dụng máy phóng điện từ thế hệ mới thì người Nga vẫn trung thành với thiết kế phóng nhảy cầu trên tàu sân bay tương lai của mình", Business Insider (Mỹ) sau khi Nga chính thức trình làng mẫu thiết kế tàu sân bay tương lai của mình.
Cụ thể, qua quan sát hình ảnh được kềnh truyền hình Nga công bố, Business Insider nhận định thiết kế tàu sân bay này có 2 đài chỉ huy, dùng boong phóng kiểu nhảy cầu, có 3 đường băng cất cánh, lượng giãn nước có thể là khoảng 60-70.000 tấn.
Về trang bị máy bay trên hạm, tàu sân bay mới của Nga được thiết kế để mang có thể là biến thể mới tiêm kích tàng hình Su T-50 và tiêm kích hạm MiG-29K.
Đặc biệt, có sự xuất hiện của cả máy bay cảnh báo sớm và chỉ huy trên không trên tàu sân bay này. Điều đó có nghĩa là tàu sân bay tương lai Nga sẽ trang bị cả máy phóng máy bay bên cạnh boong phóng nhảy cầu.
Bên cạnh đó, thiết kế tàu sân bay tương lai của Nga có vẻ như đã không còn trang bị vũ khí hạng nặng như thiết kế tàu sân bay Kuznetsov trước đây.
Theo Business Insider, cho dù Nga theo đuổi thiết kế hệ thống máy phóng trên tàu sân bay mới thì chưa chắc đã thành công bởi hệ thống này sử dụng công nghệ rất phức tạp và tinh vi không phải nước nào muốn là có thể thành công.
Bằng chứng Business Insider đưa ra là Trung Quốc mặc dù đã theo đuổi thiết kế này cho tàu sân bay tương lai của mình từ nhiều năm nay nhưng chưa có bằng chứng cho thấy Bắc Kinh đã thành công.
Vì vậy, việc đưa máy bay cảnh báo sớm lên tàu sân bay mới của Nga mới chỉ dừng lại ở ý tưởng, Business Insider kết luận.