Ngày 27-04, nhà máy đóng tàu Zelenodolsk (Nga) đã tổ chức lễ hạ thủy chiếc tàu Gepard 3.9 đầu tiên trong cặp tàu thứ 2 đóng cho Hải quân Việt Nam.
Nhân sự kiện này, Thời báo kinh doanh Nga đã có bài viết đề cập tới mối quan hệ hợp tác giữa 2 phía trong dự án tàu Gepard.
Theo đó, thành công của cặp tàu Gepard đầu tiên đã thúc đẩy Việt Nam tiếp tục đặt mua thêm cặp tàu thứ 2 bổ sung khả năng chống ngầm. Tuy nhiên, quá trình thi công đã gặp khó khăn do Ukraine từ chối cung cấp động cơ.
Nga lo ngại rằng trục trặc này khiến Việt Nam không hài lòng và có thể trở thành rào cản cho đơn đặt hàng mới giữa 2 phía (cặp Gepard thứ 3). Ngoài ra, những đối thủ cạnh tranh với Moscow cũng sẽ không khoanh tay đứng nhìn.
Chuyên gia Prokhor Tebin tại Moscow nhận định, trong tình thế bất lợi này, điểm cộng lớn nhất có thể thu hút khách hàng là tổ hợp tên lửa Kalibr.
Tàu Gepard trong buổi lễ hạ thủy hôm 27/4.
Trước đó, trong cuộc phỏng vấn vào cuối năm 2015, ông Renat Mistakhov - Tổng Giám đốc nhà máy đóng tàu Zelenodolsk đã đề cập rằng:
Khi đánh giá kết quả chiến đấu của các tàu chiến Nga trong chiến dịch chống IS, Việt Nam muốn thay thế tên lửa Uran-E bằng tên lửa Kalibr (Klub) trên cặp tàu Gepard thứ 3 (nếu ký kết đơn đặt hàng).
Nhà máy Zelenodolsk sẵn sàng tiếp tục hợp tác với Việt Nam vì đã có kinh nghiệm lắp đặt hệ thống tương tự trên tàu Dagestan (lớp Gepard) của Hạm đội biển Caspian.
Tuy nhiên, theo ông Mistakhov, nhà máy nào chịu trách nhiệm đóng cặp tàu Gepard thứ 3 cho Việt Nam hiện vẫn đang được thảo luận.
Chuyên gia hải quân Dmitry Glukhov từ St. Petersburg nhận định, khả năng nhà máy Zelenodolsk tiếp nhận đơn hàng đóng cặp tàu Gepard thứ 3 khá cao, bất chấp những trở ngại liên quan tới việc nhập khẩu động cơ do Ukraine sản xuất.
Theo ông Glukhov, các tàu Gepard đóng cho Việt Nam trước đó đã được hoàn thiện, vận hành thành công, trang bị đầy đủ và không quá đắt đỏ.
Đơn đặt hàng cặp tàu thứ 2 của Việt Nam đã nói lên chất lượng của các tàu Gepard và cho thấy dự án này thành công.
Nhà thầu có thể nhanh chóng triển khai dự án và kịp thời đáp ứng các yêu cầu của khách hàng về vũ khí và thiết bị kỹ thuật.
Thêm một yếu tố quan trọng là thời gian chế tạo và ở đây, đội ngũ của nhà máy Zelenodolsk rất giỏi, họ đã cố gắng hoàn thành các trách nhiệm trong hợp đồng, ngoại trừ những hạn chế vì lý do khách quan.
Bên cạnh đó, quân đội Việt Nam đã quen vận hành vũ khí Nga.
"Tàu chiến của chúng ta đã quen thuộc với Việt Nam từ lâu và không có bất cứ khó khăn nào.
Nói chung, tôi chưa nghe nói có bất cứ vấn đề gì liên quan tới chất lượng vũ khí với phía Việt Nam. Nếu có thì cũng sẽ được giải quyết trên cơ sở cùng có lợi" - ông Glukhov nói.
Cặp tàu Gepard thứ 3 (nếu đóng) có thể sẽ trang bị tên lửa Kalibr và không sử dụng động cơ Ukraine.
Theo Thời báo Kinh doanh Nga, Moscow đánh giá rất cao sự giúp đỡ từ phía Việt Nam trong việc giải quyết vấn đề cung cấp động cơ từ Ukraine.
"Tôi muốn cảm ơn Việt Nam vì đã hỗ trợ chúng tôi trong thời điểm khó khăn, khi quyết định các vấn đề liên quan đến cung cấp động cơ... Cuối cùng thì nhiệm vụ đã được hoàn thành" - ông Mistakhov nói.
Liên quan tới vấn đề này, ông Vitaly Volkov, Giám đốc điều hành Zelenodolsk phát biểu:
"Ukraine từ chối cung cấp động cơ. Tình hình thật bi đát. Cảm ơn Việt Nam vì họ đã giúp chúng tôi giải quyết vấn đề này. Chúng tôi có lẽ cũng giải quyết được nhưng chi phí không hề rẻ".
Trả lời câu hỏi động cơ nào sẽ được lắp trên cặp tàu Gepard thứ 3 nếu Việt Nam đặt hàng, ông Volkov chia sẻ:
"Hiện nay chúng tôi không thảo luận việc nhập khẩu động cơ từ Ukraine nữa, đó sẽ là các động cơ khác. Còn quá sớm để nói đó là những động cơ nào".
Mặc dù chưa thể khẳng định chắc chắn nhưng ông Volkov tin rằng, cặp tàu Gepard thứ 3 sẽ được Việt Nam đặt đóng.