Ban soạn thảo nghị định về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế vừa cho biết, sau thời gian nhận ý kiến đóng góp của các bộ ngành, sẽ chính thức hoàn thiện nghị định để trình Chính phủ trước ngày 1/12 tới.
Theo ý kiến đóng góp của các bộ ngành, đơn vị liên quan, dự thảo nghị định sẽ được hoàn thiện theo hướng: mức đặt cược tối thiểu và mức đặt cược tối đa do Chính phủ quyết định.
Sau một năm hoạt động kinh doanh đặt cược, doanh nghiệp sẽ được sử dụng phương thức phân phối vé đặt cược thông qua thiết bị đầu cuối tại Việt Nam, được phân phối vé đặt cược thông qua điện thoại.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ ngành liên quan đề xuất, trình Thủ tướng quyết định lựa chọn một số địa phương để thí điểm kinh doanh đặt cược bóng đá. Thời gian thí điểm không quá 5 năm. Đồng thời, Bộ Tài chính cần bổ sung các quy định rõ ràng, chặt chẽ để hạn chế tối đa khả năng khiếu nại sau thời gian thí điểm.
Người chơi đặt cược phải đáp ứng điều kiện từ 21 tuổi trở lên và có đầy đủ năng lực, hành vi dân sự theo quy định của pháp luật. Như vậy, điều kiện tuổi tác đã thay đổi so với mức 18 tuổi trong dự thảo ban đầu.
Người liên quan đến nài ngựa, cầu thủ, trọng tài, người quản lý doanh nghiệp kinh doanh đặt cược, thành viên hội đồng giám sát cuộc đua không được tham gia đặt cược…
Từng được đặt ra cách đây gần một thập kỷ, sau nhiều tranh cãi, nay dường như việc hợp pháp hóa cá cược bóng đá, đua ngựa, đua chó tại Việt Nam đã đi đến những công đoạn chuẩn bị cuối cùng để thành hình.
Trước đó, trong bản dự thảo được gửi đi, Bộ Tài chính có quy định, mức đặt cược tối thiểu cho một lần là 10.000 đồng, tối đa cho mỗi người chơi trong một ngày với từng sản phẩm là một triệu đồng.