Đã có rất nhiều trường hợp, khi gia đình có thêm em bé thứ hai, những đứa trẻ đầu cảm thấy bị "ra rìa" vì nghĩ rằng tình yêu thương của cha mẹ đã không còn trọn vẹn. Thế nhưng không phải đứa trẻ nào cũng dễ dàng chia sẻ cảm xúc từ sâu bên trong, điều này vô hình trung khiến cha mẹ khó nhận ra vấn đề của con cái.
Chị Xiaolin (Trung Quốc) là mẹ của hai đứa con nhỏ. Mới đây, khi con trai tên Dabao vừa tròn 5 tuổi, chị đã sinh thêm bé gái thứ hai. Chị Xiaolin tin rằng, cô con gái thứ hai còn ít tuổi, cơ thể chưa cứng cáp nên cha mẹ đương nhiên phải chăm sóc bé nhiều hơn.
Ảnh minh họa
Cũng vì thế, sự quan tâm và thời gian mà chị Xiaolin dành cho cậu con trai Dabao cũng giảm đi ít nhiều. Song chị vẫn yên tâm vì Dabao tỏ ra ngoan ngoãn, sức khỏe ổn định và dường như không có thái độ ác cảm nào với người em gái này.
Tuy nhiên thời gian gần đây, cậu nhóc Dabao thường xuyên nói với mẹ rằng trông thấy có người đàn ông đứng bên tòa nhà đối diện. Những ngày đầu, chị Xiaolin còn lo lắng cho tình hình của cậu con trai. Mỗi lần cậu bé nói ra những từ ngữ kỳ lạ, chị đều vén rèm cửa sổ thế nhưng không thấy điều gì bất thường.
Bé Dabao kể với mẹ thường xuyên thấy bóng đen người đàn ông ở tòa nhà đối diện (Ảnh minh họa)
Cho rằng Dabao đang muốn gây chú ý với mẹ, chị Xiaolin dần mặc kệ những lời cậu bé nói. Thế nhưng tình trạng của Dabao ngày càng trở nên tồi tệ. Ngày nào cũng đều như vậy, cứ đến buổi tối, cậu nhóc đều không dám nói chuyện với ai, đóng chặt phòng và tự nhốt mình đến tận sáng.
Quá lo sợ cho tình hình của Dabao, mẹ đã dẫn cậu đi khám bác sĩ. Cuối cùng, bác sĩ kết luận Dabao có thể bị ảo giác vì lo lắng kéo dài. Tất cả vấn đề tâm lý của cậu đều xuất phát từ việc lo sợ cha mẹ dành quá nhiều tình cảm cho em gái, mà bỏ qua việc quan tâm và trò chuyện với cậu hàng ngày.
Chị Xiaolin đã bật khóc nức nở ngay trong bệnh viện. Chị không ngờ vì sự chủ quan của gia đình đã khiến cậu con trai 5 tuổi bị ảnh hưởng tâm lý nhiều đến vậy.
Ảnh minh họa
Trên thực tế, những trường hợp như Dabao đã không còn là câu chuyện hiếm. Tình huống này rất nguy hiểm, có thể gây ra hậu quả đáng tiếc nếu các bậc phụ huynh không có biện pháp kịp thời.
Vậy làm thế nào để hạn chế sự căng thẳng cho con cái trong nhà?
- Loại bỏ nỗi sợ tâm lý của trẻ
Lý do khiến nhiều đứa trẻ phản đối việc gia đình có thêm thành viên là do các em lo lắng mình sẽ bị "bỏ rơi" bởi chính cha mẹ. Điều này sẽ càng tệ hơn nếu người lớn xung quanh nói đùa với bé: "Mẹ con chỉ thích em bé, con sẽ bị ra rìa đó". Bởi những câu trêu đùa này có thể trở thành bóng đen tâm lý, ảnh hưởng xấu tới tình cảm của đứa trẻ dành cho em bé.
Cha mẹ phải loại bỏ nỗi sợ hãi của đứa trẻ này bằng cách phân chia cân bằng thời gian và tình yêu thương cho các bé. Bên cạnh đó, hãy thường xuyên tâm sự với trẻ rằng em bé cũng yêu con, để gắn kết tình cảm tự nhiên giữa hai đứa trẻ.
- Dành thời gian yêu thương con
Nhiều người mẹ sau khi mang thai luôn cảm thấy mệt mỏi hoặc gặp khó khăn về tài chính mà bỏ bê con cái. Điều này vô tình khiến bé dễ hình thành suy nghĩ "Tại em mà bố mẹ mới không quan tâm mình". Biện pháp khắc phục là cha mẹ hãy dành thời gian cho con mỗi ngày. Bên cạnh đó, hãy chủ động duy trì những hoạt động thường làm cùng bé như bình thường, chẳng hạn đưa đón con đi học, hoặc kể chuyện mỗi đêm trước khi ngủ...
Nguồn: Sohu