Hồi năm ngoái, Nga không xa lạ gì với việc hợp tác phát triển vũ khí như tên lửa Brahmos và những lời đề nghị mua vũ khí trước khi chúng hoàn thành như dòng tiêm kích Su-57.
Ấn Độ đang tìm cách để trở thành đối tác xuất khẩu chính dòng xe tăng T-14 Armata của Nga bởi chúng đáp ứng các yêu cầu của chương trình xe tăng mới mang tên Future Ready Combat Vehicle (FRCV - tạm dịch: Xe chiến đấu sẵn sàng trong tương lai) của Ấn Độ.
Xe tăng T-14 Armata của Nga. Ảnh: The National Interest
Các xe tăng khác có thể cạnh tranh với Armata theo các yêu cầu hợp đồng của FRCV là K2 Black Panther của Hàn Quốc và BM Oplot của Ukraine. Hầu hết các xe tăng hiện tại của phương Tây như Leopard 2A7 và M1A2 Abram đều quá nặng đối với địa hình Ấn Độ.
Trong khi đó, mặc dù có ngành công nghiệp vũ khí đang phát triển nhưng Trung Quốc vẫn tiếp tục mua các thiết bị quân sự tiên tiến của Nga như Su-35S và S-400. Trung Quốc vẫn duy trì việc mua các thiết bị tiên tiến và đắt tiền từ Nga kể từ những năm 1990, sau đó kết hợp các tính năng của chúng vào các sản phẩm của mình, như đã làm với J-11B và HQ-9.
Do đó, Trung Quốc có thể sẽ cố gắng mua Armata - dù với số lượng hạn chế - để đánh giá chúng, áp dụng thêm công nghệ mà Bắc Kinh cho là tốt và có thể sản xuất phiên bản cạnh tranh với Armata để xuất khẩu.
Trong một diễn biến khác, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ hôm 30-9 bảo vệ quyền mua hệ thống phòng thủ tên lửa của Nga bất chấp đe dọa trừng phạt từ Mỹ.
Trong chuyến thăm Washington, Bộ trưởng Ngoại giao S. Jaishankar cho biết Ấn Độ đang thảo luận về những lo ngại của Mỹ nhưng từ chối dự báo quyết định cuối cùng về số phận của thương vụ mua S-400 từ Nga.
Theo nhà lãnh đạo Ấn Độ, nguồn vũ khí quân sự nước này mua là quyền của mình và Ấn Độ tự do lựa chọn. Ấn Độ hồi năm ngoái đã đồng ý mua 5 hệ thống S-400 của Nga với giá 5,2 tỉ USD và Nga khẳng định việc giao hàng đang đi đúng hướng.
Theo luật năm 2017, Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quốc gia mua số lượng vũ khí lớn của Nga vì Moscow bị Washington cáo buộc tham gia các hoạt động quân sự tại Ukraine và Syria, cũng như can thiệp cuộc bầu cử Mỹ hồi năm 2016.