“Con bài” củng cố sức mạnh của Hạm đội Thái Bình Dương

THÙY LINH |

Trong thời gian tới, Hạm đội Thái Bình Dương sẽ tiếp nhận thêm một đội tàu ngầm Đề án 677 lớp Lada. Những chiếc tàu ngầm với tốc độ di chuyển nhanh, ít gây tiếng ồn này sẽ làm nhiệm vụ bảo vệ căn cứ tàu ngầm mang tên lửa chiến lược tại bán đảo Kamchatka, miền Viễn Đông, Nga.

Chặng đường gập ghềnh

Các tàu ngầm diesel-điện đa nhiệm thuộc Đề án 677 là sự tiếp nối đội tàu thuộc Đề án 877 Halibut của Liên Xô. Những chiếc tàu ngầm Đề án 677 được phát triển vào cuối thế kỷ 20 tại Phòng thiết kế trung ương Rubin nhằm mục đích phá hủy tàu ngầm, tàu mặt nước của đối phương; bảo vệ các căn cứ hải quân và bờ biển; làm nhiệm vụ liên lạc và trinh sát.

Hiện nay, ngoài tàu ​​ngầm Saint Petersburg, tàu ngầm Kronstadt - con tàu thứ hai của Đề án 677 đang phải trải qua quá trình đánh giá trước khi được bàn giao chính thức.

Theo kế hoạch, Kronstadt sẽ được bàn giao cho Hải quân Nga trong năm tới. Trong khi đó, Velikie Luki - con tàu thứ ba của Đề án 677 sẽ được đưa vào không sớm hơn năm 2021.

Các tàu ngầm diesel- điện đa nhiệm thuộc Đề án 677 có chiều dài 66,8m, chiều rộng 7,1m và lượng giãn nước 1.800 tấn, có thể đạt tốc độ tối đa 21 hải lý/giờ. Ngoài ra, những chiếc tàu ngầm lớp Lada còn có thể hoạt động độc lập trong 45 ngày.

Mỗi chiếc tàu ngầm được trang bị 6 ống phóng ngư lôi cỡ nòng 533mm và 10 ống phóng tên lửa-ngư lôi. Năm 2008, một số nguồn tin cho biết, Hải quân Nga đã lên kế hoạch tiếp nhận 20 tàu ngầm lớp Lada.

Tuy nhiên, trong quá trình thử nghiệm, người ta đã phát hiện ra nhiều lỗi kỹ thuật nghiêm trọng ở tàu ​​ngầm Saint Petersburg-chiếc đầu tiên trong Đề án 677 lớp Lada.

Đó là một số vấn đề liên quan đến động cơ, hệ thống thông tin kiểm soát chiến đấu Litiy và hệ thống định vị thủy âm. Điều này khiến cho số phận của những chiếc tàu ngầm thuộc Đề án 677 lớp Lada trở nên mong manh.

Tuy nhiên, vào năm 2012, Bộ Quốc phòng Nga đã quyết định vận hành tàu ngầm Đề án 677 lớp Lada thông qua một dự án tu sửa nhằm loại bỏ các thiếu sót về kỹ thuật. Dẫu vậy, công tác trang bị động cơ đẩy không khí độc lập (AIP) cho 3 chiếc tàu ngầm đầu tiên thuộc Đề án này đã gặp thất bại.

Khi được trang bị động cơ này, tàu ngầm có thể hoạt động mà không cần nổi lên trên mặt nước để lấy không khí bên ngoài.

“Con bài” củng cố sức mạnh của Hạm đội Thái Bình Dương - Ảnh 2.

Tàu ​​ngầm Saint Petersburg-chiếc đầu tiên trong Đề án 677 lớp Lada. Nguồn: RIA.

Trong lịch sử của hạm đội tàu ngầm Nga, không phải chưa có chuyện những Đề án có vấn đề về kỹ thuật bị "đóng băng". Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định, về cơ bản, những thế mạnh mà tàu ngầm lớp Lada sở hữu lấn át các nhược điểm được coi là "bệnh trẻ em" của chúng.Nhỏ gọn, di chuyển nhanh, ít tiếng ồn

Khác với các tàu ngầm hạt nhân cỡ lớn, mũi tàu và đuôi tàu của tàu ngầm lớp Lada có hình cầu. Nhờ thiết kế này, tàu ngầm Đề án 677 nhỏ gọn hơn so với tàu ngầm Đề án 636.6. Khả năng tự động hóa cao cũng cho phép giảm số thành viên thủy thủ đoàn của tàu ngầm lớp Lada.

Nếu thủy thủ đoàn của của tàu ngầm Đề án 636.6 Varshavyanka gồm 56 thành viên thì trên tàu ngầm Đề án 677 lớp Lada chỉ cần 35 người phục vụ.

Điều quan trọng nhất là khả năng hoạt động yên tĩnh của tàu ngầm Đề án 677. Hầu như tất cả các bộ phận chuyển động của tàu đều được trang bị thiết bị bảo vệ âm thanh, giúp giảm tiếng ồn của tàu trong khi di chuyển.

Ngoài ra, người ta cũng bọc ngoài thân tàu lớp bảo vệ dày 40mm. Theo thông báo của Bộ Quốc phòng Nga, những chiếc tàu ngầm lớp Lada phát ra ít tiếng ồn hơn tàu ngầm Đề án 636.6 Varshavyanka, vốn được phương Tây gọi là "hố đen đại dương" do khả năng khó bị đối phương phát hiện.

Bảo vệ các "chiến lược gia"

Chức năng chính của các tàu ngầm trong Hạm đội Thái Bình Dương là bảo vệ các tàu ngầm mang tên lửa chiến lược, vốn được xem là một phần quan trọng của bộ ba hạt nhân Nga. Nhiệm vụ chính của Hạm đội Thái Bình Dương là tạo ra cơ hội cho các tàu ngầm đi vào những khu vực triển khai chiến đấu.

Các tàu ngầm diesel-điện nhẹ, di chuyển nhanh và ít tiếng ồn tốt hơn nhiều trong việc tuần tra vùng biển so với các tàu hạt nhân đa năng lớn.

Hiện nay, loại tàu ngầm diesel-điện chủ lực và duy nhất trong Hạm đội Thái Bình Dương là 7 chiếc tàu Đề án 877 Halibus, trong đó, chiếc "nhỏ tuổi" nhất trong số đã gia nhập Hạm đội Thái Bình Dương vào năm 1994. Vậy nên việc thay thế chúng bằng loạt tàu ngầm mới là một vấn đề có tầm quan trọng chiến lược.

Vũ khí chính của các tàu ngầm Đề án 677 là ngư lôi có cỡ nòng 533mm. Ngoài ra, tàu ngầm lớp Lada có thể phóng tên lửa hành trình của Kalibr và Onyx thông qua ống phóng ngư lôi và chiến đấu với đối phương bằng ngư lôi chống ngầm Squall.

Để phục vụ nhiệm vụ tìm kiếm và phát hiện tàu ngầm đối phương, tàu ngầm lớp Lada được trang bị hệ thống định vị thủy âm Lira với độ nhạy rất cao. Thiết bị này được đặt ở 3 vị trí là mũi tàu ngầm và hai bên thân tàu.

Do đó, các tàu ngầm lớp Lada có thể liên tục theo dõi những "thợ săn dưới nước" của đối thủ. Và trong trường hợp xảy ra xung đột, các tàu ngầm lớp Lada sẽ thực hiện những đòn tấn công chính xác và nhanh chóng để mở đường cho tàu ngầm hạt nhân chiến lược Borey và Kalmar vào Thái Bình Dương.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại