‘Cơn ác mộng’ của Elon Musk mang tên Cybertruck: Rủi ro vì quá khác biệt, trong 18 tháng xác định khó sinh lời

Vũ Anh |

Elon Musk hoàn toàn nhận thức được khó khăn.

‘Cơn ác mộng’ của Elon Musk mang tên Cybertruck: Rủi ro vì quá khác biệt, trong 18 tháng xác định khó sinh lời - Ảnh 1.

Jim Farley nhớ lại lần đầu tiên chiêm ngưỡng chiếc Tesla Cybertruck. Ford thống trị thị trường xe bán tải Bắc Mỹ nên vị giám đốc điều hành này rất tò mò muốn biết đối thủ của mình có ưu, nhược điểm gì.

“Cybertruck sinh ra vì nhiều lý do, phần lớn là để giảm số vốn đầu tư”, ông nói với Financial Times và cho biết thiết kế góc cạnh của Cybertruck giúp Tesla chế tạo mui xe chỉ từ một mảnh kim loại duy nhất. Điều này giúp hãng cắt giảm chi phí sản xuất đáng kể song lại “khó mở rộng quy mô”.

Elon Musk có vẻ đồng tình với quan điểm này. Đầu tuần, ông chủ Tesla đã cảnh báo về những thách thức to lớn trong việc hoàn thành sản lượng Cybertruck - mẫu xe vốn đã được ra mắt lần đầu tiên cách đây 4 năm.

Đợt giao hàng đầu tiên dự kiến diễn ra vào cuối tháng 11, qua đó thúc đẩy Tesla trực tiếp cạnh tranh với các đối thủ đáng gờm nhất của Ford, General Motors và Stellantis.

Theo nhà cung cấp dữ liệu Jato Dynamics, cứ 5 chiếc xe bán ra ở Mỹ và Canada thì 1 chiếc là xe bán tải. Một nửa trong số đó, khoảng 1,5 triệu xe, là xe bán tải “cỡ lớn”, chẳng hạn như Ford F-150 hay Silverado của Chevrolet.

Ngày Cybertruck ra mắt vào năm 2019, Elon Musk cho biết Tesla muốn “thử điều gì đó khác biệt”. Việc sản xuất được ấn định vào năm 2021 song đến tận đầu năm ngoái, báo cáo cho biết các kỹ sư vẫn đang phải vật lộn với những vấn đề tưởng chừng như rất “cơ bản”. Tesla từ chối bình luận vào thời điểm đó.

“Đó là một con quái vật ấn tượng”, Philippe Houchois, một nhà phân tích ô tô tại Jefferies, nói và cho biết hệ thống lái cho phép mẫu xe này chuyển làn ở tốc độ cao vẫn rất mượt mà. “Nó rất thoải mái”.

Theo ông Philippe Houchois, việc Tesla sử dụng các miếng kim loại đúc thay vì tận dụng máy ép đắt tiền là một trong những nguyên nhân khiến việc sản xuất bị trì hoãn.

“Khi cảnh báo về những khó khăn trong sản xuất, Musk đã làm rõ điều mà chúng tôi nghi ngờ từ lâu”, Houchois nói với Financial Times. “Một thứ gì đó quá khác biệt sẽ luôn đi kèm rủi ro. Đây có thể là một cơn ác mộng đối với việc sản xuất”.

Ngoài ra, việc Tesla thay đổi quy trình vào phút chót, đồng thời điều chỉnh mục tiêu về khối lượng hàng tuần khiến dự án bị chậm hơn dự kiến rất nhiều.

Elon Musk cho biết công ty đặt mục tiêu sản xuất khoảng 250.000 chiếc Cybertruck mỗi năm song không quá kỳ vọng sẽ đạt được tốc độ này cho đến năm 2025. Lượng đơn đặt hàng trước đang ở mức hơn 1 triệu. Để so sánh, Ford sản xuất hơn 1 triệu xe bán tải mỗi năm.

Theo các chuyên gia, nếu có thể chế tạo thành công Cybertruck, cơ hội cho Tesla là rất lớn. Kể từ khi ra mắt Model S vào năm 2012, doanh số bán hàng của hãng chủ yếu là sedan và SUV. Những chiếc xe bán tải mới chính là mỏ vàng.

“Thiết kế Cybertruck chịu ảnh hưởng một phần từ The Spy Who Loved Me. Khi còn là một đứa trẻ, tôi rất ngưỡng mộ khi nhìn thấy James Bond trong chiếc Lotus Esprit phóng xe từ trên bến tàu xuống nước, sau đó biến nó thành tàu ngầm chỉ với một nút bấm”, Elon Musk nói.

Được biết, Ford kiếm được phần lớn lợi nhuận từ xe bán tải, trong khi nhà máy ở Kentucky chuyên sản xuất Super Duty đem lại lợi nhuận cao nhất trên toàn bộ mạng lưới toàn cầu.

Tại thị trường béo bở này, cuộc đua điện khí hóa bắt đầu. Xe tải điện F-150 Lightning của Ford có giá khởi điểm từ 42.000 USD, trong khi General Motors tung ra mẫu Hummer chạy điện có giá khởi điểm từ 80.000 USD và nặng gần 5 tấn. Ram cũng đang lên kế hoạch cho 3 mẫu xe bán tải chạy điện mới từ năm tới, trong khi Stellantis kỳ vọng hãng có thể tăng gấp đôi doanh thu từ xe tải trong thập kỷ này. Ngành công nghiệp tin rằng những chiếc xe điện như Cybertruck sẽ mang lại nhiều khách hàng mới cho thị trường.

“Hơn 60% khách hàng của chúng tôi chưa bao giờ sở hữu xe bán tải trước đây. Chúng tôi đang thu hút được rất nhiều khách hàng mới”, RJ Scaringe, người sáng lập công ty khởi nghiệp EV Rivian cho biết.

Được biết, vỏ xe Cybertruck được làm từ thép không gỉ - chất liệu gần như chưa từng được sử dụng cho thân vỏ ô tô. Tesla theo đó phải tự sản xuất mới thay vì tận dụng bên cung ứng hay quy mô sản xuất sẵn có. Thêm vào đó, do thép không gỉ có đặc tính đàn hồi trở lại hình dạng nguyên bản, quá trình dập tạo hình vô cùng khó. Chưa kể kỹ thuật hàn cũng phải là loại đặc biệt.

Ngoài ra, các tấm thân bằng thép không gỉ rất khó sửa chữa và phục hồi sau biến dạng. Điều này đồng nghĩa với việc người dùng có thể buộc phải thay mới hoặc chấp nhận ‘sống chung với lũ’ nếu sở hữu Cybertruck. Xem xét tất cả những nhược điểm trên, ưu điểm của thép không gỉ dường như chưa thật sự tương xứng.

“Dù khó sản xuất đến đâu, tôi nghĩ ông ấy vẫn sẽ cố gắng bán tất cả những gì mình có thể sản xuất”, một giám đốc điều hành từng làm việc tại Ford nói về Cybertruck của Musk. “Ở California, mọi người đều muốn những thứ mới nhất, hấp dẫn nhất. Cybertruck sẽ thu hút nhiều sự chú ý hơn một chiếc Lamborghini”.

Tuy nhiên, vẫn có ý kiến cho rằng Cybertruck, sau khi chậm tung ra thị trường 4 năm, sẽ khó có thể sinh lời trong vòng 18 tháng từ khi lên dây chuyền sản xuất. Ứng phó với những khó khăn hiện nay, tỷ phú Musk cho biết chiến lược của công ty vẫn sẽ là giảm giá sản phẩm.

Kể từ đầu năm, Tesla đã khởi đầu một làn sóng giảm giá xe điện trên toàn cầu, ở mức 5.000 - 20.000 USD mỗi mẫu xe tại Mỹ và Trung Quốc. Elon Musk cũng bắt đầu tham gia quảng cáo để thúc đẩy doanh thu.

“Chúng tôi phải làm cho xe của mình có giá phải chăng nhất. Vấn đề chi phí có tầm quan trọng đặc biệt”, Elon Musk nói.

Theo: FT, Bloomberg

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại