Coi Vệ binh Cách mạng Iran là khủng bố: Mỹ tự 'vác đá đập chân mình'?

Minh Đức |

Động thái của Mỹ sẽ có những ảnh hưởng nào lên nền kinh tế Iran và chính bản thân nước Mỹ?

Mới đây, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã công bố kế hoạch chính thức coi Lực lượng vệ binh cách mạng hồi giáo (IRGC) của Iran là một tổ chức khủng bố nước ngoài (FTO) kể từ ngày 15/4.

Động thái chưa có tiền lệ trên đã vấp phải phản ứng quyết liệt từ giới phê bình cũng như chính phủ Iran. Về mặt thuật ngữ, khủng bố là những thực thể phi quốc gia – vì vậy đây cũng là lần đầu tiên trên chính trường quốc tế, quân đội của một chính phủ nước ngoài bị coi là một tổ chức khủng bố.

Trang CNBC đặt câu hỏi, quyết định của Mỹ có ảnh hưởng như thế nào tới nền kinh tế Iran, vốn đang phải đương đầu với rất nhiều khó khăn?

"Dưới tác động của các lệnh trừng phạt hiện thời, nhiều công ty phương Tây đã rút khỏi Iran, vì vậy sẽ hầu như ảnh hưởng sẽ không đáng kể", Sanam Vakil, một học giả cấp cao tại tổ chức Chatham House và hiện là phó giáo sư tại trường Johns Hopkins, nói.

Theo Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), năm ngoái, nền kinh tế Iran sụt giảm 1,5% và được dự đoán là tiếp tục thụt lùi 3,6% trong năm nay. Năm 2017, trước khi các lệnh trừng phạt được tái áp dụng do Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran hồi tháng 5/2018, Iran đạt mức tăng trưởng kinh tế lên tới 3,8%.

Vai trò của IRGC trong nền kinh tế Iran

Với khoảng 125.000 thành viên, IRGC bao gồm lực lượng mặt đất, trên không, tên lửa, hải quân và máy bay không người lái… Tuy nhiên, nó cũng hiện diện khá rõ nét trong lĩnh vực kinh doanh tại Iran. Được quyền tham gia vào các hoạt động thương mại, một số chuyên gia đánh giá, IRGC hiện kiểm soát 20% nền kinh tế đất nước.

Nhiều nhà phân tích nhận định rằng, việc coi IRGC là một tổ chức khủng bố, sẽ không có quá nhiều ảnh hưởng. Lạm phát và thất nghiệp đang tăng cao tại Iran, trong khi nền kinh tế bị tổn thương nặng nề bởi lệnh trừng phạt, quản lý kém và tình trạng tham nhũng.

Tuy nhiên, chủ nghĩa biểu tượng lại rất quan trọng ở đây. Chính quyền Trump gia tăng nỗ lực trong chiến dịch gây sức ép tối đa của mình, là do chính sách của họ vẫn chưa đạt được bất kỳ thay đổi nào trong thái độ của Iran.

Sanam Vakil

Xuất khẩu dầu mỏ - nguồn thu chủ chốt của Iran, đã giảm từ 2,5 triệu thùng/ngày trước khi ông Trump áp dụng trừng phạt, xuống còn hơn 1 triệu thùng/ngày ở thời điểm hiện tại.

"Tuy nhiên, chủ nghĩa biểu tượng lại rất quan trọng ở đây" Vakil cho biết. "Chính quyền Trump gia tăng nỗ lực trong chiến dịch gây sức ép tối đa của mình, là do chính sách của họ vẫn chưa đạt được bất kỳ thay đổi nào trong thái độ của Iran".

Trong những năm vừa qua, các hoạt động mà Iran đứng phía sau tại Trung Đông, bao gồm ủng hộ cho lực lượng nổi dậy Houthi tại Yemen và quân đội Tổng thống Bashar al-Assad tại Syria – chỉ có tiếp tục và không ngừng mở rộng.

Có điều gì mới?

Mặc dù vậy, động thái của Mỹ vẫn có một số thay đổi đáng chú ý. Theo Behnam Ben Taleblu, một chuyên gia về Iran và là học giả cấp cao tại Quỹ Quốc phòng vì các nền dân chủ tại Washington, điều quan trọng nhất của việc bị "gắn mác" FTO, chính là thi hành luật pháp.

Nó sẽ "mở rộng năng lực của Washington nhằm trừng phạt những thực thể cung cấp hỗ trợ vật chất cho IRGC… Ngân hàng, doanh nghiệp và các thể chế tài chính khác sẽ phải bước đi thận trọng hơn nữa nếu họ muốn tiếp tục giao dịch với Iran", Ben Taleblu nói với CNBC.

Trong thực tế, nằm trong danh sách FTO đồng nghĩa với việc, hỗ trợ vật chất cho IRGC sẽ bị coi là tội phạm. Nó cũng cho phép chính quyền Mỹ phát lệnh cấm nhập cảnh đối với bất kỳ ai có liên kết với IRGC.

Coi Vệ binh Cách mạng Iran là khủng bố: Mỹ tự vác đá đập chân mình? - Ảnh 2.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (trái) và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin công bố chi tiết các lệnh trừng phạt mới cho Iran tại Washington ngày 5/11/2018 (ảnh: Reuters).

Tiền lệ nguy hiểm

Đưa IRGC vào danh sách FTO là động thái mới nhất trong chiến dịch chống Tehran của chính quyền Trump. Mục tiêu chính của chiến dịch được cho là ép Iran phải ngồi vào bàn thương lượng và hủy bỏ chương trình tên lửa đạn đạo của mình, cũng như dừng ủng hộ cho các nhóm vũ trang thân cận tại khu vực.

Tuy nhiên, Matthew Levitt, giám đốc chương trình chống khủng bố và tình báo tại Viện Washington nhận định, "đó là một hành động mang ý nghĩa thông điệp mà không có nhiều giá trị thực tiễn".

Ông Levitt và nhiều chuyên gia e ngại, quyết định của Mỹ "có thể thúc đẩy các chính phủ khác noi theo và tự áp dụng các chuẩn mực của mình đối với các cơ quan của Mỹ hoặc các chính phủ khác".

Liệu có thực sự đạt kết quả?

"Thay vì thay đổi chính sách và cố gắng tìm một con đường tắt tạo không gian thương lượng với Iran, chính quyền Trump lại gắng sức gấp đôi với hy vọng rằng, gia tăng áp lực và trừng phạt sẽ tạo ra sự thay đổi nào đó tại đây", Vakil chỉ ra.

Chiến lược này có hiệu quả không thì còn cần phải xem xét. Tuy nhiên, theo Vakil, chiến dịch gây sức ép hiện tại chắc chắn sẽ không tạo ra một sự thay đổi trong cách cư xử. "Iran cũng đang cố gắng gấp đôi. Nếu chính quyền Trump muốn kết quả, họ cần phải tạo ra những con đường mới từ chiến lược có tổng bằng không này, chứ không phải là theo đuổi những gì lặp lại".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại