Các thế hệ khác nhau, bất kể già hay trẻ, đều rất khác nhau và đó là một phần của cuộc sống, tuy nhiên, những lời dạy cốt lõi về thành công thì vẫn luôn không thay đổi.
Tôi có hai con trai, một con gái và một vài cháu ngoại. Và tôi không có kế hoạch nghỉ hưu sớm. Trên thực tế, tôi vẫn đang điều hành công ty quản lý hàng tỷ đô la mà tôi đã gắn bó trong nhiều thập kỷ, đồng thời viết cuốn sách thứ mười ba của mình.
Vì không phải tất cả chúng ta đều có thể có được những trải nghiệm thực tế, nên đây là 7 bài học về cuộc sống và tiền bạc cần thiết mà mọi thanh niên cần biết:
1. Ăn trưa cùng người lão làng
Kiến thức về quá khứ sẽ giúp đỡ rất nhiều cho tương lai của bạn, đó là lý do tại sao tôi luôn nói với những người trẻ tuổi hãy tìm kiếm những người lớn tuổi nhất trong công ty của họ - hoặc những người đã làm việc ở đó lâu nhất – và mời họ ăn trưa. Nếu họ vẫn trụ vững ở công ty sau thời gian dài làm việc, họ phải có giá trị rất lớn với công ty và sẽ có thứ gì đó để chia sẻ với bạn.
Họ sẽ rất vui khi làm điều đó, vì thông thường sẽ chẳng có mấy ai muốn họ chia sẻ kinh nghiệm, câu chuyện của họ. Những câu chuyện của họ sẽ mang lại cho bạn sự đánh giá và cái nhìn sâu sắc khác về doanh nghiệp và ngành của bạn, nó cũng có nhiều giá trị hơn với bạn so với hầu hết các cuộc họp nhạt nhẽo và chỉ mang tính nghi thức mà bạn thường xuyên tham gia.
2. Đừng bao giờ gọi điện hoặc gửi email cho một người bận rộn vào sáng thứ Hai
Những người bận rộn bắt đầu công việc của họ trong cả tuần và người cuối cùng mà họ muốn nói chuyện là bạn - bởi lẽ bạn đại diện cho một người không đem lại hiệu quả gì cho họ, lãng phí thời gian của họ bất kể bạn xứng đáng như thế nào là.
Còn bạn, người đang háo hức với việc được nói chuyện với họ, sẽ chỉ làm phiền họ nếu bạn gọi điện cho họ ngay vào sáng thứ Hai.
Thay vào đó, hãy gọi vào chiều Thứ Ba, sau bữa trưa. Khi ấy, những người bận rộn sẽ chấp nhận những cuộc gọi này nhiều hơn vì họ đã bắt kịp được nhịp sống trong tuần.
3. Nếu bạn muốn khởi nghiệp...
Một số quy tắc quan trọng sẽ giúp bạn tiết kiệm rất nhiều thời gian và tiền bạc (ngay cả khi bạn không phải là một doanh nhân đầy tham vọng):
Hành động nhanh chóng. Quên kế hoạch kinh doanh. Tôi đã thấy vô số doanh nhân đầu tư hàng tháng trời vào nghiên cứu và bảng tính. Thay vào đó, hãy có một kế hoạch dài hai trang mà bà của bạn cũng có thể hiểu được. Sau đó lập tức bắt tay vào việc tiếp theo.
Ra khỏi đó và bán dịch vụ của bạn! Thu tiền. Kiếm một khách hàng, người sẽ ca ngợi bạn và đừng lo lắng quá nhiều về lợi nhuận bạn kiếm được. Nếu bạn có thể làm được điều này, bạn sẽ xác nhận được rằng ai đó trên thế giới thực sự muốn những gì bạn nghĩ rằng họ sẽ cần.
Bắt đầu khi còn trẻ. Mọi thứ trở nên khó hơn khi bạn già đi. Một số người rất hứng thú với ý tưởng kinh doanh riêng của mình, nhưng lại thiếu tự tin và nhiệt huyết nếu bắt đầu quá muộn, hoặc đơn giản là họ không thể chấp nhận rủi ro. Có thể bạn sẽ thất bại một vài lần, nhưng một doanh nhân chân chính sẽ luôn vượt qua.
Học về kế toán. Có một khóa học mà tôi tham gia tại Trường Harvard Extension School, và sau này tôi mới biết nó có ích ra sao, đó không phải là lớp học tài chính hay kinh tế - mà là khóa học đọc báo cáo kết quả kinh doanh và bảng cân đối kế toán. Khi có kiến thức về nó, bạn sẽ làm việc hiệu quả hơn khi giao dịch với nhân viên tài chính và trở nên đáng tin cậy hơn với các đối tác của mình.
4. Không phải mọi mối quan hệ đều tốt đẹp
Tôi đã học được thông qua những trải nghiệm không hề dễ dàng rằng luôn có những người sẽ chỉ "nhận lại và nhận lại", thay vì "cho đi và nhận lại", đặc biệt là thời gian của bạn. Nó giống như sở hữu một cổ phiếu mà bạn nghĩ là một ý tưởng hay khi mua, rồi bạn mua một số với giá 50 đô la, biết rằng nó nhất định sẽ đem lại cho bạn lợi nhuận.
Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, cổ phiếu bắt đầu đi xuống. Bạn ở lại với nó, cảm thấy nó không thể xuống dưới 45 đô la. Sau đó, ở mức 40 đô la, bạn không thể tin đó là một món hời nữa. Cuối cùng, ở mức 20 đô la, khi nó vẫn còn dấu hiệu tiếp tục đi xuống, bạn không thể đứng im được nữa và quyết định bán nó.
Bạn phải dám chấp nhận những mất mát của mình trong các mối quan hệ, dù nghe có vẻ hơi tàn nhẫn. Nhưng biết mặt trái của các mối quan hệ làm tiêu hao năng lượng và túi tiền của bạn có thể có lợi cho sức khỏe tinh thần của bạn.
5. Hỏi những câu hỏi phù hợp khi bạn phỏng vấn các cố vấn tài chính
Dưới đây là những câu hỏi hầu như chưa ai hỏi tôi. Và chúng là những câu hỏi quan trọng để hỏi bất kỳ ai có thể hướng dẫn bạn trong các vấn đề tiền bạc:
"Triết lý đầu tư của bạn là gì?" Nếu họ không thể nói rõ triết lý của mình trong một vài đoạn văn đơn giản, với những từ ngữ đơn giản, hãy bỏ qua và tiếp tục tìm kiếm người khác.
"Một trong những thành công lớn nhất của bạn trên thị trường là gì? Và quyết định đã đưa bạn đến với nó là gì? Bạn đã học được gì từ quá trình này?" Sau đó, hãy hỏi, "Còn một trong những sai lầm lớn nhất của bạn thì sao? Điều gì đã xảy ra và bạn học được gì từ nó?"
"Bản thân bạn làm chủ những gì? Bạn để tiền của bạn ở đâu?"
6. Chìm đắm trong vinh quang sớm muộn sẽ hạ gục bạn
Tôi từng đến trường đại học với một nhóm những đứa trẻ giỏi giang, những đứa trẻ thành công trên các lĩnh vực thể thao và trong cuộc sống xã hội của mình, thời điểm đó, chúng hoàn toàn thoải mái với ánh hào quang vượt trội tự nhiên của mình, với niềm tin rằng cuộc sống sau đại học sẽ vẫn là những bữa tiệc, là màu hồng.
Nhưng thực tế lại chứng mình ngược lại, tuổi trưởng thành được chứng minh là quá trình gây ra sự hết thất vọng này đến thất vọng khác. Chúng cảm thấy rất khó để làm mới lại bản thân.
Những vinh quanh hay lời khen ngợi bạn có trong giai đoạn đầu đời có thể đem lại cho bạn một cảm giác rất sai lầm rằng cuộc sống trưởng thành của bạn sẽ y như vậy. Nhưng thực tế thì không. Ngay từ khi còn nhỏ, cha tôi luôn dạy tôi rằng: "Chỉ cần nhớ rằng, cuộc sống thực sự khó khăn, nó chỉ đang bị ngắt quãng bởi những khoảnh khắc rực rỡ mà thôi."
7. Những khía cạnh "không liên quan lắm" trong cuộc sống của bạn có thể mở ra những cánh cửa mới
Tôi nhận được hàng trăm hồ sơ xin việc mỗi năm từ mọi người ở mọi lứa tuổi muốn nhận được tư vấn nghề nghiệp, hầu hết tất cả chúng đều chỉ bao gồm những thứ hoàn toàn đơn giản: Học vấn, công việc, quá khứ. Thật nhàm chán!
Một thanh niên trẻ tuổi, người cảm thấy mình không may mắn trong các cuộc phỏng vấn xin việc đã từng cho tôi xem sơ yếu lý lịch của cậu ấy. Nó trông ổn, nhưng hoàn toàn "không có sức sống". Tôi hỏi cậu ấy có theo đuổi sở thích nào không. "Tôi đai đen karate," cậu ấy trả lời.
Tôi đã yêu cầu cậu ấy thêm điều đó vào sơ yếu lý lịch của mình.
Trong vòng vài tuần, cậu ấy đã nhận được nhiều phản hồi và một số lời mời làm việc từ các CEO, những người mà trong các cuộc phỏng vấn với cậu ấy, đã dành phần lớn thời gian để hỏi về sự nỗ lực và kỷ luật cần có để lên được đai đen.
Bạn thấy đó, đôi khi những khía cạnh trông có vẻ như là không liên quan lắm trong cuộc sống của bạn không chỉ có thể nâng cao và làm phong phú thêm trải nghiệm của bạn mà còn có thể giúp mở ra những cánh cửa mới và khiến chúng luôn rộng mở.
Tác giả của bài viết là John D. Spooner, một nhà tư vấn quản lý tài sản và là tác giả bán chạy nhất của một số cuốn sách, bao gồm các cuốn sách như "Do You Want to Make Money or Would You Rather Fool Around?", "Confessions of a Stockbroker," and "No One Ever Told Us That: Money and Life Lessons to My Grandchildren."