Theo các nguồn tin thân cận với những người có mặt trong cuộc gặp, ông Bannon đã nói với Đại sứ Đức tại Washington Peter Wittig rằng Mỹ xem châu Âu là một cấu trúc hoàn thiện và ủng hộ mối quan hệ song phương với châu Âu.
Những người tiết lộ thông tin này yêu cầu được giữ bí mật danh tính do sự nhạy cảm của vấn đề.
Chính phủ Đức cũng như bản thân Đại sứ Wittig đều từ chối bình luận về thông tin nói trên.
Một quan chức Nhà trắng chia sẻ rằng cuộc gặp nói trên chỉ diễn ra trong vòng ba phút và các bên chỉ chào hỏi nhau.
Mối quan hệ giữa Mỹ và châu Âu trở nên rắc rối sau những phát biểu của ông Donald Trump ủng hộ việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU) và thực hiện những bước đi cụ thể nhằm gây mất ổn định trong khối.
Tại Brussels, ông Pence đã đưa ra thông điệp rằng: "Tổng thống Trump và tôi mong muốn được làm việc với các bạn và EU để làm sâu sắc hơn mối quan hệ về chính trị và kinh tế của chúng ta."
Châu Âu từng lo ngại rằng chuyến thăm của ông Pence sẽ mang đến thêm nhiều rắc rối cho EU trong nỗ lực đoàn kết các quốc gia trong khối, chống lại nguy cơ tan rã do phong trào dân tục chủ nghĩa và dân túy cánh hữu ở nhiều nước.
Trước các cuộc bầu cử sắp tới tại Hà Lan, Pháp và Đức, châu Âu hy vọng rằng Phó Tổng thống Pence cũng như Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis và Ngoại trưởng Rex Tillerson sẽ thuyết phục ông Donald Trump hợp tác một cách xây dựng với châu Âu.
Cựu Đại sứ Mỹ tại Washington và là Chủ tịch Hội nghị An ninh Munich Wolfgang Ischinger, đánh giá rằng nếu chính quyền mới tại Mỹ ủng hộ phong trào dân túy cánh hữu tại châu Âu trong các cuộc bầu cử sắp tới thì đó sẽ là một cuộc khủng hoảng lớn xuyên Đại Tây Dương./.