Có tiêm kích tàng hình F-35A, KQ Nhật bật vọt trước áp lực Trung Quốc

Trung tá Trịnh Ngọc Tiến - |

Việc Nhật Bản đưa vào biên chế những chiếc máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ 5 F-35A có góp phần nâng tầm KQ Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (JASDF) ngang bằng vớiKhông quân Trung Quốc (PLAAF)?

Thế chân kiềng trong khu vực

Không quân các Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (JASDF) hiện đang là một trong những lực lượng mạnh ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, có thể sánh ngang cùng với lực lượng không quân Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc và Mỹ. Hiện nay, JASDF hiện có khoảng 370 máy bay chiến đấu, gồm các máy bay thế hệ 3, 4 và một số máy bay thế hệ 5.

Xương sống hiện tại của JASDF đó là 200 máy bay chiến đấu phản lực siêu âm F-15J, đây là loại máy bay tiêm kích hạng nặng, hai động cơ, hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết.

Chủ yếu dùng để chiếm ưu thế trên không, ngoài ra còn có thể tiến công các mục tiêu mặt đất do hãng Mitsubishi Heavy Industries chế tạo theo công nghệ chuyển giao từ McDonnell Douglas/Boeing.

Bên cạnh đó, lực lượng phi công chiến đấu của Nhật Bản được đào tạo bài bản, có số giờ bay cao (tương đương với phi công máy bay chiến đấu Mỹ); họ lại thường xuyên được diễn tập với lực lượng không quân Mỹ, nên trình độ phi công chiến đấu Nhật Bản hiện đang đứng đầu khu vực.

Trước sự hiện đại hóa lực lượng không quân của Trung Quốc (và cả của Nga), lực lượng không quân chiến đấu của Nhật đang ngày càng gặp phải tình trạng lạc hậu về công nghệ. Nếu không có sự đầu tư thỏa đáng, JASDF sẽ tụt lại phía sau so với các đối thủ.

Lý do của các vấn đề trên là JASDF bị thiếu tiền; trong nhiều thập kỷ qua, Nhật Bản đều dựa vào lợi thế công nghệ để tạo ưu thế vượt trội của mình trước PLAAF (Nhật Bản thường coi trọng về chất lượng hơn số lượng).

Tuy nhiên tương lai sẽ là những thách thức nghiêm trọng, khi đối thủ của họ là lực lượng không quân Quân giải phóng Trung Quốc đang được cải tổ mạnh mẽ, tiếp tục được đầu tư lớn nên có những bước đại nhảy vọt, trở thành một lực lượng không quân mạnh trên thế giới.

Ngoài vấn đề về ngân sách, hiện tại JASDF cũng đang phải đối mặt với nhiều vấn đề nan giải như quy mô lực lượng so với đại kình địch PLAAF có sự chênh lệch lớn (tỷ lệ 1/4), thiếu phi công máy bay chiến đấu. Điều này đã làm giảm ưu thế trên không của Nhật Bản đối với Trung Quốc.

Có tiêm kích tàng hình F-35A, KQ Nhật bật vọt trước áp lực Trung Quốc - Ảnh 1.

Tiêm kích F-35 của Nhật Bản.

 Lực lượng máy bay chiến đấu của JASDF

Phi đội F-15J

Phi đội F-15J của JASDF đảm nhiệm phần lớn nhiệm vụ cả trong thời bình và thời chiến, như tuần tra không phận cũng như sẵn sàng ngăn chặn các mối nguy hiểm từ xa.

Sự gia tăng hoạt động của PLAAF và hoạt động của Không lực Nga ở không phận tiếp giáp Nhật Bản, làm cho nhiệm vụ phi đội F-15J trở nên quá tải. Nhất là trong thời gian gần đây, việc tranh chấp lãnh thổ giữa Nhật Bản và Trung Quốc tại quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư luôn ở trong tình trạng đối đầu căng thẳng.

Vơi thiết kế tin cậy và đã được kiểm chứng qua thời gian dài hoạt động. Phi đội F-15J vẫn là nhân tố cốt lõi trong lực lượng không quân Nhật Bản ít nhất là trong một thập kỷ tới.

Trong tương lai, với những nâng cấp mạnh mẽ về hệ thống radar, hệ thống cảm biến cũng như những ưu điểm có sẵn của F-15 như tải trọng lớn, tốc độ bay nhanh, mang được nhiều loại vũ khí. F-15J vẫn là địch thủ đáng gờm, nhất là khi tác chiến bên cạnh những máy bay chiến đấu thế hệ 5 có trong biên chế của JASDF và đồng minh Mỹ như F-35s, F-22.

Mặc dù Trung Quốc có đưa vào biên chế máy bay chiến đấu thế hệ 5 như J-20 hay J-31; thì sự kết hợp giữa phi đội F-15J và phi đội F-35A sẽ là sự răn đe trước bất kỳ mối đe dọa nào của khu vực.

Có tiêm kích tàng hình F-35A, KQ Nhật bật vọt trước áp lực Trung Quốc - Ảnh 2.

Tiêm kích F-15J của Nhật Bản.

 Phi đội F-2A

F-2A là máy bay tiêm kích được sản xuất bởi Mitsubishi Heavy Industries và Lockheed Martin cho lực lượng phòng vệ Nhật Bản. Đây là phi đội máy bay chiến đấu chiếm số lượng đông đảo thứ hai sau phi đội F-15J.

Được phát triển từ nguyên mẫu F-16 với chi phí lớn trong hơn một thập kỷ (bắt đầu từ tháng 7/1987, đưa vào sử dụng vào năm 2000), F-2A có hình dáng bên ngoài trông giống như chiếc máy bay chiến đấu F-16, nhưng với diện tích cánh lớn hơn 25%, lượng tiêu thụ nhiên liệu ít hơn và bộ khung có nhiều gia cố so với nguyên bản F-16.

Bên trong, F-2A được nâng cấp đáng kể so với chiếc F-16; nó được trang bị hệ thống điện tử do Nhật Bản phát triển bao gồm hệ thống radar AESA của hãng Mitsubishi. Tuy nhiên, chiếc F-2A lại cực kì đắt, và chỉ có 94 máy bay được sản xuất. Số lượng này không đủ để tạo ra lực lượng áp đảo so với loại J-10A/B (tương đương cùng tính năng) của người hàng xóm Trung Quốc.

Trong vai trò máy bay chiến đấu tầm gần, dẫu được Nhật Bản dày công nghiên cứu cải tiến từ nguyên bản F-16; nhưng F-2A thực sự chưa phải là đối thủ xứng tầm của dòng máy bay chiến đấu Su-27 Flanker mới nhất của Trung Quốc, thậm chí về hệ thống radar trang bị trên F-2A còn kém xa radar trên J-10B của Trung Quốc.

Phi công trên F-2A không được trang bị mũ bay có tích hợp màn hình hiển thị; đồng thời nó không được trang bị những thiết bị gây nhiễu đi kèm và mang theo ít vũ khí hơn so với dòng Su-27/ J-11. Kết quả là lực lượng phi đội F-2A của Nhật Bản hiện tại, dù có số lượng lớn, nhưng không thể đưa ra bất kỳ thách thức nào đối với người hàng xóm Trung Quốc.

F-2A không phải là lực lượng xương sống trong của sứ mệnh phòng không của JASDF, nhiệm vụ này thuộc phi đội F-15J. Tuy nhiên nó vẫn là đối thủ xứng tầm với những chiếc máy bay thế hệ 4 của Trung Quốc như J-10A/B, JH-7s và thậm chí là J-11, J-15 (phiên bản nhái của Su-27 của Nga). Nhất là khi nó tác chiến cùng với phi đội F-35A vừa mới được trang bị.

Phi đội F-4EJ

Nhật Bản là một trong số ít quốc gia còn đang tiếp tục khai thác những chiếc F-4EJ thế hệ 3 già cỗi. Mặc dù đã có những nâng cấp mạnh mẽ, nhưng thực sự những chiếc F-4EJ không phải là đối thủ của những máy bay chiến đấu thế hệ 4 như J-10A/ B, J-11, J-15 và sắp tới là J-20, J-31 của PLAAF.

Vấn đề cốt lõi là do tài chính hạn chế, nên Nhật Bản chưa thể loại biên những máy bay chiến đấu thế hệ 3 này. Lý do, nếu loại 42 chiếc F-4EJ hiện có trong biên chế, thì lực lượng máy bay chiến đấu của JASDF sẽ thiếu hụt nghiêm trọng so với người láng giềng khổng lồ Trung Quốc.

Tuy nhiên với những nâng cấp mạnh mẽ, những chiếc F-4EJ vẫn sẽ tiếp tục đảm nhiệm vai trò trinh sát, chống hạm và chống ngầm của JASDF cho đến khi nó được thay thế hoàn toàn bằng phi đội F-35A.

Tương lai nào cho JASDF?

JASDF sẽ tiến hành cải tổ mạnh mẽ để lấy lại vị thế như trước đây; đó là việc đầu tư phát triển phi đội máy bay chiến đấu thế hệ 5; trước mắt là trang bị máy bay chiến đấu F-35A.

Đồng thời tiếp tục đàm phán với đồng minh chiến lược Mỹ để có thể mua được máy bay chiến đấu tàng hình F-22 (mặc dù điều này khó trở thành hiện thực, do Mỹ cấm xuất khẩu các chiến đấu cơ F-22 Raptor ra nước ngoài).

Về nội lực, JASDF tận dụng công nghệ trong nước để phát triển máy bay chiến đấu Mitsubishi X-2 Shinshin thế hệ thứ 5. Từ khi chương trình F-2A tạm ngừng sản xuất năm 2009, Nhật Bản đã đặt trọng tâm phát triển máy bay chiến đấu X-2 với hy vọng nó sẽ là xương sống của JASDF trong tương lai.

Nguyên mẫu đầu tiên của X-2 đã tiến hành bay thử vào tháng 4/2016, X-2 sẽ được trang bị radar AESA tiên tiến, động cơ vector có lực đẩy lớn, cho máy bay khả năng siêu cơ động và mang được nhiều vũ khí hơn.

Nhưng với ngân sách giành cho quốc phòng chỉ chiếm 1% GDP, lại phải chia sẻ cho các lực lượng vũ trang của đất nước, thì dự án tự sản xuất máy bay chiến đấu thế hệ 5 của Nhật Bản khó trở thành hiện thực.

Tuy nhiên, Nhật Bản đang tích cực tìm kiếm đối tác quốc tế tiềm năng để hợp tác về động cơ, thiết kế khung máy bay và các khía cạnh khác để tiếp tục hoàn thiện chiếc X-2 của mình.

Điều thực tế nhất với không quân Nhật Bản hiện nay là tập trung ngân sách để phát triển phi đội F-35A, đây sẽ là con đường ngắn nhất giúp JASDF duy trì được sự cân bằng với PLAAF.

F-35 là một máy bay chiến đấu thế hệ 5 hiện đại, nhưng với lượng vũ khí mang theo có giới hạn và số lượng hạn chế nên chưa thể tạo thành thế áp đảo. Ngay cả khi kết hợp với lực lượng F-15J hiện có thì F-35A cũng không phải là một sự lựa chọn hoàn hảo cho JASDF.

Nói một cách đơn giản, JASDF cần một loại máy bay chiến đấu với sự vượt trội về công nghệ để có đủ khả năng ngăn chặn và làm chủ trên không trước các mối đe dọa từ PLAAF. Đây cũng là lý do tại sao Nhật Bản rất quan tâm đến việc mua F-22 từ đồng minh Mỹ.

Theo giới chức quân sự Nhật Bản, sức ép thay thế phi đội F-15J đang trở nên gay gắt hơn bất cứ lúc nào, do thách thức từ sự trỗi dậy mạnh mẽ của người láng giềng khổng lồ Trung Quốc. Điều này sẽ thúc đẩy JASDF sẽ phải tính đến phương án nhanh chóng tìm một loại máy bay thay thế hoặc tiếp tục kéo dài tuổi thọ của những chiếc F-15J.

Tuy nhiên với ngân sách quốc phòng bị giới hạn bởi Hiến pháp, giới lãnh đạo quân sự Nhật Bản thực sự lâm vào cảnh "lực bất tòng tâm" khi mà ngân sách không có khả năng đáp ứng. Điều này làm cho tham vọng trở thành một thế lực ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương của JASDF khó trở thành hiện thực.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại