Có kết quả bầu cử Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ lập tức "chào tạm biệt" S-400?

Trương Mạnh Kiên |

Dù là Donald Trump hay Joe Biden thắng cử, số phận S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ đã được định đoạt theo cách u ám.

Thử nghiệm trùng hợp

Việc Thổ Nhĩ Kỳ thử nghiệm hệ thống tên lửa phòng không S-400 gần đây có thể khiến nước này phải hứng chịu các lệnh trừng phạt sau khi bầu cử Mỹ kết thúc, tờ Ahval News nhận định.

Vào giữa tháng 10, Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn thử S-400 ở Biển Đen, bất chấp những cảnh báo lặp đi lặp lại từ Washington trong hơn một năm qua đi kèm yêu cầu không được kích hoạt hệ thống.

Một quan chức bộ Ngoại giao Mỹ gần đây nhấn mạnh, quyết định loại bỏ Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi chương trình phát triển tiêm kích tàng hình F-35 không đơn giản chỉ là hình phạt duy nhất mà Ankara phải đối mặt khi mua S-400 của Nga. Ông cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ có thể bị cấm mua thêm vũ khí từ Mỹ.

Thổ Nhĩ Kỳ có thể đã tính toán thời gian thử nghiệm S-400 gần với cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sau khi trì hoãn do dịch bệnh Covdi-19 hoành hành. Tổng thống Mỹ Donald Trump cho đến nay đã tìm cách tránh áp đặt bất kỳ lệnh trừng phạt nào lên Ankara.

Nhưng hiện tại, cho dù ông Trump có tái đắc cử trong tháng này hay không, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn sẽ đối mặt với áp lực gia tăng từ Mỹ.

Eric Edelman, cựu đại sứ Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ, nói rằng mặc dù rất khó để biết chắc chắn liệu Thổ Nhĩ Kỳ có cố tình chọn thử nghiệm S-400 trước cuộc bầu cử hay không, nhưng có vẻ như Ankara muốn tận dụng thời điểm nước Mỹ phân tâm bởi các sự kiện chính trị nội bộ.

Trong trường hợp ông Trump đắc cử, nhà lãnh đạo này sẽ gặp khó khăn hơn nhiều trong việc lảng tránh trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ.

“Dù là ai chiến thắng thì cũng không tránh khỏi sức ép buộc phải trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ vì thỏa thuận S-400 và các chính sách tranh cãi của nước này ở Libya, Đông Địa Trung Hải cũng như Nam Caucasus”, Edelman nói với Ahval News.

Có kết quả bầu cử Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ lập tức chào tạm biệt S-400? - Ảnh 1.

Thổ Nhĩ Kỳ có thể nếm đòn trừng phạt ngay sau bầu cử Mỹ.

Nếu Joe Biden thắng cử, nhân vật này sẽ ít do dự hơn trong việc áp đặt các biện pháp trừng phạt.

Nicholas Danforth, thành viên cấp cao tại Quỹ Marshall của Đức, tin rằng nếu ông Biden thắng cử, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ "gần như chắc chắn chịu lệnh trừng phạt CAATSA" trong khi chính quyền mới của ông Trump cũng không thể chậm trễ trong việc áp đặt các lệnh trừng phạt.

Nhà phân tích chính trị Ali Bakeer ở Ankara tin rằng thời điểm thử nghiệm S-400 có thể đã được tính toán đúng vào thời điểm bầu cử Mỹ “để giảm thiểu bất kỳ nguy cơ phản ứng nào và để kiểm tra xem Washington có nghiêm túc trong việc thu hẹp khoảng cách quan hệ hai nước hay không”.

Nếu tái đắc cử, Bakeer nghi ngờ rằng ông Trump sẽ phải đối mặt với áp lực ra quyết định trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ nhiều hơn.

Nếu Biden đắc cử, Bakeer thấy trước viễn cảnh Thổ Nhĩ Kỳ phải đối mặt với một số áp lực từ Mỹ do một số "tuyên bố thù địch" gần đây của ông. Tuy nhiên, từng là người làm việc ở Phòng Bầu dục, Biden có thể sẽ thay đổi ý định “khi biết rằng Washington rất khó xoay xở trong khu vực nếu không có một đồng minh mạnh mẽ như Thổ Nhĩ Kỳ”.

Bakeer cho biết vẫn còn cơ hội nhỏ để Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ giải quyết bế tắc S-400 nhưng nhấn mạnh rằng Mỹ phải “thể hiện ý chí nghiêm túc và chân thành để đạt được một giải pháp hợp lý”.

Cấm vận vũ khí

Có kết quả bầu cử Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ lập tức chào tạm biệt S-400? - Ảnh 2.

Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là kẻ ngáng đường đối với chính quyền của Joe Biden?

Về phần mình, Edelman cho biết ông không chắc liệu việc Thổ Nhĩ Kỳ kích hoạt và triển khai đầy đủ S-400 trong tương lai gần có thể dẫn đến lệnh cấm vận vũ khí hoàn toàn của Mỹ theo kiểu mà Washington từng áp đặt với Ankara sau chiến dịch ở Bắc Síp năm 1974 hay không.

Vào thời điểm đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã phản ứng bằng cách từ chối cho Mỹ tiếp cận căn cứ không quân İncirlik và các căn cứ quân sự quan trọng về mặt chiến lược khác trên lãnh thổ.

Bakeer nghi ngờ mối quan hệ sẽ xấu đi theo kịch bản như vậy bởi cả hai bên đều có quá nhiều thứ để mất.

“Tôi không thấy lệnh cấm vận vũ khí sắp tới, nhưng chúng ta không nên quên rằng quan điểm kiên định của Mỹ khi không bán máy bay không người lái cho Thổ Nhĩ Kỳ đã biến Ankara trở thành nhà sản xuất máy bay không người lái hàng đầu thế giới hiện nay”, chuyên gia Bakeer nêu quan điểm. “Mỹ nên cân nhắc rằng bất kỳ biện pháp nghiêm trọng nào chống lại Thổ Nhĩ Kỳ bởi điều đó sẽ đưa nước này hướng tới Nga nhiều hơn, điều vốn sẽ không tốt cho cả Washington và Ankara”.

Nicholas Heras, Giám đốc Quan hệ Chính phủ tại viện Nghiên cứu Chiến tranh, tổng kết mối quan hệ Mỹ-Thổ ngày nay đang trong "tình trạng khủng hoảng".

“Lý do duy nhất khiến họ không chìm xuống vực thẳm là mối liên hệ cá nhân chặt chẽ giữa Trump và Erdoğan”, ông nói với Ahval. "Thổ Nhĩ Kỳ đã dựa vào mối quan hệ giữa hai tổng thống để ngăn chặn lệnh trừng phạt".

Trong khi chính quyền Biden muốn củng cố NATO, chuyên gia Heras nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã làm cho liên minh trở nên yếu hơn. “Ông Erdogan sẵn sàng trở thành một người ngáng đường sẽ ám ảnh chương trình nghị sự đầy tham vọng của chính quyền Biden nếu ông này thắng cử”, Heras nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại