Cơ hội nào cho Type-052C khi tàu Shivalik Ấn Độ tấn công?

Tuấn Vũ |

Nếu như tàu khu trục Type-052C được coi là chiến hạm trụ cột của Hải quân Trung Quốc thì Shivalik của Ấn Độ là đối trọng đáng gờm.

Tàu khu trục Shivalik (Project 17) là dự án đóng tàu khu trục nhỏ có khả năng tàng hình, hệ thống điện tử, vũ khí tiên tiến. Tàu này sẽ là lực lượng nòng cốt của Hải quân Ấn Độ trong nửa đầu thế kỷ 21.

Dự án được Chính phủ Ấn Độ phê duyệt vào năm 1997. Công việc bắt tay vào đóng mới được thực hiện vào năm 2001.

Như vậy, cả hai dự án phát triển tàu khu trục trọng điểm của Trung Quốc và Ấn Độ đều có cùng thời gian triển khai tương tự nhau. Tuy nhiên, Trung Quốc chỉ mất 2 năm để hoàn thành chiếc tàu khu trục Type-052C đầu tiên.

Trong khi đó, Ấn Độ phải mất gần 10 năm mới đưa con tàu đầu tiên của lớp này đi vào hoạt động. Điều đó khiến giới quân sự thế giới hoài nghi về chất lượng chiến hạm Trung Quốc – (vì chúng được phát triển quá nhanh).

Cơ hội nào cho Type-052C khi tàu Shivalik Ấn Độ tấn công? - Ảnh 1.

Chiến hạm Type 052C.

Về phía Ấn Độ, sự chậm trễ của dự án là do phía đối tác (Nga) chậm trễ trong việc giao thép cường độ cao D-40S.

Bên cạnh đó, các kỹ sư Ấn Độ phải sửa đổi thiết kế vũ khí trên tàu để phù hợp với tình hình mới. Ngoài ra, dự án còn vướng mắc một số vấn đề pháp lý với Mỹ liên quan tới một số thiết bị sử dụng trên tàu.

Dù bị chậm tiến độ, song Shivalik được đánh giá là một lớp tàu đẳng cấp với khả năng tàng hình, hệ thống điện tử đa năng hiện đại, hệ thống vũ khí tấn công phòng thủ cực mạnh. Dự kiến, 12 chiếc loại này sẽ trở thành trụ cột cho Hải quân Ấn Độ.

Thiết kế

Điểm đặc biệt của Project 17 là toàn bộ hình dáng khí động học của tàu đều do các kỹ sư của Hải quân Ấn Độ nghiên cứu, thiết kế.

Tàu mang một lối thiết kế rất hiện đại với khả năng tàng hình cao, một xu thế đang thịnh hành trong phát triển các tàu chiến hiện nay trên thế giới.

Tàu khu trục Shivalik có thiết kế khí động học hiên đại. Thông số cơ bản: dài 142,5m, rộng 16,9m, mớn nước 4,5m, tải trọng tiêu chuẩn 4.900 tấn, đầy tải 6.200 tấn, thủy thủ đoàn 257 người trong đó có 35 sĩ quan.

Tính năng tàng hình của tàu dựa trên thiết kế khí động học ưu việt cùng với hệ thống che chắn hồng ngoại và hệ thống triệt tiêu âm thanh của động cơ làm cho tàu khó bị phát hiện bởi các khí tài trinh sát.

Khả năng tàng hình của Shivalik được đánh giá là ngang bằng với tàu khu trục nhỏ Visby của Thụy Điển và Lafayette của Pháp. Thậm chí, mức độ bộc lộ bức xạ hồng ngoại của Shivalik còn thấp hơn 2 loại tàu chiến nói trên.

Trong khi đó, tàu khu trục Type-052C gần như không có khả năng tàng hình, mức độ bộc lộ bức xạ hồng ngoại và bức xạ điện từ được coi là tử huyệt của tàu này.

Giới quân sự Ấn Độ đã nghiên cứu và đánh giá khả năng đánh chìm tàu khu trục Type-052C gần như 100% ngay sau loạt bắn đầu tiên.

Cơ hội nào cho Type-052C khi tàu Shivalik Ấn Độ tấn công? - Ảnh 2.

Tàu khu trục Shivalik (Project 17).

Hệ thống điện tử

Hệ thống điện tử trên tàu Shivalik được đánh giá hiện đại hàng đầu thế giới.

Tàu sử dụng hệ thống điện tử kết hợp giữa Nga, Ấn Độ và phương Tây gồm: radar tìm kiếm mục tiêu trên không 3 tọa độ MR-760 Fregat M2EM 3-D, 4 x MR-90 Orekh radar tìm kiếm mục tiêu trên không và mặt nước cho pháo hạm và hệ thống tên lửa đối không do Nga chế tạo;

Radar giám sát trên không tầm xa và cảnh báo mối đe dọa ELTA EL/M 2238 STAR; 2 hệ thống radar dẫn hướng cho tên lửa và pháo hạm ELTA EL/M 2221 STGR, (2 loại radar này do tập đoàn IAI của Israel phát triển).

Hệ thống tác chiến điện tử Aparna do Bharat Electronics của Ấn Độ sản xuất.

Để trinh sát các mục tiêu dưới nước, tàu được trang bị hệ thống sonar mảng pha gắn ở thân tàu HUMSA và sonar mảng pha kéo theo ATAS Sintra do tập đoàn Thales của Pháp phát triển.

Đặc biệt, nhờ sử dụng hệ thống che chắn hồng ngoại IRSS do Davis Engineering của Canada phát triển, tàu khu trục Shivalik có bộc lộ bức xạ hồng ngoại cực thấp.

Hệ thống che chắn hồng ngoại IRSS của Canada được đánh giá là hệ thống che chắn hồng ngoại hàng đầu thế giới hiện nay. Ngoài Nga, Mỹ, Pháp không một quốc gia nào có hệ thống che chắn hồng ngoại hiệu quả như vậy.

Việc đưa vào sử dụng hệ thống che chắn hồng ngoại "hiện đại" này từng vấp phải sự phản đối từ phía Mỹ, điều này đã góp phần làm chậm tiến độ của chương trình.

Ngoài ra, tàu còn được trang bị hệ thống dữ liệu chiến đấu CMS-17 do Ấn Độ phát triển, hệ thống liên kết dữ liệu tích hợp AISDN-17.

Hê thống này kết nối tất cả các thiết bị trên tàu thông qua hệ thống cáp quang tốc độ cao dưới dạng Gigabit Ethernet. Nhờ vậy, khả năng phản ứng và xử lý các tình huống của tàu được nâng lên đáng kể.

Trong khi Trung Quốc lựa chọn giải pháp sao chép không giấy phép các hệ thống điện tử, vũ khí của các quốc gia nước ngoài nhằm đẩy nhanh tốc độ hiện đại hóa trang thiết bị quân sự, Ấn Độ lựa chọn giải pháp mua hẳn thiết bị hoặc chế tạo theo giấy phép.

Điều này dẫn đến sự chậm trễ và tốn kém nhưng bù lại chất lượng của các hệ thống này tương đương với các hệ thống tại quốc gia chuyển giao công nghệ và tất nhiên vượt trội so với các hệ thống tương tự của Trung Quốc.

Hệ thống vũ khí

Sức mạnh của tàu Shivalik là kết hợp giữa các hệ thống vũ khí đến từ Nga, Italy, Israel, và Ấn Độ gồm: Pháo hạm Otobreda 76mm do Italy sản xuất, đây là loại pháo cao tốc (tốc độ bắn trung bình 85-120 phát/phút).

Hệ thống tên lửa đối không tầm trung đa kênh Shtil-1 với tầm bắn 30km, bố trí ở phía trước mũi tàu, cơ số 24 tên lửa

Hệ thống tên lửa đối không tầm thấp kiêm phòng thủ tầm cực gần Barak-1 do Israel chế tạo. Hai pháo cao tốc AK-630 do Nga chế tạo. Hai hệ thống phóng rocket chống ngầm RBU-6000, 2x2 ống phóng ngư lôi DTA-53-965.

Đặc biệt, tàu khu trục Shivalik có khả năng chống hạm mạnh mẽ nhờ vào hệ thống phóng thẳng đứng (VLS) với 8 tên lửa hành trình chống tàu Klub-N hoặc 8 tên lửa chống tàu siêu thanh BrahMos.

Những tên lửa chống hạm có khả năng phóng thẳng đứng luôn có nhiều lợi thế trong việc tấn công mục tiêu so với các tên lửa đặt trong ống phóng nghiêng. Với tốc độ siêu âm của BrahMos, hầu hết các hệ thống phòng thủ trên chiến hạm đều trở nên vô dụng.

Xét về khả năng chống ngầm, Shivalik cũng rất mạnh mẽ. Ngoài hệ thống sonar gắn trên thân tàu và sonar kéo theo, tàu còn được hỗ trợ bởi 2 trực thăng chống ngầm hoặc HAL Dhruv hoặc Sea King. Ngoài ra, tàu cũng có thể được triển khai 2 chiếc Ka-31 của Nga.

Trong khi đó, khả năng chống ngầm của tàu khu trục Type-052C khá hạn chế, các hệ thống tác chiến chống ngầm được trang bị trên tàu chỉ mang tính chất phòng vệ. Dù có kích thước lớn hơn song tàu khu trục Type-052C chỉ có thể mang theo 1 trực thăng chống ngầm.

Tuy rằng, tàu khu trục Shivalik không có khả năng phòng không hạm đội như tàu khu trục Type-052C của Trung Quốc, tuy nhiên, trong cuộc chiến trên biển, khả năng phòng không tầm xa chỉ mang tính chất răn đe và cảnh báo hoặc để tấn công các mục tiêu có giá trị như máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm của đối phương.

Một khi đối phương đã vượt qua được hệ thống phòng không tầm xa thì những hệ thống phòng không tầm trung mới chính là nhân tố để quyết định sự sống còn của tàu chiến và đó chính là thế mạnh của Shivalik.

Hệ thống động lực

Hệ thống động lực trên tàu khu trục Shivalik kết hợp giữa động cơ diesel và động cơ tuabin khí, thường được gọi là hệ thống động lực CODOG. Hệ thống này gồm 2 động cơ diesel Pielstick 16 PA6 STC công suất 7600 mã lực, 2 động cơ tuabin khi GE LM2500 công suất 33.600 mã lực.

Với hệ thống động lực này, tàu khu trục Shivalik đạt tốc độ tối đa 32 hải lý/h, tốc độ trung bình 22 hải lý/h.

Xét về khả năng, nhiệm vụ, tàu khu trục Type-052C thiên về khả năng phòng không cấp hạm đội. Điều đó khiến nó dễ bị tổn thương trước một cuộc chạm trán với những tàu khu trục nhanh nhẹn, tàng hình và có khả năng tấn công mạnh mẽ như Shivalik.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại