Cuộc đua mới tại Ấn Độ
Tập đoàn chế tạo máy bay MiG của Nga sẽ chào bán mẫu máy bay chiến đấu MiG-35 mới nhất cho Bộ Quốc phòng Ấn Độ để cạnh tranh trong gói thầu cung cấp máy bay tiêm kích mà New Delhi dự định công bố trong thời gian tới.
Trước đó vào năm 2015, Ấn Độ đã từ chối mẫu MiG-35 và lựa chọn mẫu Rafale của Pháp. Hiện nay, Không quân Ấn Độ đang chuẩn bị mở gói thầu mới để thay thế cho khoảng 200 chiếc MiG-21 và MiG-27.
MiG-35 sẽ tiếp tục cuộc đua tại Ấn Độ?
Ngoài Tập đoàn MiG, thư mời thầu còn bao gồm Tập đoàn Saab của Thụy Điển với mẫu JAS-39E/F Gripen NG và Tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ với phiên bản F-16IN Block 70 dành riêng cho Ấn Độ. Yêu cầu chính dành cho các ứng viên là phải tối ưu hóa việc chế tạo máy bay tại Ấn Độ.
"Tập đoàn chế tạo máy bay thống nhất (UAC) và Tập đoàn MiG sẽ cùng tham gia vào cuộc cạnh tranh sắp tới. Hiện vẫn phải chờ các thông số kỹ thuật chính thức và thư mời từ phía Ấn Độ. Sau đó chúng tôi sẽ chuẩn bị và gửi cho New Delhi bộ tài liệu cùng với lời đề nghị" - nguồn tin từ UAC cho biết.
Phía tập đoàn Rosoboronexport (Nga) từ chối đưa ra bình luận, Bộ Quốc phòng Ấn Độ cũng không xác nhận về vấn đề này.
Theo tờ Izvestia, New Delhi hiện đang hoàn thiện các thông số kỹ thuật yêu cầu để chuyển tới những công ty tham gia. Các nguồn tin quân sự và ngoại giao cho hay, đại diện của Ấn Độ đã đến Nga vào mùa hè năm nay để nghe mô tả chi tiết về mẫu MiG-35 mà UAC sẽ đưa đến dự thầu.
Nguồn tin này cho biết thêm rằng, Nga đã chuyển cho Ấn Độ danh sách mở rộng các thiết bị và vũ khí, bao gồm cả hệ thống tác chiến điện tử, hệ thống ngắm quang điện, các loại vũ khí hàng không (gồm tên lửa không đối không, không đối đất và bom có độ chính xác cao).
MiG-35 sẽ chuyển bại thành thắng?
Tất cả các đối thủ trong gói thầu sắp tới của Ấn Độ đã từng "chạm mặt" trong giai đoạn 2000 - 2015, khi Ấn Độ mở thầu mua 126 máy bay chiến đấu trị giá 10 tỷ USD.
Trong quá trình đấu thầu "dài hơi" này, MiG-35 đã vượt qua 2 đối thủ F-16IN và Gripen NG nhưng đã để thua trước mẫu Rafale của Pháp.
Tuy nhiên, với New Delhi thì đây có thể được coi như là một chiến thắng kiểu Pyrros (thành ngữ chỉ thắng lợi nhưng với tổn thất cao). Do giá thành quá cao mà Ấn Độ không thể mua được 100 chiếc Rafale và con số này chỉ dừng lại ở 36.
Ngoài ra, nước này cũng không được tập đoàn Rafale hứa hẹn về việc chuyển giao công nghệ cũng như cho phép chế tạo tại Ấn Độ.
Tổng biên tập tạp chí Arms Export, ông Andrey Frolov cho biết, thông báo đấu thầu mới có thể là sự ngầm thừa nhận rằng, việc "thay máu" phi đội già cỗi của Không quân Ấn Độ đã không được giải quyết.
Cũng theo ông Frolov, kết quả của gói thầu mới rất khó dự đoán và như lần trước, nó có thể kéo dài hơn thập kỷ. Có những khó khăn riêng với từng ứng viên tham gia dự thầu.
Phía Thụy Điển thì sẵn sàng chia sẻ công nghệ của chiếc Gripen, tuy nhiên mẫu máy bay này lại có nhiều thiết bị nguồn gốc đa dạng. Các thành phần chính xuất xứ từ Mỹ và châu Âu cần phải đàm phán riêng rẽ nếu muốn chế tạo tại nước thứ ba.
Máy bay chiến đấu JAS-39E/F Gripen NG.
Một vấn đề khác với chiếc Gripen như báo chí Thụy Điển đã đưa tin, đó là Tập đoàn Saab đã buộc phải tháo các linh kiện từ những chiếc Gripen của không quân nước này để lắp lên những chiếc máy bay mới sản xuất, gây ra bê bối lớn.
"Với chiếc F-16 của Mỹ thì mọi việc dễ dàng hơn" ông Frolov nói. Dây chuyền chế tạo mẫu máy bay này ở Mỹ sẽ dừng vào năm 2017 và trên lý thuyết, nước này có thể chuyển nó đến Ấn Độ.
Phiên bản F-16IN Block 70 được Mỹ chào bán cho Ấn Độ.
Tuy nhiên, trên thực tế, người Mỹ không bao giờ chuyển giao hết công nghệ chế tạo vũ khí và thiết bị quân sự của họ cho bất kỳ nước nào. Đặc biệt là các thiết bị trên phiên bản F-16 Block 52 mới nhất, bao gồm radar mảng pha chủ động (AESA) nằm trong thiết kế của các mẫu máy bay hiện đại ngày nay.
Người đứng đầu trung tâm nghiên cứu chiến lược Nga - ông Ivan Konovalov tin rằng MiG-35 là loại máy bay duy nhất không có bất cứ vấn đề gì với Ấn Độ.
"Mẫu máy bay này đã tham gia đợt đấu thầu trước và cho thấy kết quả tuyệt vời" ông Konovalov nói.
Theo ông Konovalov, MiG-35 đã thua trước Rafale vì lý do chính trị hơn là kỹ thuật. Lý do chính thức dẫn tới việc lựa chọn máy bay Pháp là theo luật pháp Ấn Độ, quân đội nước này không thể mua vũ khí và thiết bị quân sự từ một nhà cung cấp duy nhất.
Và tại thời điểm đó, Nga đã ký hàng loạt hợp đồng quan trọng cung cấp cho Ấn Độ các máy bay Su-30MKI và máy bay chiến đấu trên hạm MiG-29K/KUB.
Theo ông Konovalov, Nga là quốc gia duy nhất sẵn lòng chia sẻ công nghệ cao với các đối tác.
"Trước đây, Liên Xô đã chuyển giao cho Ấn Độ dây chuyền chế tạo MiG-27 và Ấn Độ vẫn tiếp tục xuất xưởng mẫu máy bay này kể cả khi Nga ngừng sản xuất" - ông Konovalov nhấn mạnh.