Năm 1988, lần đầu tiên máy bay chiến đấu của Không quân Nhân dân Việt Nam bay ra Trường Sa. Kể từ đó cho đến nay, hoạt động bay tuần tra biển đảo của lực lượng không quân được tổ chức thường xuyên, liên tục, cũng từ đó đặt ra vấn đề phải đảm bảo thông suốt thông tin liên lạc giữa sở chỉ huy với các máy bay chiến đấu đang làm nhiệm vụ.
Biên đội Su-30MK2 của Việt Nam trong một bài bay tuần tra - huấn luyện
Đại tá Nguyễn Anh Sơn - Nguyên Chủ nhiệm bay Lữ đoàn Không quân Vận tải 918 cho biết: "An-26 tuần tiễu, trinh sát, chụp ảnh, quay video, tiếp tế và thậm chí là chuyển tiếp chỉ huy. Khi các loại máy bay Su bay tuần tiễu thì chúng tôi phải làm sở chỉ huy trên không".
Đại tá Hà Đức Tuế - Nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn Không quân Vận tải 918 thông tin thêm: "Máy bay An-26 có thể nói như là một cái sở chỉ huy cơ động trên không, thực hiện các nhiệm vụ chuyển tiếp chỉ huy, hoặc là truyền mệnh lệnh của người chỉ huy đến các máy bay tiêm kích đang bay ở vùng biển xa, hoặc đứng ở vị trí không thể liên lạc được về với đất liền".
Máy bay vận tải An-26 cất cánh làm nhiệm vụ
Bay chuyển tiếp thông tin trên không là một nhiệm vụ quan trọng mà máy bay An-26 đã đảm nhiệm trong một thời gian dài.
Theo Đại tá Chu Văn Hải - Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn Không quân Vận tải 918: "Trong tất cả những chiến dịch, những cuộc diễn tập, những đợt bay cấp cứu của các đơn vị... thì vai trò của An-26 làm nhiệm vụ chuyển tiếp đặc biệt quan trọng. Chúng tôi thực hiện những nhiệm vụ này rất nhiều lần, và lần nào cũng đảm bảo an toàn và thông suốt".
Như vậy trong khi chờ đợi được trang bị một loại máy bay chỉ huy cảnh báo sớm trên không (AWACS) chuyên nghiệp (như C-295 AEW hay Saab 340 AEW&C) thì những cánh bay An-26 của Lữ đoàn 918 vẫn phần nào đảm trách được nhiệm vụ khó khăn và quan trọng trên.
Máy bay vận tải An-26 - "Chiến binh thầm lặng" của Không quân Nhân dân Việt Nam
Cho đến thời điểm hiện tại, sau hơn 35 năm có mặt và được biên chế cho Không quân Nhân dân Việt Nam, An-26 vẫn đang là lực lượng chủ lực của Lữ đoàn Không quân Vận tải 918 trong các nhiệm vụ bay báo bão, tìm kiếm cứu nạn, vận tải Bắc - Nam.
Ngoài các nhiệm vụ đang thực hiện, đội ngũ phi công, thành viên tổ bay An-26 còn là lực lượng chủ yếu để tuyển chọn chuyển loại sang các loại máy bay vận tải thế hệ mới như CASA C-295 và CASA-212.
Người Nga gọi An-26 là "Cỗ xe vận tải có cánh", ở Việt Nam, An-26 đã vượt qua giới hạn của một "Chú ngựa thồ" huyền thoại. Những tính năng của loại máy bay này đã được người Việt Nam khai thác triệt để, cùng với đó là một chuỗi dài các nhiệm vụ mà An-26 đã thực hiện thành công trong cả thời bình lẫn trong thời chiến.
Xem video: Hồ sơ chiến tranh nhân dân - Chiến binh thầm lặng (Phần 2). Nguồn: Truyền hình Quốc phòng Việt Nam.
Hồ sơ chiến tranh nhân dân - Chiến binh thầm lặng (Phần 2)