Cơ hội cho Yakhont trên tàu tên lửa Việt Nam

Thùy Dung |

Việc tàu Gepard Việt Nam không được trang bị tên lửa Kalibr đồng thời chấm dứt đồn đoán về việc nâng cấp cho tàu Molniya và điều đó tạo cơ hội cho Yakhont.

Trang tin Chuyên gia chính trị của Nga ngày 25/9 dẫn tuyên bố của chuyên gia hải quân Vasily Dandykin cho biết, việc trang bị tên lửa Kalibr cho chiến hạm Gepard 3.9 phiên bản xuất khẩu là điều không thể.

Lớp tàu này sản xuất cho Hải đội Caspian 2 chiếc gồm Tatarstan và Dagestan, nhưng chỉ có chiếc Dagestan là trang bị hệ thống tên lửa Kalibr. Trong khi đó, tàu lớp Gepard 3.9 xuất khẩu sang Việt Nam thì không được trang bị hệ thống tên lửa hiện đại nhất này.

Cơ hội cho Yakhont trên tàu tên lửa Việt Nam - Ảnh 1.

Tàu tên lửa Molniya Nga trang bị tên lửa Yakhont

Chiếc đầu tiên của loại tàu này là Tatarstan chỉ trang bị tên lửa hành trình diệt hạm Uran, có tầm bắn ngắn hơn (130 km) so với Kalibr (từ 300 đến 2.000 km), chuyên gia Dandykin khẳng định. Theo Sputnik, tuyên bố này cũng đồng nghĩa với các tàu tên lửa Molniya rất khó có thể trang bị hệ thống vũ khí này như truyền thông Nga từng nhiều lần nói đến.

Dù không được trang bị tên lửa Kalibr nhưng cơ hội cho các tàu tên lửa Molniya "lột xác" với vũ sát thủ chống hạm Yakhont là hoàn toàn có thể bởi loại vũ khí này đã được Hải quân Nga trang bị tàu tên lửa Molniya từ cách đây cả chục năm.

Đây thực sự là tin vui với Hải quân Việt Nam, nếu như Nga đã có sẵn phương án thiết kế trang bị tên lửa chống hạm hạng nặng như Yakhont thì sẽ tiết kiệm đáng kể thời gian triển khai dự án chế tạo tàu tên lửa Molniya nếu Việt Nam chấp thuận.

Để tích hợp được tên lửa Yakhont, tàu tên lửa Molniya chỉ cần thay đổi về hệ thống tên lửa và bổ sung thêm một radar dẫn bắn phù hợp đặt trên nóc thượng tầng - đó chắc chắn là một radar rất lớn. Trong khi các hệ thống vũ khí còn lại gồm pháo hạm AK-176M, pháo phòng không AK-630 vẫn như cũ.

Với các tên lửa hạng nặng như Yakhont, các tàu tên lửa cỡ 500 tấn chỉ có thể triển khai tối đa 2 bệ phóng với 8 quả đạn được bố trí theo phương nghiêng. Dù là số lượng tên lửa ít hơn tàu M với hệ thống Kh-35 Uran-E, nhưng bù lại Yakhont đem lại ưu thế lớn cho tàu tên lửa nhỏ.

Đạn tên lửa Yakhont trang bị động cơ phản lực tĩnh dòng thẳng siêu âm cho phép đạt tốc độ Mach 2,5. Với vận tốc cực lớn như vậy, đối phương rất khó phản ứng kịp thời và bị tiêu diệt bởi đầu đạn thuốc nổ mạnh nặng 200 - 250kg.

Theo đánh giá của chuyên gia thế giới, với đầu đạn đó Yakhont có khả năng tiêu diệt tàu chiến cỡ lớn chỉ bằng một phát bắn duy nhất. Tầm bắn của tên lửa này phụ thuộc vào chế độ bay: bay quỹ đạo cao - thấp hỗn hợp cho phép đạt tầm bắn 300 km; bay quỹ đạo thấp - thấp đạt tầm bắn 120 km.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại