Khó có thể kể hết nỗi khó khăn, nhọc nhằn trên hành trình "cõng chữ lên non" của các thầy cô giáo vùng cao. Và nỗi nhọc nhằn ấy chỉ có thể được cảm nhận rõ ràng nhất, khi những câu chuyện, hình ảnh ghi lại công việc và cuộc sống thường nhật của các thầy cô giáo vùng cao được chia sẻ trên các phương tiện truyền thông.
Những ngày qua, cộng đồng mạng lan truyền khoảnh khắc một cô giáo đang công tác tại điểm trường mầm non thuộc bản Sắt (xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) gặp sự cố trên đường đến trường.
Theo đó, sau kỳ nghỉ Tết dương lịch 2024, con đường đến điểm trường bản Sắt trở nên trơn trượt, lầy lội bùn đất do mưa lớn kéo dài nhiều ngày. Đường đến trường của các thầy cô vốn xa xôi, trắc trở lại càng thêm khó khăn.
Dù đã thân thuộc cung đường nhưng cả người và xe của cô giáo mầm non Lê Sương Sương vẫn gặp sự cố, ngã sõng soài xuống con đường ngập bùn đất.
Điều đáng nói là, dù áo quần, hành trang và xe lấm bùn, hư hỏng, nhưng nụ cười vẫn nở trên môi cô giáo mầm non nhỏ nhắn. Cô Sương còn không quên nhờ người dân qua đường gửi hình ảnh ghi lại khoảng khắc đáng nhớ trong ngày đầu năm trở lại trường.
Cô Sương chia sẻ: "Hôm đó là ngày mồng 3, trời mưa to. Quãng đường từ nhà tôi đến trường khoảng gần 20km. Dù đã thông thạo đường, nhưng qua một số đoạn đường đất trơn trượt, bùn lầy do mưa lớn nhiều ngày, tôi vẫn bị ngã.
May mắn thay là tôi không bị thương. Lúc ấy, có mấy chị trong bản đi nhổ sắn về, thấy vậy thì tới giúp, đỡ người và xe dậy. Rồi họ tiện tay chụp một số tấm hình, tôi xem thấy ảnh vui vui nên nhờ chị gửi cho rồi đăng lên mạng.
Tôi không nghĩ những tấm hình ấy lan truyền nhiều trên mạng xã hội như vậy. Sau đó, tôi nhận được nhiều lời động viên, sẻ chia từ cả bạn bè, người thân quen và những người xa lạ. Tôi thấy rất vui.
Ngày hôm đó tôi sửa tạm xe rồi tiếp tục đến trường, mặc nguyên bộ đồ lấm bùn ấy đứng lớp, đến tối mới về nhà thay được. Ngã lấm bùn nhưng vẫn cười thật to."
Cặp xách, áo quần cùng túi mận cô Sương mang lên làm quà cho các em học sinh đều lấm bùn
Theo cô Sương, cách đây không lâu, cô từng bị ngã xe một lần, trên đường vào bản Sắt dạy học.
Chiếc xe cùng cô chinh chiến hơn 2 năm nay trên cung đường đồi núi gập ghềnh, khó đi đã "biểu tình". Do đó, lần ngã này, yên xe bị rơi hẳn ra ngoài.
Được biết, cô Sương là người con của xã vùng biên Trường Sơn. Sau khi rời giảng đường, cô trở về địa phương công tác và có 8 năm gắn bó với nghề "trồng người" cao quý.
Hơn 2 năm nay, cô Sương được phân công "cắm bản" ở điểm trường bản Sắt. Đây là một bản nghèo, gần như biệt lập với vùng trung tâm. Cư dân phần lớn là đồng bào Bru-Vân kiều, giao thông và cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.
Điểm trường bản Sắt, nơi cô Sương gắn bó hơn 2 năm qua cách trung tâm xã 17km. Cả trường có 15 trẻ với 3 độ tuổi.
Hằng ngày, cô giáo Sương di chuyển quãng đường hơn 30km để đến trường dạy học rồi lại trở về nhà vào cuối ngày.
"Điểm trường tôi công tác còn nhiều khó khăn, chưa có sóng điện thoại, chưa có điện chiếu sáng. Đường sá nhiều chỗ là đường đất, chưa được bê tông hóa, phải leo dốc cao và cực kỳ heo hút.
Với sự bất thường của thời tiết miền núi, nhất là vào mùa mưa lũ, tôi nhiều lần bị ngã trong bùn đất và còn phải cuốc bộ do xe hỏng." - Cô Lê Sương Sương chia sẻ.
Dẫu hành trình "gánh chữ lên non" còn nhiều khó khăn, nhưng khi đến lớp, cô Sương vẫn luôn giữ tinh thần lạc quan yêu đời và say mê với nghề.
Cô Sương cho hay, bản thân chưa từng một lần có ý nghĩ sẽ tìm khiếm công việc khác: "Càng theo đuổi công việc, tôi càng thấy tự hào về nghề nghiệp cao quý của mình.
Tuy hơi vất vả, nhưng tôi ngày càng yêu trẻ, yêu nghề hơn. Là cô giáo mầm non, tôi cùng lúc làm được bao nhiêu nghề.
Bởi ở lớp, cô không chỉ dạy các cháu học chữ, mà còn học hát, dạy làm diễn viên, đầu bếp, bác sĩ... Dạy nghề nào, cô hóa thân vào nghề đó.
Đặc biệt, tình cảm của các phụ huynh ở bản cũng khiến tôi xúc động và thêm gắn bó với người dân ở đây. Đây là động lực để tôi thêm cố gắng làm tốt vai trò của mình".