Thời gian gần đây, danh hài Xuân Hinh đã chia sẻ nhiều hình ảnh về khu Linh từ Uống nước nhớ nguồn và Bảo tàng Đạo Mẫu của anh ở Sóc Sơn, với diện tích lên đến 5000m2, khiến ai cũng trầm trồ.
Xuân Hinh cũng trực tiếp dẫn một số đoàn khách tới tham quan khu bảo tàng rộng lớn này. Vậy, có gì bên trong cơ ngơi 5000m2 của nam danh hài?
Cổng vào khá rộng lớn và có hai cột trụ được vẽ cá chép vượt vũ môn theo phong cách tranh dân gian Đông Hồ, có 2 cây phong thủy lớn vươn từ trong ra ngoài.
Toàn bộ tường vào được Xuân Hinh lắp bằng gạch thất (một loại gạch cổ). Anh cho biết, mình phải đi sưu tầm 1 triệu viên gạch thất làm bằng tay để gợi nhớ quá khứ.
Ngoài gạch thất, Xuân Hinh còn dùng 5 triệu viên ngói để lắp thành tường, tạo phong cách độc đáo. Kiến trúc nơi đây được thiết kế cân bằng âm dương, giao hòa trời đất.
Ở gian đón khách trước bảo tàng, Xuân Hinh trưng bày chiếc xích lô gắn liền với mình trong vở Người ngựa ngựa người. Nam danh hài tiết lộ, nhờ vở diễn này mà anh kiếm được nhiều tiền, góp lại xây nên khu Linh từ.
Phía sau bày sập gụ gỗ cổ để ngồi hát ca trù, chầu văn.
Bên trong bảo tàng là hàng loạt đồ gỗ cổ theo phong cách Bắc Bộ. Ngoài ra còn có cả tranh Hàng Trống, tranh tứ phủ, máy quay sợi cổ…
Trong khuôn viên, Xuân Hinh trồng nhiều cây cổ thụ có tuổi đời lên đến 50, 60 năm tuổi. Anh cũng trồng cả một loại cây leo hơn 20 năm tuổi để bám vào tường, tạo rêu phong cổ kính
Ngoài ra là nhiều loại cây quen thuộc, gắn với không gian làng cổ Bắc Bộ cùng nhiều loại hoa.
Với mong muốn xây dựng theo hướng làng cổ Bắc Bộ nên Xuân Hinh cho làm cả một ao nước lớn bằng gạch thất, xung quanh xếp chum cổ mua từ Bắc Ninh. Nam danh hài tiết lộ anh sắp mua cả thuyền quan họ thả vào ao.
Khu này được Xuân Hinh bài trí theo các sự tích dân gian. Trong đó có cây cau lớn cuốn trầu và nhiều bình vôi cổ phía dưới, lấy cảm hứng từ sự tích trầu cau.
Trong khuôn viên có một thư viện lớn, nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống qua tượng, tranh, sách báo, tài liệu, nhạc cụ cổ. Xuân Hinh cho biết, các tài liệu này ghi lại toàn bộ về hát văn, chèo, ca dao tục ngữ, đạo Mẫu…
Bên cạnh thư viện là gian thờ Mẫu, nơi thờ phượng các vị Mẫu, Bà Chúa, Quan Lớn, Tướng, Công Chúa, Hoàng Tử và các vị Thánh trong tín ngưỡng dân gian của người Việt.
Bao quanh là con suối uốn lượn, nước trôi lững lờ rất hợp phong thủy. Nam danh hài trồng nhiều tre trúc để tạo phong cảnh hữu tình.