Bức ảnh được chụp ngày 19/6 cho thấy lần đầu tiên người ta chứng kiến tiêm kích J-10 trên đảo ở biển Đông, theo công ty ImageSat International, đơn vị cung cấp hình ảnh nói trên cho CNN.
Việc triển khai vũ khí xuất hiện trong bối cảnh căng thẳng ở biển Đông đang ở mức cao, giữa lúc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chuẩn bị gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump tại thượng đỉnh G20 tại Nhật Bản vào tuần tới.
Các chuyên gia sau khi xem xét tấm ảnh đã nói việc đặt máy bay bên ngoài nhà chứa và các thiết bị vũ khí đi kèm là rất đáng kể, cho thấy máy bay đã ở trên đảo ít nhất là 10 ngày.
Hình ảnh bốn chiếc J-10 trên sân đỗ
“Họ muốn các anh thấy máy bay. Nếu không họ đã để trong nhà chứa máy bay (hangar)”, Peter Layton, cựu sỹ quan không quân Úc, thành viên viện Griffith châu Á nói.
Carl Schuster, cựu chủ nhiệm tác chiến tại Trung tâm tình báo liên quân, Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương, nói việc triển khai nói trên được thiết kế nhằm “chứng tỏ đó là lãnh thổ của họ và họ có thể đưa máy bay chiến đấu đến đó bất cứ lúc nào họ muốn”.
“Nó cũng đưa ra thông điệp rằng họ có thể mở rộng sức mạnh không quân trên bầu trời biển Đông như ý muốn”, ông Schuster nói.
Máy bay tiêm kích J-10 có tầm tác chiến 740km, có thể kiểm soát hầu hết các tuyến hải lộ thương mại ở biển Đông, ông Schuster nói.
Bốn chiếc máy bay không mang thùng dầu phụ, theo lời các nhà phân tích. Điều đó gợi ý rằng chúng được tiếp dầu ngay trên đảo, vì thế có thể kế hoạch của phía Trung Quốc là lưu các máy bay này lại đây trong một thời gian.
“Đó có thể là một cuộc triển khai tập luyện sớm, là một phần chương trình giúp các máy bay tiêm kích J-10 sẵn sàng phục vụ một tuyên bố về vùng nhận dạng phòng không (ADIZ). “Hoạt động này có thể trở thành thường xuyên”.
Năm 2016, Trung Quốc nói họ giữ quyền áp đặt một vùng ADIZ trên bầu trời biển Đông, điều này có nghĩa là máy bay bay qua đây phải thông báo với phía Trung Quốc trước tiên.
Năm 2013 Trung Quốc thiết lập ADIZ trên biển Hoa Đông và khiến Mỹ và Nhật ngay lập tức la làng phản đối. Nhưng rồi ADIZ mà Trung Quốc thiết lập cũng không hoàn toàn được thực thi.
Phú Lâm là đảo lớn nhất trong quần đảo Hoàng Sa. Trung Quốc đã cưỡng chiếm Hoàng Sa từ năm 1974 sau một trận đấu pháo hạm ngắn ngủi với lực lượng của Việt Nam cộng hòa, khi đó đang nắm giữ quần đảo.
Nhiều năm qua, Bắc Kinh đã nâng cấp nhiều cơ sở trên quần đảo, triển khai tên lửa đất đối không, xây dựng 20 nhà để máy bay tại sân bay trên đảo Phú Lâm, nâng cấp hai bến cảng và thực hiện lấn biển, theo tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải (AMTI).
Đảo Phú Lâm, theo phân tích của AMTI năm 2017, là dự án điểm cho các nỗ lực xây đảo sau này của Trung Quốc trên một số thực thể thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà Trung Quốc chiếm giữ trái phép.
Việc xuất hiện các tiêm kích J-10 trên đảo Phú Lâm xuất hiện sau chỉ hơn một năm Trung Quốc cử máy bay ném bom tầm xa H6K lần đầu tiên hạ cánh xuống hòn đảo này trong một nhiệm vụ bay thử nghiệm.