Bài 1: Mục sở thị
Dãy máy bay tiêm kích Su-30MK2 nằm xếp hàng trong nhà chứa sân bay Biên Hòa (Đồng Nai). Dưới ánh bình minh, thân máy bay lấp lóa. Một vài chiếc đang nạp nhiên liệu, kiểm tra sẵn sàng cất cánh. Tiếng động cơ đinh tai nhức óc. Một buổi huấn luyện bắt đầu.
Thiên binh cất cánh
Ngồi ở sân bay Nội Bài, gõ trên mạng thông tin về Su-30MK2, không bất ngờ khi Việt Nam đang sở hữu hàng chục chiếc. Mỗi chiếc gần nghìn tỷ đồng, một trong những đơn vị đang hàng ngày ăn tập, làm chủ loại phương tiện tối tân này là Trung đoàn 935, Sư đoàn 370, Quân chủng Phòng không - Không quân.
Cũng may, đợt này chúng tôi đến đúng dịp đoàn chuyên gia Nga sang hỗ trợ. Ngồi uống nước, cứ thấy tiếng máy bay ù ù trên đầu. Thắc mắc, mấy đồng chí cười bảo, đấy là máy bay dân dụng. Bởi khi “thiên binh” gầm không nhẹ nhàng thế.
Trên đài chỉ huy bay
Cũng vì có đoàn chuyên gia Nga sang, nên nhiều phi công chiến đấu trên máy bay tiêm kích Su-30MK2 tập trung về Trung đoàn 935 để nghiên cứu, học tập”. “Ngày xưa các cụ bảo, đào tạo phi công như này chi phí tính bằng vàng cân đấy anh nhỉ”, mấy cán bộ, chiến sĩ cười, bảo “có khi còn hơn thế”.
Máy bay đắt thế, chế độ chăm sóc cho máy bay, phi công cũng đặc biệt. Trước mỗi chuyến bay, hàng trăm người chuẩn bị. Chế độ ăn uống cũng riêng biệt. Các phi công có nhà ăn riêng, bếp nấu phục vụ riêng. Phòng tập thể thao riêng...
Mất cả đêm háo hức chờ buổi sáng xem Su-30MK2 cất cánh. Chúng tôi dậy sớm hơn thường lệ, nhưng vẫn là quá muộn so với các phi công. Họ ăn xong trước 6h và ra sân bay chuẩn bị. Bữa ăn sáng của phi công gồm một bát mì Quảng, sữa, hoa quả…
Mỗi người một phần, không ai giống ai. Phóng viên, do là khách và ở tại Trung đoàn, nên cũng được ăn theo chế độ phi công. Vừa ăn xong đã nghe tiếng động cơ gầm rú.
Mấy anh em trong Trung đoàn nói, đội kỹ thuật đang thử máy. Được cán bộ Trung đoàn dẫn ra khu sân bay. Và chúng tôi choáng ngợp khi thấy một dàn máy bay hiện đại nằm trong nhà chờ. Dưới ánh bình minh, dàn Su 30MK2 như hầm hố hơn.
Chiếc máy bay số hiệu 8580 từ từ di chuyển hướng về đường băng. Dừng lại để nhân viên kỹ thuật kiểm tra lần cuối, chiếc máy bay chỉ mất vài giây lấy đà, vút lên không trung, mất hút. Tiếng động cơ vang một góc trời…
Máy bay tiêm kích Su-30MK2 cất cánh
Tranh thủ đội ngũ kỹ thuật đang rảnh tay, phóng viên lân la bắt chuyện. Được biết, trước mỗi chuyến bay, anh em kỹ thuật phải kiểm tra rất nhiều thứ theo chuyên ngành, quy trình. Được biết, để máy bay có thể yên tâm cất cánh vào buổi sáng, đội ngũ kỹ thuật viên phải dậy từ nửa đêm.
Vì thế, sau khi máy bay cất cánh, dù một số máy bay đang gầm rú thử động cơ, một số nhân viên vẫn tranh thủ chợp mắt ngon lành. Ngó sang máy bay 8580 vừa cất cánh, 4 cuốn sổ được đặt trên bàn. Mỗi sổ có ghi nội dung, ngày giờ từng chuyên ngành kiểm tra trước và sau khi bay.
“Mắt” của thiên binh
Trong khi chờ chuyến bay sau cất cánh, chúng tôi được cán bộ Trung đoàn 935 dẫn lên đài quan sát K5. Đây là nơi chỉ huy cất, hạ cánh của máy bay. Trong đài, có 3 cán bộ đang làm việc. Đại tá Phạm Thế Hữu, Chủ nhiệm bay Trung đoàn nổi bật với cặp kính đen to sụ, nói đùa:
“Kính này mua ở Thái Bình đấy, 30 nghìn một cân”. Nói thế, nhưng anh bảo, có chiếc kính râm này nhìn mát mắt, dễ quan sát hơn khi trời nắng, đảm bảo chính xác khi chỉ huy máy bay.
Ngồi một lúc, thấy tiếng vọng từ mấy chiếc bộ đàm. Anh Hữu trao đổi qua lại một hồi. Và giải thích, lúc hạ cánh thì phải nói nhiều, hướng dẫn nhiều, còn cất cánh thì khẩu lệnh ít.
Nhiệm vụ của anh Hữu là theo dõi máy bay lúc sắp cất cánh, hạ cánh, xem cánh tà có thả không, lên đường băng thế nào… Còn khi máy bay cất cánh lại thuộc quyền xử lý của bộ phận khác. “Tất cả cất, hạ cánh là mình quản lý. Nếu thấy máy bay cao thì bảo xuống một tí. Còn nếu tiếp đất nhanh quá thì lại hãm lại tí”, anh Hữu nôm na.
Anh Hữu cho biết, một người bay không biết bao nhiêu người lo. Chính ra, tiền mua máy bay còn ít hơn tiền sử dụng nó. Anh Hữu cũng là một phi công lão luyện, nhưng vẫn tếu táo “tớ trẻ nhất Trung đoàn”.
Anh Hữu bảo, trông máy bay nho nhỏ thế thôi, nhưng diện tích cánh là 63 mét vuông, trọng lượng gần chục tấn. Lực đẩy 1 động cơ là 12.500 mã lực. Nếu tăng lực, máy bay có thể lên thẳng đứng được…
Đang “mặn” chuyện thì chúng tôi phải rời đi vì máy bay sắp cất cánh và anh Hữu phải tiếp tục làm nhiệm vụ. Chúng tôi được dẫn lên đài K4, đài chỉ huy bay. Thượng, tá, Trung đoàn trưởng Đỗ Mạnh Hùng ngồi cùng với các chuyên gia Nga. Thỉnh thoảng có tiếng liên lạc qua bộ đàm với phi công đang bay. Mọi người tập trung cao độ...
Trò chuyện thêm mới biết, một trong số những cán bộ quan trọng nhất, đó thuộc về bộ phận radar dẫn đường. Trung tá Nguyễn Văn Hào, Phó Tham mưu trưởng Trung đoàn, người làm công tác dẫn đường hơn 20 năm chia sẻ: Nhiệm vụ của radar dẫn đường là dẫn cho máy bay của mình hoàn thành tốt chuyến bay.
Ở thời bình thì bay theo một đường bay định sẵn, quản lý máy bay trên hành trình, đi đến đâu dẫn đường biết đến đó. Nếu đi lệch thì được dẫn đường về vị trí chuẩn.
“Trong quá trình bay cũng phát sinh nhiều vấn đề, ví dụ trong gặp thời tiết bất thuận thì radar dẫn đường phải thông báo cho phi công để có phương án vòng tránh. Dẫn đường phải tính toán, điều chỉnh tọa độ, báo cho chỉ huy bay, thông báo với phi công đang tác chiến.
Mấy chiến sĩ trẻ vừa vào công tác ở đơn vị tham mưu chăm chú nghe anh Hào kể chuyện. Anh Hào chia sẻ, để có được một sĩ quan dẫn đường trong chiến đấu tốt phải hội tụ nhiều yếu tố. Đầu vào phải cao điểm nhất, trong quá trình rèn luyện phải học hỏi, trau dồi kỹ năng vượt bậc.
Nói về kỹ năng trong dẫn đường chiến đấu, anh Hào cho rằng, cái quan trọng nhất là bộ phận dẫn đường phải làm sao cho máy bay mình tiêu diệt được máy bay địch. Nhiệm vụ càng thêm khó khăn khi máy bay địch cũng thay đổi hướng, gây nhiễu…
Tất cả những kỹ năng, điêu luyện, tinh nhuệ người phi công phải hội tụ đủ. Muốn có nó, ngoài tố chất, phẩm chất là sự khổ luyện không ngừng.
(Còn nữa)