Chuyện ông Trump "phân biệt đối xử" và sứ mệnh đặc biệt của ông Macron, bà Merkel ở Mỹ

Đại sứ Trần Đức Mậu |

Cùng thăm Mỹ trong tuần này, nhưng có thể thấy rõ là bà Merkel bị "phân biệt đối xử" so với ông Macron.

Bà Merkel bị phân biệt đối xử ở Mỹ?

Tuần này là một tuần rất đặc biệt và hiếm thấy trong lịch sử quan hệ giữa Mỹ và EU, khi đầu tuần Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và sau đó là Thủ tướng Đức Angela Merkel vượt Đại Tây Dương đến gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Hai vị này lần lượt sang Mỹ vì chuyện quan hệ song phương của Pháp và Đức với Mỹ, nhưng chuyện ấy hiện không đáng kể và quan trọng bằng chuyện giữa EU và Mỹ.

Cái đặc biệt ở đây còn là sự phân biệt đối xử rõ rệt của ông Trump đối với hai vị khách. Ông Macron là lãnh đạo quốc gia châu Âu đầu tiên được ông Trump mời sang thăm chính thức cấp nhà nước, trong khi bà Merkel chỉ có chuyến thăm làm việc tại Mỹ. Như vậy, nước Đức của bà Merkel đã để cho nước Pháp của ông Macron lấn thế trong quan hệ với Mỹ.

Đối với ông Trump, không phải nước Đức như bấy lâu nay, mà nước Pháp hiện tại mới là địa chỉ quan trọng nhất trong EU đối với Mỹ. Sự phân rẽ nội bộ EU và NATO được ông Trump sử dụng làm phương pháp gia tăng áp lực đối với chính EU và NATO.

Bà Merkel có thể đóng vai trò tham gia tích cực, nhưng rõ ràng ông Macron mới là hiện thân cho hy vọng của EU, đại diện cho EU để thuyết phục ông Trump không bất chấp những quan ngại sâu sắc và lợi ích chiến lược lâu dài của EU trong các vấn đề chính trị an ninh thế giới và các mối quan hệ quốc tế.

Chuyện ông Trump phân biệt đối xử và sứ mệnh đặc biệt của ông Macron, bà Merkel ở Mỹ - Ảnh 1.

Dường như ông Trump đang phân biệt đối xử với hai vị khách quý đến từ châu Âu? Ảnh: EPA.

Sứ mệnh ngoại giao của ông Macron và bà Merkel tại Mỹ

Thuyết phục ông Trump là sứ mệnh ngoại giao trung tâm của ông Macron và bà Merkel trong chuyến đi Mỹ lần này. Có nhiều chuyện EU phải thuyết phục ông Trump, trong đó có 3 chuyện hiện quan trọng nhất đối với EU là số phận của thoả thuận về giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Iran, chính sách bảo hộ thương mại của ông Trump và quan hệ của Phương Tây với Nga.

Liên quan đến hai chuyện đầu, EU phải chạy đua với thời gian. Về chuyện thứ nhất, nếu cho tới ngày 1/5 này, giữa Mỹ và EU không đạt được thoả thuận, thì sau đó Mỹ sẽ áp thuế quan bảo hộ đối với hàng hoá của EU xuất khẩu vào thị trường Mỹ.

Trong trường hợp này, EU - như đã tuyên cáo và chuẩn bị - sẽ phải trả đũa Mỹ và hai bên sẽ xô đẩy nhau đến chiến tranh thương mại. Nếu cuộc chiến ấy xảy ra, EU có thể gây thiệt hại nhiều cho Mỹ, nhưng cũng không thể tránh khỏi bị thua thiệt lớn.

Về chuyện thứ hai, ngày 12/5 tới này là thời hạn ông Trump phải xác nhận có tiếp tục duy trì trên thực tế thoả thuận về giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Iran nữa hay không. Cho đến nay, mọi dấu hiệu từ phía Mỹ đều báo hiệu là ông Trump sẽ lật ngược thoả thuận này.

Khác với nhìn nhận của ông Trump, EU có lợi ích chiến lược to lớn, thiết thực và lâu dài trong việc duy trì thoả thuận kia. Còn trong mối quan hệ với Nga và đặc biệt đối với cá nhân Tổng thống Nga Vladimir Putin, EU muốn ông Trump thật sự cùng hội cùng thuyền, cùng "làm găng" chứ không nhượng bộ.

Thời gian qua, EU đã "làm găng" với Nga và ông Putin, trong khi ông Trump lại mời ông Putin sang thăm Mỹ.

Khác với người tiền nhiệm Obama, ông Trump không thật sự coi trọng EU. Nhưng điều đó không có nghĩa là ông này phó mặc cho mối quan hệ của Mỹ với EU diễn biến ra sao cũng được. Ông Trump xử lý và vận hành mối quan hệ này bằng cách và theo hướng có lợi nhất cho mình về mặt đối nội.

Lợi ích của Mỹ trong mối quan hệ với EU, trong vấn đề hạt nhân của Iran và trong quan hệ với Nga cũng như với cá nhân ông Putin được ông Trump xác định khác với người tiền nhiệm. Trái với ông Obama, ông Trump dường như để mối quan hệ cá nhân với lãnh đạo các nước có ảnh hưởng chi phối hơn trong chính sách đối ngoại, tác động trực tiếp đến mức độ quan hệ của Mỹ với các đối tác.

Ông Macron và bà Merkel dùng chuyến đi Mỹ này để thuyết phục ông Trump thay đổi quan điểm, hoặc ít nhất thì cũng không bất chấp lợi ích của EU, lưu ý thoả đáng đến những mối quan tâm và lo ngại sâu sắc của EU, và tin vào những lợi ích chung to lớn, có tầm chiến lược lâu dài của việc EU và Mỹ thật sự cùng hội cùng thuyền trong cả ba vấn đề nói trên.

Dự đoán phản ứng của ông Trump

Ông Trump sẽ không phớt lờ mọi đề cập của hai vị khách vì nếu ông chủ ý như thế thì sẽ không mời họ sang Mỹ trong thời gian cùng một tuần, và bởi nếu như thế sẽ làm cho cả hai vị lãnh đạo, cũng như EU bị tổn hại về uy danh và thể diện.

Chuyện ông Trump phân biệt đối xử và sứ mệnh đặc biệt của ông Macron, bà Merkel ở Mỹ - Ảnh 2.

Nhưng chắc chắn ông Trump sẽ không nhượng bộ nhiều và càng chưa có nhượng bộ cơ bản cho EU. Ông sẽ không giảm áp lực, mà có chăng chỉ cho EU thêm thời gian để đáp ứng yêu cầu của phía Mỹ.

Ông Trump tiếp khách từ châu Âu sang nhưng cái nhìn lại hướng vào đối nội và cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ sắp tới ở Mỹ.

EU không thể tận dụng mọi cơ hội có được và thời gian còn lại để thuyết phục ông Trump.

Ông Macron và bà Merkel dẫu biết khó thành công nhưng vẫn phải công du Mỹ.

Ông Trump là người có thể bất ngờ thay đổi quan điểm và sẵn sàng bất chấp lời tư vấn của cộng sự. Biết đâu cơ hội thành công của hai vị khách trong sứ mệnh ngoại giao này lại chính là ở đó?

Mỹ chuẩn bị biện pháp trừng phạt mới chống Nga

* Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt lại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại