Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in dự kiến sẽ gặp mặt vào ngày 27/4 để chính thức kết thúc Chiến tranh Triều Tiên (từ tháng 6/1950 tới tháng 7/1953), và tạo tiền đề cho cuộc đối thoại giải trừ vũ khí hạt nhân trên bán đảo liên Triều, thúc đẩy hòa bình khu vực.
Dù vẫn thận trọng, nhưng các nhà lãnh đạo thế giới đều rất lạc quan tin rằng cuộc gặp Thượng đỉnh Hòa bình lần này sẽ mở ra cánh cửa đàm phán thuận lợi giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và ông Kim Jong Un trong vài tuần tới, kết thúc căng thẳng giữa Mỹ - Triều Tiên đã kéo dài từ những năm 1980.
Mỹ và Triều Tiên đã đôi lần cố gắng đạt được thỏa thuận hòa bình và giải trừ vũ khí hạt nhân trên bán đảo liên Triều. Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí (ACA) gần đây đã tiết lộ tài liệu về "thời kỳ khủng hoảng, bế tắc và tiến trình hòa giải" giữa hai nước từ năm 1985. Cho tới nay, tất cả đều thất bại.
Ví dụ, năm 1991, tổng thống George H. W. Bushs rút toàn bộ vũ khí hạt nhân Mỹ khỏi khu vực. Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev cũng làm điều tương tự.
Tổng thống Hàn Quốc Roh Tae Woo đề nghị kí Thỏa thuận Giải trừ Hạt nhân trên bán đảo liên Triều. Triều Tiên không đáp ứng.
Tổng thống Mỹ xác nhận tiếp xúc cấp cao Mỹ - Triều Tiên
Trong 8 năm dưới thời ông Obama, các nỗ lực giải quyết căng thẳng hai nước tiếp tục bị trì hoãn. Theo Reuters, ông Obama tin rằng Triều Tiên không thực sự nghiêm túc về việc đàm phán.
Giữa khoảng thời gian ấy, Triều Tiên đã phát triển vũ khí hạt nhân và hệ thống tên lửa đủ khả năng tấn công trực tiếp Hàn Quốc, Nhật Bản, và bây giờ là Mỹ.
Ông Trump không đồng ý với chuyện này.
Từ khi nhậm chức, ông Trump đã phát triển các chính sách đối ngoại ngược lại người tiền nhiệm. Vấn đề Triều Tiên không phải chuyện ngoại lệ.
Trong năm qua, ông Trump và ông Kim Jong Un đã khẩu chiến quyết liệt trước khi các bên đảo ngược chiến lược, trở nên thân thiện với nhau. Ông Trump liên tục gọi ông Kim là "Người Tên lửa". Sau đó ông Trump tuyên bố ông "có thể sẽ có một tình bạn tốt đẹp với ông Kim..."
Ngày 9/3, ông Trump thông báo ông sẵn sàng gặp mặt ông Kim vào tháng 5 hoặc tháng 6. Không chỉ người Nhật, các cố vấn an ninh Nhà Trắng, mà gần như tất cả mọi người đều bất ngờ.
Không một vị tổng thống Mỹ đương nhiệm nào từng gặp mặt lãnh đạo Triều Tiên, và những thỏa thuận trước đây luôn theo cùng hàng loạt cuộc gặp không mấy hiệu quả giữa các nhà ngoại giao Mỹ - Triều Tiên trong nhiều tháng.
Ông Trump tiếp tục làm mọi người bất ngờ. Trong khoảng thời gian từ 31/3 tới 2/4, Giám đốc CIA Mike Pompeo đã tới gặp ông Kim tại Bình Nhưỡng để thảo luận về cuộc gặp cấp cao giữa ông Trump - ông Kim, bao gồm những nội dung có thể được đàm phán tại hội nghị Thượng đỉnh Hòa bình.
Được biết, Triều Tiên là phía gửi lời mời tới Mỹ.
Các lãnh đạo Triều Tiên và Hàn Quốc sẽ gặp mặt vào ngày 27/4. Có rất nhiều khả năng những nội dung trong cuộc gặp Thượng định Mỹ-Triều sẽ được quyết định tại đây.
Triều Tiên và Hàn Quốc đã có bước tiến hòa giải thành công trong Thế vận hội Mùa đông 2018. Hai nước đã có đội tuyển liên Triều, và đây là hình thức ngoại giao giúp mở đường cho cuộc gặp Thượng đỉnh Hòa bình tới đây.
Người dân bán đảo sẽ cố gắng kết thúc cuộc Chiến tranh Triều Tiên mà trên lý thuyết vẫn đang diễn ra từ ngày 27/7/1953. Kết thúc cuộc chiến bằng một hiệp định không phải chuyện đơn giản.
Bốn quốc gia tham dự vào trận chiến này đều phải kí: tức là phải có cả Mỹ, Trung Quốc, không chỉ Triều Tiên và Hàn Quốc. Vậy nên, Hàn Quốc cần sự đồng thuận từ cả Bắc Kinh và Washington.
Tổng thống Hàn Quốc tiếp em gái lãnh đạo Triều Tiên
Những vấn đề khác dưới đây vẫn cần được giải quyết, dù có thể sẽ không được đưa ra thảo luận.
Đầu tiên, phải kể tới khu vực phi quân sự dài 250 km, rộng 4 km vẫn đang chia cắt Hàn Quốc và Triều Tiên. Đây là chuyện hệ trọng khi lính Mỹ và Hàn Quốc canh gác ở một phía còn ở bên kia chiến tuyến, Triều Tiên tuyên bố đã bố trí hàng loạt khẩu pháo đủ khả năng san phẳng Seoul.
Khu vực này liệu sẽ được giữ nguyên, hay sẽ trở thành một biên giới bình thường giữa hai đất nước?
Thứ hai, chuyện gì sẽ xảy ra với 30.000 lính Mỹ hiện đang bảo vệ Hàn Quốc? Ông Kim Jong Un nói rằng các lính Mỹ có thể tiếp tục ở lại đây. Trước đó, ông Kim và Trung Quốc đã yêu cầu toàn bộ lính Mỹ phải rút lui khỏi khu vực.
Các cố vấn Mỹ tỏ ra cảnh giác với yêu cầu nói trên bởi một khi rút đi, quân đội Mỹ có thể sẽ không trở lại đây được nữa nếu xét tới mối quan hệ trên chính trường giữa Mỹ và Hàn Quốc.
Thứ ba, Triều Tiên có yêu cầu Mỹ và Hàn Quốc ngừng tập trận quân sự hay không?
Đây từng là một trong những điều kiện tiên quyết do Bình Nhưỡng đặt ra. Mỹ và Hàn Quốc gần đây đã tham gia tập trận chung, nhưng không rầm rộ như trong quá khứ.
Thứ tư, Mỹ có thừa nhận Triều Tiên là một quốc gia hay không? Từ góc nhìn của Mỹ, điều này sẽ "hợp pháp hóa" Triều Tiên, đảo ngược chính sách đối ngoại kéo dài 65 năm qua của Mỹ.
Nếu Washington thừa nhận Triều Tiên, quyết định này sẽ mang tính lịch sử và không thể bị đảo ngược.
Thứ năm, Mỹ có gỡ các lệnh trừng phạt hay không? Cấm vận kinh tế do Mỹ và Liên Hợp Quốc áp dụng đã khiến kinh tế Triều Tiên trở nên đặc biệt khó khăn.
Thứ sáu, liệu Triều Tiên có tiêu hủy các vũ khí hạt nhân và từ bỏ chương trình phát triển hạt nhân hay không? Theo Reuters, ông Kim có vẻ như sẵn sàng làm chuyện này vô điều kiện.
Triều Tiên và Hàn Quốc có thể sẽ đồng ý kết thúc chiến tranh và giải quyết các vấn đề trên, hoặc ít nhất cũng đạt được sự đồng thuận nào đó.
Triều Tiên có nhiều lợi thế trong hội nghị Thượng đỉnh Hòa bình sắp tới nếu các vấn đề trên được đem ra đàm phán.
Đầu tiên, tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đang muốn cải thiện quan hệ với Bình Nhưỡng. Ông Moon sẽ cố gắng đảm bảo các thỏa thuận được thực thi. Tất nhiên, có khả năng tổng thống Hàn Quốc sẽ bị hạn chế bởi một số điều kiện từ phía Mỹ.
Thứ hai, ông Kim đã gặp mặt Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày 28/3 tại Bắc Kinh. Ông Tập chắc chắn đã "nhắn nhủ" ông Kim.
Không ai biết nội dung cuộc thảo luận là gì, nhưng các chuyên gia cho rằng ông Kim sẽ có ít lựa chọn của riêng mình.
Quan trọng hơn thế, cuộc gặp với ông Tập còn diễn ra trước cuộc gặp với ông Pompeo.
Thứ ba, ông Trump muốn thực hiện những điều mà ông Obama không thể đem lại cho người dân hai miền bán đảo.
Ông Trump có thể sẽ từ bỏ nhiều việc, bắt đầu với những thỏa thuận đạt được giữa ông Kim và ông Moon. Nhưng ông Trump cũng là người thường gây bất ngờ với những quyết định của mình. Không ai có thể đoán được chuyện gì sẽ xảy ra sau khi ông Kim gặp mặt ông Moon.
Ông Trump đã từng nói: "Nếu cuộc gặp không hiệu quả, tôi sẽ không ngần ngại rời khỏi bàn đàm phán."
Mọi người đều kì vọng cuộc gặp Thượng đỉnh Hòa bình sẽ thành công và giải quyết được vấn đề bán đảo. Ông Tập và ông Trump chính là những người đang nắm giữ chìa khóa cho sự kiện lần này. Không ai tiên đoán được hai nhà lãnh đạo sẽ làm gì trong tương lai.
Người dân hai miền Triều Tiên đã từng trải qua giai đoạn tương tự trong quá khứ. Tất cả nên hi vọng vào điều tốt đẹp nhất.
* Tiêu đề do tòa soạn đặt lại.
* For English version, click here.
* Đọc bản gốc bài viết bằng tiếng Anh tại đây.