Chuyện người nông dân trở thành Tiến sĩ danh dự: “Một tay” gây dựng cơ đồ

DOÃN HOÀNG |

Lão nông Đoàn Văn Khanh (tên khai sinh của ông Tư Khanh) là người dựng “cơ đồ” bằng một tay theo đúng nghĩa đen: Hỏng hẳn tay bên phải, chỉ với một cánh tay bên trái lành lặn, ông Khanh tham gia hoạt động cách mạng, làm xã đội trưởng, rồi phó chủ tịch huyện; đang là Tổng GĐ Công ty khai thác gỗ của Tỉnh đội Tiền Giang thì ông “cáo quan” về quê làm nông dân.

Đang chăm chỉ ruộng vườn thì ông khăn gói lên TPHCM thi vào trường đông y, theo học chỉ để giải oan cho cây bưởi; ông cũng không rập khuôn theo các bài thuốc có sẵn mà đêm ngày tư duy, nghiên cứu, thí nghiệm để tìm ra những công dụng, công thức hoàn toàn mới cho loài cây thân thuộc đó.

Để bây giờ ông “chết danh” với tên gọi “Vua bưởi”, và nổi tiếng là người nông dân đầu tiên của nước ta được trường ĐH Florida (Hoa Kỳ) trao bằng Tiến sĩ danh dự.

Vì cây bưởi mà đến trường ở tuổi 50

Quanh tường nhà ông Tư Khanh ở ấp Mỹ Phú, xã Song Thuận, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang là những dãy tủ gỗ có nhiều ô kéo như bất cứ gian nhà của thầy thuốc đông y nào. Ông đi dép lê, gầy gò, lọt thỏm trong bộ quần áo giản dị.

Tay trái pha trà, rót nước, lấy “kẹo dừa sáp tự tay vợ tui làm từ cây dừa nhà trồng” để mời khách. Cánh tay phải đu đơ hầu như không cử động, lúc ông gác cẳng tay lên bàn nước, những ngón tay co quắp, xiên xiêu.

Ông là thương binh hạng 2/4, bị thương 7 lần làm mất 61% sức khoẻ; thương tật đến mức chân không đi được giày, tay đầy sẹo nên lúc nào ông cũng bận quần áo dài để bớt làm người khác sợ.

Tay phải bị gãy khi ông mới hơn mười tuổi, đang ở bệnh viện điều trị thì chiến tranh làm bệnh viện tan hoang nên cánh tay ông vì thế mà bị bỏ ngang việc... chữa.

Sau này tham gia chiến đấu, cánh tay “dở sống dở chết” đó bị thương thêm một lần nữa, thế là hỏng hẳn.

Thời chiến, khi chính quyền Sài Gòn thành lập căn cứ quân sự Đồng Tâm ở Tiền Giang để lùng sục và đàn áp phong trào cách mạng vùng Đồng bằng sông Cửu Long, cậu bé Khanh lúc đó mới 13 tuổi đã làm giao liên mật cho cách mạng.

Hai năm sau, chứng kiến những chiến sĩ của Tiểu đoàn 514 cảm tử trong trận quyết chiến hạ đồn Đội Biên, cậu bé Khanh đã xin gia nhập đội du kích địa phương.

16 tuổi cậu làm xã đội phó, 17 tuổi làm xã đội trưởng, 18 tuổi vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng và làm Bí thư xã uỷ, 23 tuổi là Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành.

Thấy chúng tôi tròn mắt thán phục, ông Tư Khanh phẩy tay hài hước: “Chiến tranh, hy sinh quá trời, nhìn đi nhìn lại ở địa phương không còn ai, không có trâu thì bò phải đi cày chớ tui có tài cán chi đâu”.

Ông Nguyễn Văn Đời, người nhiều năm cùng hoạt động với ông Khanh trong Hội Cựu chiến binh xã Song Thuận hồ hởi: Tròn 40 tuổi ổng “cáo quan” về quê làm nông dân kiêm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh.

Ngày đó hội có 124 thành viên thì 11 thành viên - 11 hộ sống trong nhà lá mục nát, ổng đã đưa ra ý tưởng: Mua dê giống, thỏ giống giao cho các hộ khá giả nuôi.

Ban đầu, hội phản đối rần rần, nhưng sau một năm hội thu về gấp đôi số dê giống, gấp mười số thỏ giống để cấp không cho các hộ khó khăn.

Nhờ quyết định “ngược đời” đó của ổng mà có nhiều cựu chiến binh làm giàu nhờ nuôi thỏ, nuôi dê. Đang được hội viên tín nhiệm tới 4 nhiệm kỳ thì ổng đùng đùng xin nghỉ để lên Sài Gòn... đi học.

Nghe nhắc lại chuyện cũ, ông Tư Khanh vẫn tức khí: “Quãng 2005 - 2006, trên nhiều phương tiện thông tin rộ lên “tin đồn” ăn nhiều bưởi gây ung thư. Tui nghe, đọc thông tin đó mà nóng người nghĩ: “Cây bưởi là cây trồng bao đời ở đất Châu Thành.

Trong các cây ăn trái ở cả tỉnh Tiền Giang này, cây bưởi là lành lẽ nhất. Mình lớn lên với hương bưởi trên tóc mẹ, với trái bưởi trong vườn nhà, không lẽ mình chịu ngồi yên để nghe người ta đổ oan cho cây bưởi?

Bà con thì điêu đứng vì bưởi trồng ra mà không có người mua. Thế là tui quyết tâm “trốn” vợ con lên Sài Gòn học 2 năm Trung cấp Đông y, dù lúc đó đã ngoài 50 tuổi. Mục đích lúc đó của tui chỉ có một: Lấy kiến thức để cởi tiếng oan cho cây bưởi”.

Chuyện người nông dân trở thành Tiến sĩ danh dự: “Một tay” gây dựng cơ đồ - Ảnh 1.

Say mê nghiên cứu, đưa vào ứng dụng đa dạng từ chính cây trái quê nhà, ông Khanh là người nông dân đầu tiên của nước ta được ĐH Florida (Hoa Kỳ) cấp bằng Tiến sĩ danh dự.

Theo dõi con ong tìm bí quyết

Sau hai năm đèn sách, ông Tư Khanh nghĩ đến việc tận dụng những phần bỏ đi của trái bưởi và hoa bưởi rụng. Thế là “tinh dầu bưởi” trở thành đề tài đeo đuổi của lão nông dân luôn mang trong đầu tư duy khoa học này.

Người đầu tiên “bị” ông Khanh dụ dùng thử là Chủ tịch Hội Phụ nữ xã.

Ông phân tích: “Tuổi bả đã lớn, tóc bạc và rụng nhiều nên sẽ là “ca” rất thuyết phục”. Nghe ông Tư Khanh nói về công dụng của tinh dầu bưởi đối với việc ngăn rụng và kích thích mọc tóc, bà Chủ tịch hội Phụ nữ mừng húm nhận lời dùng thử ngay.

Ông Khanh hài hước kể: “Sau khoảng hai tuần thấy bả đầu đội khăn hùng hổ bước vô nhà tui, tui hớn hở: “Sao rồi chị? Tóc đã...”. Tui còn chưa hỏi xong đã thấy bả tháo khăn, tóc mọc đâu không thấy, chỉ thấy trơ da đầu”.

Tui còn đang há hốc miệng thì bả ôm mặt khóc. Lặng người một lát rồi tui hiểu vì tham công dụng mà tui cô tinh dầu đặc quá, gây nên tác dụng ngược”.

Quyết “phục thù”, ông ngày đêm nghiên cứu, thử nghiệm, thêm cái này, bớt cái kia, ông còn phá bỏ lò chưng cất cũ, đầu tư cả trăm triệu đồng xây dựng lò chưng cất hiện đại.

Sau khi đã tính toán cẩn thận về liều lượng, ông Tư Khanh giao nhiệm vụ làm “chuột bạch” cho bản thân. Sau khi thấy có tác dụng, ông mang tinh dầu mới sang “đền” cho bà Chủ tịch Hội Phụ nữ. “Tui phải đưa chính mái tóc đen mượt, đầy tóc đang mọc của mình ra bả mới tin”.

Từ ngày đó đến nay đã hơn mười năm ông Tư Khanh mày mò nghiên cứu bất kể đêm, ngày, thử nghiệm và thất bại không biết bao nhiêu lần.

Song những thất bại không làm ông nhụt chí. Đến bây giờ ông thu về thành quả: Tinh dầu hoa bưởi, tinh dầu vỏ bưởi, nước bưởi ép, mứt bưởi, trà hoa bưởi, thậm chí cả nhang bưởi...

Ông tông tốc kể không hề giấu giếm: “Nước ép bưởi đã có nhiều người làm rồi, nhưng nếu chỉ đơn độc trái bưởi để giảm cân thì rất khó có tác dụng nên tui gia giảm vào nước ép bưởi vài loại cây có công dụng đốt mỡ khác.

Hướng đến sản phẩm an toàn nên tui kiên quyết nói không với chất bảo quản. Đang đau đầu tìm hướng đi thì mấy con ong bay vù trước mặt.

Trong đầu tui loé lên: “Thấy rồi! Con ong nó có biết chất bảo quản là gì đâu mà mật của nó để một hai năm vẫn không bị hư?!”

Thế là ông Tư Khanh đi tìm chuyên gia. Ông đến tận Trung tâm Nghiên cứu Ong (thuộc viện Chăn nuôi) tìm hiểu kiến thức, cách phân chia công việc của đàn ong.

Rồi ông nhờ những người nuôi ong chỉ cho đâu là con ong chuyên lấy mật, đâu là con ong 8 - 16 ngày tuổi chuyên lo chế biến mật.

Nhắc đến chuyện “học lóm” bí quyết của ong, ông Khanh cười khinh khích: “Nhận dạng” được nhóm ong chuyên chế biến mật rồi, tui phải canh từ lúc nó còn trong tổ, đến lúc nó bay ra ngoài. Ở gần thì bị nó đốt nhiều đến mức mặt tui như cái màn tuyn.

Lúc nó bay ra ngoài, theo dõi được đúng nó lại càng khó hơn. Sau “quá trời” thời gian theo dõi, cuối cùng tui cũng tìm được bí quyết bảo quản mật của lũ ong: Hoá ra đó chỉ là một loại lá cây vô cùng quen thuộc”.

Hỏi ông đi học đông y, sao chỉ tập trung vào cây bưởi? Ông Tư Khanh nói bà con quê mình làm giàu vì cây bưởi, lụn bại cũng vì cây bưởi nên dù đi học đông y nhưng ông không chữa bệnh bằng những bài thuốc rập khuôn ở nhà trường, trong sách vở; ông tập trung nghiên cứu đa dạng các loại thực phẩm chức năng, thậm chí là cả mỹ phẩm từ chính cây bưởi.

Để sản phẩm của mình vừa có tác dụng chữa bệnh, vừa hỗ trợ chữa bệnh, lại vừa giải quyết được vấn đề tiêu thụ cây trồng cho bà con.

Bây giờ Châu Thành canh tác cây bưởi theo tiêu chuẩn VietGap, và nhiều sản phẩm của ông được công nhận là sản phẩm organic (sản xuất theo phương pháp hữu cơ), có những loại còn đạt tiêu chuẩn organic của Châu Âu, Châu Mỹ.

Bất chợt chúng tôi hỏi chuyện vừa rồi đích thân hiệu trưởng trường ĐH Florida (Hoa Kỳ) trao tặng ông bằng Tiến sĩ danh dự.

Ông Tư Khanh lật khật đi tìm chìa khoá mở cánh cửa gian nhà gỗ bên cạnh, cửa vừa mở, chúng tôi đã xuýt xoa trước rất nhiều bằng khen, giấy khen của ông treo kín trên tường; xếp chồng, xếp lớp trên vuông phản.

Ông có vẻ ngại ngại: “Các chú hỏi thì tui mở cửa cho các chú xác thực, chớ khoe mấy thứ này tui thấy kỳ lắm. Tui chỉ nghĩ đơn giản: Hoa, trái, thậm chí là trái non, trái rụng, cành khô tui cũng đưa vào ứng dụng được.

Nên tui bao tiêu toàn bộ đầu ra cho bà con, giúp bà con luôn bán được với mức giá ổn định, cao hơn thương lái; vậy là tui đã thấy hạnh phúc và mãn nguyện không gì sánh bằng rồi”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại