Hồ xương khổng lồ trên nóc nhà thế giới
Hồ Roopkund là một địa điểm du lịch đẹp với phong cảnh như tranh vẽ, nằm ở độ cao hơn 5.000 mét so với mực nước biển trên đỉnh Himalaya, thuộc phần lãnh thổ của đất nước Ấn Độ. Phần lớn thời gian trong năm, hồ được bao phủ bởi màn băng tuyết trắng xóa và lạnh giá. Chỉ có thời gian ngắn vào mùa xuân hàng năm, hồ được thay áo và để lộ “lớp da thịt” của mình.
Và ở chính thời điểm đó, người ta đã khám phá ra một bí ẩn lớn, đầy kì lạ của hồ Roopkund. Đó là vào năm 1942, khi các nhân viên kiểm lâm miền Bắc Ấn Độ khi lên đến hồ Roopkund vào thời điểm băng tuyết tan đã tình cờ phát hiện ra hơn 200 bộ xương người ở một góc lòng hồ. Hầu hết các bộ xương người này đều còn nguyên vẹn. Sau đó, người ta tiếp tục tiến hành xem xét và đếm thì phát hiện ra rằng có tới hơn 800 bộ xương người với nhiều kích cỡ khác nhau trong lòng hồ Roopkund.
Trận mưa đá đã giết chết hết mọi người trong bữa tiệc rồi vùi chôn xác họ trong hồ Roopkund, qua hàng ngàn năm mà còn lại những bộ xương này. Trước thông tin về một hồ xương khổng lồ trên đỉnh Himalaya huyền thoại cùng với sức hút của câu chuyện truyền thuyết, các nhà khoa học cũng như những người ưa khám phá mạo hiểm, bắt đầu lần về hồ Roopkund để tìm ra câu chuyện đằng sau hồ xương khổng lồ trên đỉnh của nóc nhà thế giới này.
Khám phá của các nhà khoa học
Sau khi khảo sát kỹ các bộ xương người, các nhà khoa học phát hiện có một số vòng đeo tay bằng thuỷ tinh, nhẫn, hài bằng da và gậy trúc, không có vũ khí quân đội. Ngoài ra, khi kiểm tra thi thể tại hiện trường, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng ở phía trên đầu các hài cốt này đều có một vết nứt khá sâu. Những vết thương chí mạng này không phải do lở núi hay lở tuyết gây ra mà là do vật thể hình tròn như quả cầu lông đánh trúng. Các vết thương này đều nằm trên đỉnh đầu của nạn nhân.
Về nguyên nhân cái chết của hơn 800 người này thì các nhà khoa học cho rằng họ không hề bị nhiễm bệnh mà tử vong cùng một lúc. Có thể, một cơn mưa đá với tốc độ vô cùng lớn (có thể là hơn 160km/h) đã bất ngờ xảy đến khiến cho những người này không kịp tìm chỗ ẩn nấp và bị chết. Một số ít trong số họ bị thương và sau đó bị chết vì đói, rét.
Thời gian của trận mưa đá này xảy ra là vào khoảng năm 850, tức là cách đây hơn 1000 năm. Việc những bộ xương này còn nguyên là do sự bảo quản của băng tuyết trong nền nhiệt thấp của vùng hồ Roopkund.
Việc xảy ra trận mưa đá có tốc độ lớn gây chết hàng trăm người là điều hoàn toàn có thể diễn ra vì trong sách Kỷ lục Guiness thế giới có ghi, năm 1986 ở Bangladesh từng xảy ra một trận mưa đá kinh hoàng, hạt mưa đá nặng đến 1kg, gây ra cái chết cho 92 người. Do vậy, các nhà khoa học tin rằng rất có thể, một trận mưa đá với tốc độ lớn tương tự đã xảy ra trước đó, nhất là ở vùng núi cao của đỉnh Himalaya.
Bản thân các nhà khoa học, sau khi tiến hành nghiên cứu xong cũng trả các bộ xương về với lòng hồ Roopkund để chúng có thể sống tiếp trong vai trò chứng nhân lịch sử của mình. Ngày nay, hàng năm, cứ đến hẹn lại lên, khi lớp băng giá bao phủ trên hồ tan ra là thời điểm hàng trăm, hàng nghìn khách du lịch mạo hiểm tới tham quan. Và đó cũng là lúc hàng trăm tín đồ tôn giáo, tụ tập về đây để cầu nguyện.
Theo Người đưa tin