75 năm thảm họa Hiroshima và Nagasaki: Nguy cơ hạt nhân vẫn hiện hữu Tổng thống Mỹ Harry Truman và quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima Nhật Bản: Kỷ niệm 71 năm thảm họa hạt nhân Hiroshima
Trong số các vật phẩm đa dạng trong bộ sưu tập của Viện nghiên cứu y học và sinh học bức xạ thuộc Đại học Hiroshima có 2 lọ mẫu bằng thủy tinh, mỗi lọ cao độ 15cm và chứa một chất dịch trong suốt, bên trong có một cái đốm màu nâu mà nhìn sơ sơ có thể bị nhầm với cái túi tạp hóa nhàu nhĩ.
Chúng là tất cả những gì còn lại của nữ diễn viên sân khấu Midori Naka. Naka, người nổi tiếng bởi phong cách kịch nghệ shingeki đã bị quả bom "Chú Bé" phát nổ gần nơi cô sinh sống. Năm đó nữ nghệ sĩ mới tròn 36 xuân xanh.
Naka không chết ngay khi quả bom phát nổ mà rời xa cõi trần 18 ngày sau đó. Midori Naka là người đầu tiên trên thế giới bị chết trong cái căn nguyên được gọi là “ngộ độc bức xạ”.
Có một sự thực rõ ràng là hài cốt của Naka sẽ nằm ở Hiroshima ngay bên trong một viện nghiên cứu được tạo ra để tìm hiểu và trị về các căn bệnh liên quan đến bức xạ, nhưng 2 cái lọ thủy tinh đã tìm đến nơi đó trong một lộ trình hết sức kỳ lạ sau hàng thập niên lênh đênh ở nước ngoài cùng với hàng ngàn cơ phận người khác, những mẫu ướt cùng các vật liệu pháp y của các nạn nhân chết vì bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki.
Phẫu thuật pháp y nạn nhân bom nguyên tử
Đầu hè năm 1945, lúc đến thành phố Hiroshima cùng với đoàn kịch Sakura, Midori Naka là một ngôi sao triển vọng, thành công và đầy quyến rũ. Ông Seiji Ikeda, nam diễn viên, người từng hoạt động chung với Naka, nhớ lại: “Chị ấy mê sân khấu lắm. Không những xinh đẹp, chị ấy còn có trái tim rộng mở. Naka như người chị cả với những người đồng nghiệp quanh mình”.
Naka cùng các đồng nghiệp thường xuyên khích lệ tinh thần nghệ thuật khi hay tổ chức các buổi diễn cho cánh công nhân làm trong các nhà máy sản xuất đạn dược. Và lúi húi trong nhà bếp của đoàn kịch vào cái buổi sáng của ngày 6 tháng 8 năm 1945 khi vụ nổ bom hạt nhân thứ hai trong lịch sử đã diễn ra chỉ cách đó không đầy 1 dặm (vụ nổ đầu tiên là thử nghiệm Trinity ở New Mexico vào ngày 16 tháng 7 năm 1945).
Chân dung nghệ sĩ sân khấu Midori Naka thuở sinh thời. Ảnh nguồn: Wikipedia.
Naka không bị chết ngay từ vụ nổ ban đầu, tuy nhiên sóng xung kích đã phá hủy tòa nhà (của đoàn kịch Sakura), vài nghệ sĩ trong đoàn kịch đã chết. Bò ra từ đống đổ nát, Naka tìm cách đi khỏi Hiroshima ngay buổi sáng của ngày 10 tháng 8 năm 1945 trên chuyến tàu hỏa đầu tiên đến Tokyo.
Ngày 16 tháng 8, Naka nhập viện Đại học Tokyo và tình trạng sức khỏe diễn tiến xấu đi. Cô bắt đầu rụng tóc, các vết lở loét bắt đầu xuất hiện khắp cơ thể. Lượng bạch cầu giảm mạnh dù được truyền máu nhiều đợt. Naka ra đi sau buổi trưa ngày 24 tháng 8.
Một ngày sau khi nghệ sĩ Midori Naka nhập viện, bác sĩ Koyishi Yamashina thuộc Cục y tế của quân đội Thiên hoàng Nhật Bản cũng từ Hiroshima đến Tokyo. Ông được phái đến Hiroshima từ ngày 8 tháng 8 tức chỉ 2 ngày sau vụ nổ, như là một phần của nhóm khảo sát gồm 9 thành viên.
Là một trong những chuyên gia y tế đầu tiên bắt tay vào thảm họa, bác sĩ Koyishi Yamashina đã thực hiện ca phẫu thuật pháp y đầu tiên trên cơ thể nạn nhân bom nguyên tử vào ngày 10 tháng 8, đó là một cậu bé đã thiệt mạng khi bom phát nổ.
Tiếp đó bác sĩ Yamashina chủ yếu làm việc trên đảo Ninoshima ở gần đó, nơi nhiều người sống sót được chuyển đến, và quay lại Tokyo vào ngày 17 tháng 8 sau khi đã thực hiện những ca phẫu thuật pháp y.
Trong những ngày đầu khốn khổ đó, bác sĩ Yamashina cùng các thầy thuốc khác đã tiến hành một số ca phẫu thuật với những nạn nhân đầu tiên bao gồm bệnh nhân 34 tuổi Nobuki Uchiyama. Báo cáo pháp y của bác sĩ Yamashina mô tả Uchiyama là “người cao ráo, xương đậm, thể trạng dinh dưỡng tốt” khi qua đời vào lúc tảng sáng ngày 13 tháng 8.
Nạn nhân Uchiyama bị nạn chỉ cách chấn tâm (khu vực số 0 trên bộ) khi quả bom phát nổ ở độ cao 579m. Vùng thái dương phải của nạn nhân bị dập nát, bị thương ở chân phải, vai và cánh tay bị cháy sém. Sau cái chết của Uchiyama, bác sĩ Yamashina đã tiến hành lấy đi các cơ phận nội tạng của nạn nhân bao gồm lá lách (130 gram), quả tim (290 gram) và thận phải (140 gram).
Trong suốt 2 tháng 8 và 9, các nhà Bệnh học Nhật Bản đã tiến hành hàng loạt ca giải phẫu pháp y khi số lượng nạn nhân không ngừng tăng.
Họ mổ xẻ các nội tạng, thực hiện lấy các mô tế bào và dần dần hình thành một thư viện bệnh học mới bao gồm “hồ sơ ướt” (các mẫu nội tạng được bảo quản). Sau rốt công việc của các bác sĩ là cố gắng tìm hiểu chuyện gì đã xảy ra với các đồng bào mình để có thể cứu sống những người khác.
Nhưng rất nhiều lần các bác sĩ lâm vào thế kẹt khi lúng túng trước các trường hợp lạ lẫm hoàn toàn không có trong sách vở y khoa, một thảm họa nhân tạo làm biến dạng cơ thể người theo nhiều cách chưa từng thấy. (Có thể kể đến nhà bác học Marie Curie đã chết do phơi nhiễm bức xạ, nhưng không phải là kiểu ngộ độc bức xạ cấp tính từ một liều lượng lớn).
Người Nhật tuyên bố đầu hàng vô điều kiện vào ngày 15 tháng 8 năm 1945, tức chỉ 6 ngày sau khi xảy ra vụ thả bom ở thành phố Nagasaki, và thuật ngữ “đầu hàng” chỉ chính thức đặt bút ký vào ngày 2 tháng 9 năm 1945.
Cuối tháng 9 đó, các nhóm chuyên gia y tế Mỹ bắt đầu đến Nhật. Vào thời điểm đó, các nhà Bệnh học Nhật Bản đã thu thập một kho lưu trữ lớn các cơ quan nội tạng mà họ hy vọng sẽ trị khỏi cho nhiều bệnh nhân bằng sự chăm sóc của họ.
Những toan tính của người Mỹ
Khi đội khảo sát Nhật lần đầu tiên đến Hiroshima, các nhóm y tế Mỹ đã làm việc cùng các đồng nghiệp Nhật. Nhưng đến tháng 11 thì sứ mạng đột ngột thay đổi.
Các viên chức quân sự Mỹ đã tự thu thập các mẫu nội tạng và đưa chúng về Mỹ. Các phần tử thi từ ít nhất 218 ca phẫu thuật cùng với 1.400 mẫu khác đã được chuyển đến Washington, D.C., nhằm phục vụ cho nghiên cứu chuyên sâu.
Viện bệnh học lực lượng vũ trang Mỹ (AFIP), nơi chuyên thu thập và nghiên cứu các cơ quan nội tạng nạn nhân bom nguyên tử ở Nhật Bản. Ảnh nguồn: Public Domain Files.
Khỏi cần nói cũng biết các nhà khoa học Nhật Bản đã kinh ngạc đến thế nào. Nhà nghiên cứu Bệnh học người Nhật Bản, Chuta Tamagawa của Đại học Hiroshima, từng rất ca thán việc chuyển giao này, sau này ông giải thích với tờ Chugoku Shimbun rằng: “Xác chết và tài liệu pháp y không phải là chiến lợi phẩm của chiến tranh”. Các nhà nghiên cứu Nhật Bản phàn nàn rằng rất nhiều tài liệu pháp y đã vĩnh viễn không được người Mỹ trả lại.
Những phần thi thể được lấy từ Hiroshima và Nagasaki đã tạo ra một kho lưu trữ quan trọng nhằm hiểu thêm về tác động của bức xạ, và ngay từ phút đầu chính phủ Mỹ đã tỏ ra rất quan tâm tới bộ sưu tập mới này.
Ấn phẩm đăng năm 1946 trên tờ Dịch vụ tin tức quốc tế (INS) khi thảo luận về hài cốt của nghệ sĩ Midori Naka đã tiết lộ rằng các nhà khoa học từng quả quyết có một loại cấu trúc của nạn nhân ngay tại thời điểm phơi nhiễm tác động của bức xạ: “Số phận của người Nhật tương quan với loại tòa nhà và địa điểm khi nạn nhân bị thương hoặc tử vong.
Kiến thức này rất quan trọng vì nó dẫn đến việc phát triển cấu trúc phòng thủ”. Nhiều đánh giá khoa học về bụi và ngộ độc bức xạ đã dựa đáng kể vào “kho lưu trữ ướt”. Nhưng để những tử thi này có giá trị khoa học thì các cơ quan nội tạng phải được nguyên tử hóa và mổ xẻ, cắt thành nhiều lát thật mỏng, giữ ổn định trong sáp và formaldehyde, bảo tồn hoặc cắt xén.
Các cơ phận người được đưa tới Mỹ đã mất tất cả những mối liên hệ cá nhân và đặc tính của chúng. Bấy giờ chúng không còn đơn thuần là xác người nữa mà đã trở thành những phần nhỏ hơn cho một kiến thức mới mẻ về cơ thể.
Trong khi phần lớn “kho lưu trữ ướt” buổi ban đầu là do sự thu thập của các nhà khoa học Nhật Bản trong 2 kỳ hè, thu năm 1945, thì Ủy ban thương vong bom nguyên tử Mỹ (ABCC) đã tiếp tục thu thập mẫu suốt nhiều năm sau đó nhằm mục tiêu thành lập một bệnh xá ở Hiroshima để điều trị cho các nạn nhân bức xạ cũng như thu thập tài liệu khám nghiệm tử thi từ những người chết.
Trong khi có những gia đình Nhật Bản sốt sắng với dự định của người Mỹ thì cũng có một bộ phận xem ABCC là “tổ chức cướp xác”. Tuần báo Asahi năm 1966 ví von ABCC là “đám kền kền” hay “mạng lưới tìm xác thối”, và hé lộ những người cung cấp tin cho ABCC sẽ được trả công 60 Yên / xác.
Trong cuốn sách công bố năm 1958 mang tựa đề “Những đứa trẻ từ tàn tro”, nhà báo người Áo, Robert Jungk, đã viết: “Ở ABCC có một nơi gọi là “phòng chẩn đoán” nơi thực hiện “các ca thú vị”: chủ yếu dùng cho các xác chết vì bệnh bức xạ hoặc các bệnh nan y liên quan”.
Theo thời gian, “phòng chẩn đoán” đã cung cấp cho ABCC nhiều tư liệu nghiên cứu lâm sàng, song tiếng của nó lan xa đến nỗi Kiyoshi Kikkawa, một trong những sáng lập viên của Hiệp hội nạn nhân nguyên tử (AAV) phải gọi nó là “nhà máy sản xuất xác chết”.
Buổi ban đầu khi đưa các cơ phận người sang Mỹ, chúng được giấu rải rác trong các tòa nhà quanh thủ đô Washington D.C, nhưng đến năm 1949 thì mọc lên một cấu trúc khổng lồ có khả năng chống chịu bom nguyên tử mang tên “Viện bệnh học lực lượng vũ trang (AFIP) đi vào hoạt động vào năm 1955.
Tất cả cơ quan nội tạng mang từ Nhật Bản sang Mỹ sẽ được chuyển đến phòng chuẩn bị trong Đơn vị nguyên tử của AFIP. Cứ mỗi bước sẽ có các con số và thẻ nhận dạng được cung cấp nhằm loại bỏ danh tính của các tử thi.
Thời gian trôi đi, việc lập danh mục ngày càng trở nên lộn xộn khiến các mẫu vật dần bị mất đi ý nghĩa. Đó cũng là lý do khiến cho ông R. Keith Cannan, giám đốc điều hành của ABCC và đồng thời là chủ tịch của Bộ phận khoa học y tế thuộc Viện hàn lâm khoa học quốc gia Mỹ (NAS) dần dần tin rằng “lưu trữ ướt” đang mất đi tính hữu dụng khoa học.
Hành trình hồi hương đất mẹ
Chính trong bối cảnh lộn xộn mẫu vật ở ABCC mà người Mỹ bắt đầu chấp nhận yêu cầu của Nhật Bản nhằm hồi hương các phần thi thể người về lại cố quốc. Trong thập niên 1960, tình cảm dân tộc chủ nghĩa bắt đầu bồi đắp ở Nhật Bản với không ít oán giận hướng về nước Mỹ. “Kho lưu trữ ướt” là trọng tâm chính của mọi căng thẳng và người Nhật muốn lấy lại.
Các cơ phận nội tạng của nạn nhân Hiroshima tại Viện nghiên cứu y học và sinh học bức xạ thuộc Đại học Hiroshima. Ảnh nguồn: Hiroshima Peace Media.
Tại hội nghị khoa học năm 1967, các nhà khoa học của Hội đồng khoa học Nhật Bản (JSC) đặt câu hỏi: “Họ (các hài cốt) có được quay về cố hương (nước Nhật) không?”. 5 năm trước đó, ngay cả ông Keith Cannan cũng ủng hộ cho việc trả lại tất cả các hài cốt ở ABCC về lại Nhật Bản.
Trong một lá thư gửi cho người đứng đầu AFIP vào năm 1967, ông Keith Cannan viết: “Có một chủ đề tế nhị trong những năm gần đây và nó bắt đầu từ bàn tay của những người chống Mỹ. Xuất phát từ thực tế này, tôi cho rằng nên trả lại càng sớm càng tốt”.
Cuối cùng các trung tâm dữ liệu bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki đã mở cửa vào năm 1969 nhằm dọn đường cho việc trao trả lại các cơ phận người. Người Nhật chào đón với hy vọng “lưu trữ ướt” sẽ giúp cho các nhà khoa học Nhật nghiên cứu một đề tài mà họ từng muốn nhưng chưa có dịp thực hiện.
Mãi tới năm 1973 thì quá trình trao trả mới hoàn tất. Buổi lễ hồi hương diễn ra vào tháng 5 năm 1973 đã đánh dấu cho sự kết thúc hành trình phiêu lưu kéo dài 30 năm.
Trong bài báo công bố vào năm 1998 mang tiêu đề “Hồi hương các cơ phận nạn nhân bom nguyên tử về lại Nhật - Đối tượng tự nhiên và ngoại giao”, nhà nghiên cứu M. Susan Lindee nhấn mạnh: “Người Nhật có mặt ở buổi lễ hồi hương với sự im lặng đáng ngạc nhiên, sự im lặng đó đặc biệt tế nhị trong bối cảnh lễ tưởng niệm ở Hiroshima”.