Theo Thời báo Hoàn Cầu, sau vụ đụng độ biên giới ở thung lũng Galwan ngày 15/6 thì tại Ấn Độ, chủ nghĩa dân tộc và thái độ thù địch với Trung Quốc đang gia tăng mạnh mẽ. Trong khi đó, giới phân tích Trung Quốc và một số tiếng nói "lý trí" tại Ấn Độ lên tiếng cảnh báo rằng New Delhi nên kiềm chế chủ nghĩa dân tộc ở quê nhà.
Theo đó, Ấn Độ sẽ "ê chề" hơn những gì nước này từng nếm trải sau cuộc xung đột biên giới năm 1962 với Trung Quốc nếu họ không thể kiểm soát được quan điểm chống Trung Quốc tại Ấn Độ hiện nay và nếu để nổ ra một cuộc xung đột quân sự mới với Bắc Kinh.
Phát biểu hôm 19/6, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết, lực lượng vũ trang Ấn Độ "đã được trao quyền tiến hành mọi bước đi cần thiết" để bảo vệ lãnh thổ nước này.
"Cả nước đang đau thương và tức giận với những hành động của Trung Quốc", ông Modi nói: "Ấn Độ muốn hòa bình và hữu nghị, nhưng bảo vệ chủ quyền là quan trọng nhất".
Thủ tướng Ấn Độ cho biết thêm rằng sau các vụ đụng độ, "không có ai bên trong lãnh thổ chúng ta, và không có vị trí nào của ta bị mất".
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Ảnh: Xinhua
Theo các nhà quan sát Trung Quốc, cách nói của Modi cho thấy ông vừa muốn xoa dịu sự phẫn nộ trong nước nhưng cũng vừa muốn hạ nhiệt căng thẳng vì nhận thấy rằng Ấn Độ không thể xảy ra xung đột với Trung Quốc thêm lần nữa.
Lin Minwang, giáo sư tại Trung tâm các nghiên cứu Nam Á – Đại học Fudan ở Thượng Hải nhận định, phát ngôn của ông Modi sẽ rất hữu ích trong việc làm dịu căng thẳng giữa hai phía do với tư cách là Thủ tướng Ấn Độ, ông Modi đã gạt đi định kiến mà những bên khác có thể dựa vào đó để tiếp tục đổ tội cho Trung Quốc.
Trong khi đó, chuyên gia quân sự tại Bắc Kinh Wei Dongxu nói với Hoàn Cầu rằng, tuyên bố của ông Modi về việc lực lượng vũ trang Ấn Độ có thể "tiến hành mọi bước đi cần thiết" chính là màn biểu dương sức mạnh nhằm xoa dịu người dân Ấn Độ và thúc đẩy tinh thần của binh lính Ấn Độ.
Theo giới quan sát Trung Quốc, ông Modi đang "chơi chữ" nhằm tránh leo thang tình hình. Ông Wei cho rằng, không chỉ về quân đội mà cả về tầm ảnh hưởng trong khu vực và quốc tế, Trung Quốc đều vượt trội so với Ấn Độ.
Chuyên gia Lin nhận định, nếu có xung đột với Pakistan hay các quốc gia láng giềng khác, chủ nghĩa dân tộc có thể thúc đẩy New Delhi gây chiến nhưng với Trung Quốc thì đó lại là một câu chuyện khác.
"Chính phủ và các lãnh đạo quân đội Ấn Độ hiểu Trung Quốc mạnh như thế nào, chỉ những kẻ theo chủ nghĩa dân tộc ở Ấn Độ là không biết gì mà kiêu ngạo", ông Li nói, "Họ có thể mạnh miệng nhưng không dám nổ súng trước nhằm vào chúng ta".
Cũng theo những chuyên gia này, lý do khiến Trung Quốc không công khai số lượng binh lính thương vong là do Bắc Kinh cũng muốn hạ nhiệt tình hình. Nếu con số thương vong của Trung Quốc thấp hơn 20 binh lính (số thương vong của Ấn Độ) thì chính phủ Ấn Độ sẽ một lần nữa phải chịu áp lực.
Thời báo Hoàn Cầu nhấn mạnh, Trung Quốc hiện đang rất kiềm chế để tránh xung đột, nhưng điều đó không có nghĩa Trung Quốc sợ hãi các hành động khiêu khích hay hung hăng từa phía bất cứ quốc gia nào, đặc biệt là Ấn Độ.
Giới quan sát quân sự Trung Quốc nhận định, nếu xảy ra xung đột quy mô lớn phải huy động tới lực lượng chủ lực của Trung Quốc như năm 1962 thì thương vong bên Ấn Độ sẽ rất lớn.
Những chuyên gia này cho rằng, trong khi Trung Quốc có nhiều lợi thế thì lực lượng Ấn Độ lại sử dụng vũ khí mua từ nhiều quốc gia khác nhau nên chúng có thể không ăn khớp với nhau. Đó là chưa kể các binh lính "vô kỷ luật" của Ấn Độ từng làm nổ tàu ngầm khi còn đang trên ụ khô và thậm chí bắn trúng một chiếc trực thăng của quân mình.