Chuyên gia quốc tế: Washington có cần tên lửa đạn đạo xuyên lục địa?

Lê Ngọc |

Theo quan điểm của chuyên gia Matt Korda, nước Mỹ không cần các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa cũng như chương trình Răn đe Chiến lược Bố trí trên Mặt đất đang được các thế lực diều hâu ở Lầu Năm Góc theo đuổi.

Tổng thống Joe Biden dự kiến ​​sẽ đệ trình yêu cầu ngân sách quốc phòng tài khóa 2022 lên Quốc hội Mỹ vào tháng 5/2021. Những nỗ lực liên tục nhằm tiếp tục chế tạo các loại vũ khí đắt tiền như máy bay chiến đấu F-35 Lightning và tàu sân bay lớp Gerald R. Ford đã gây những tranh cãi đặc biệt.

Một chương trình khác đang được phát triển cũng đã gây được nhiều sự chú ý, đó là Răn đe Chiến lược Bố trí trên Mặt đất (The Ground-Based Strategic Deterrent - GBSD).

Matt Korda - một nghiên cứu viên của Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ (Federation of American Scientists - FAS) - đã tham gia Quỹ Plowshares’s Press the Button để phản biện các khiếm khuyết của GBSD được đề xuất.

Korda đã có bài thảo luận về báo cáo FAS mới “Siloed Thinking: A Closer Look at the Ground-Based Strategic Deterrent” (tạm dịch là “Tư duy vững chắc: Cái nhìn gần hơn về Răn đe Chiến lược Bố trí trên Mặt đất”) đánh giá vai trò của tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) trong thế trận hạt nhân của Mỹ.

Lầu Năm Góc đã đưa ra một số lý do cho việc theo đuổi chương trình thay thế ICBM, bao gồm việc phát triển tên lửa mới sẽ rẻ hơn so với việc kéo dài tuổi thọ của tên lửa Minuteman III hiện tại.

Korda chỉ trích những lời biện minh này, nói rằng “các giả định dường như hoặc là sai sót hoặc là phóng đại. Cuối cùng, người ta đã thiên kiến rất nhiều về quyết định của Lầu Năm Góc trong việc theo đuổi GBSD”.

Chuyên gia quốc tế: Washington có cần tên lửa đạn đạo xuyên lục địa? - Ảnh 2.

Washington có thực sự cần tên lửa đạn đạo xuyên lục địa?; Nguồn: wikipedia.org

Ông giải thích rằng, quyết định chế tạo tên lửa mới của Lầu Năm Góc dựa trên việc duy trì lực lượng ICBM hiện tại cho đến năm 2075 thiếu thuyết phục. Theo Korda, “nếu chọn một thời điểm hơi khác, ví dụ, duy trì lực lượng cho đến năm 2050, hoặc thậm chí cho đến năm 2100, các tính toán sẽ thay đổi đáng kể”.

Giải pháp thay thế tốt hơn là theo đuổi việc kéo dài tuổi thọ của hệ thống Minuteman III hiện tại, trì hoãn quyết định về GBSD trong hai thập kỷ và giảm bớt áp lực lên ngân sách quốc phòng hiện tại.

Cơ sở lý luận của việc duy trì ICBM trong lực lượng hạt nhân của Mỹ từng và hiện vẫn là một vấn đề gây tranh cãi. Có một số rủi ro đáng lo ngại. Thứ nhất, mặc dù các ICBM được coi là cần thiết để răn đe, nhưng chúng là những mục tiêu khổng lồ ở giữa nước Mỹ có thể gây ra những cuộc tấn công thực sự tàn khốc vào nước Mỹ, theo Korda.

Một cuộc tấn công như vậy sẽ đi kèm với các tác động xã hội, kinh tế và môi trường bị ém nhẹm bằng cách giả định là một cuộc tấn công vào các khu vực dân cư thưa thớt. Trên thực tế, các cuộc tấn công sẽ phá hủy các bệnh viện, làm căng thẳng hệ thống chăm sóc sức khỏe, gây ra tình trạng thiếu lương thực và phá vỡ các ngành công nghiệp chủ chốt.

Thứ hai, nếu ICBM được phóng về phía Trung Quốc hoặc Triều Tiên, quỹ đạo của chúng sẽ bay qua lãnh thổ Nga. Điều này tạo ra những hạn chế nghiêm trọng và có các hệ thống khác trong kho vũ khí hạt nhân của Mỹ phù hợp hơn cho nhiệm vụ tấn công các mục tiêu đó.

Thứ ba, vì các ICBM có vị trí cố định, nên áp lực về thời gian sử dụng chúng (được gọi là “sử dụng hoặc đánh mất chúng”) khá lớn.

Theo cách nói của Korda, ICBM “có thể giúp Tổng thống Mỹ trong việc phóng vũ khí hạt nhân rất nhanh khi xảy ra một cuộc khủng hoảng”. Do đó, một báo động giả (như đã thấy trong quá khứ) có thể khiến Tổng thống chấp thuận một trận chiến hạt nhân sinh tử.

Các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo không chịu áp lực về thời gian vì vị trí của chúng khó được xác định.

Chúng là cấu phần có khả năng sống sót nhất trong kho vũ khí và là lực lượng đảm bảo đòn tấn công đáng tin cậy thứ hai. Korda cho rằng Mỹ có thể loại bỏ hoàn toàn cấu phần răn đe hạt nhân bố trí trên bộ. Không chỉ ICBM dễ bị tổn thương và tốn kém, mà lựa chọn tấn công hạt nhân phủ đầu là một di tích của Chiến tranh Lạnh.

Chuyên gia quốc tế: Washington có cần tên lửa đạn đạo xuyên lục địa? - Ảnh 3.

Một số chuyên gia cho rằng, Mỹ nên ưu tiên vai trò của các tàu ngầm và không cần Răn đe Chiến lược Bố trí trên Mặt đất; Nguồn: defence-blog.com

Thay vào đó, ưu thế hạt nhân nên ưu tiên vai trò của các tàu ngầm: “Mỹ có thể tấn công hạt nhân, đánh giá chính xác thiệt hại và vẫn đảm bảo duy trì khả năng trả đũa”, Korda nói. Những người ủng hộ việc duy trì lực lượng ICBM cho rằng đổi mới công nghệ có thể sớm đe dọa khả năng không bị phát hiện của tàu ngầm. Korda giải thích rằng những lo ngại này được phóng đại.

Không chắc rằng tất cả các tàu ngầm sẽ bị phát hiện đồng thời, chúng rất khó bị tiêu diệt và Mỹ có một lực lượng máy bay ném bom đáng tin cậy làm phương tiện dự phòng. Hơn nữa, “thế hệ tiếp theo của tàu ngầm tên lửa đạn đạo sẽ hoạt động êm ái hơn với sự ra đời của động cơ điện mới”.

Các chính trị gia ở Great Plains ở Trung Tây (các thượng nghị sĩ ở Wyoming, Montana, North Dakota và Utah) ủng hộ bố trí tên lửa, đóng một vai trò quá lớn trong lực lượng hạt nhân của Mỹ ở các bang của họ, để được nhận kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng từ chính phủ liên bang - lý do chính khiến ICBM vẫn tàng trữ tại đấy.

“Liên minh ICBM” hùng mạnh này đã ngăn chặn các cân nhắc của Lầu Năm Góc về khả năng cắt giảm lực lượng và cho rằng sự phát triển của GBSD sẽ tạo ra công ăn việc làm. Tuy nhiên, Korda chỉ ra nghiên cứu của dự án Chi phí Chiến tranh (Cost of War project) tại Đại học Brown: “Cứ 1 tỷ USD mà họ chuyển từ quốc phòng sang năng lượng xanh, sẽ tạo ra thêm 2.000 việc làm”.

Thay vì giải quyết các vấn đề an ninh quan trọng khác, ngân sách quốc phòng lại tập trung quá mức vào kho vũ khí hạt nhân. Chi phí ước tính của GBSD là 264 tỷ USD trong suốt vòng đời của nó - số tiền có thể được sử dụng cho chương trình cấp bách trong nước đầy tham vọng của chính quyền Biden, bao gồm chống lại đại dịch, biến đổi khí hậu hoặc bất công về chủng tộc…

Korda cũng khuyến nghị một cách nhìn thứ hai về các ưu tiên quốc gia của Mỹ. Giữa một đại dịch và vài tháng sau các mầm móng bạo lực vũ trang, những tên lửa này có phải là khoản đầu tư tốt nhất có thể đối với an ninh của người Mỹ không?

Matt Korda nhận bằng Thạc sĩ về Hòa bình & An ninh Quốc tế tại Khoa Nghiên cứu Chiến tranh tại Đại học King’s College London, nơi sau đó ông làm Trợ lý Nghiên cứu về răn đe hạt nhân và ổn định chiến lược; đã thực tập tại Trung tâm Thanh sát, Đào tạo và Thông tin (The Verification, Training and Information Centre - VERTIC) ở London, phụ trách mảng các biện pháp bảo vệ và an ninh hạt nhân; từng làm việc cho Trung tâm Kiểm soát, Giải trừ Vũ khí và Không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD) tại Trụ sở NATO ở Brussels.

Matt Korda hiện là Nghiên cứu viên của Dự án Thông tin Hạt nhân (the Nuclear Information Project) tại Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ (FAS), là đồng tác giả cuốn Sổ tay Hạt nhân (Nuclear Notebook) và là đồng Giám đốc của Foreign Policy Generation - một nhóm những người trẻ tuổi đang làm việc để phát triển một chính sách đối ngoại tiến bộ cho thế hệ tiếp theo./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại