Chuyên gia quốc tế: Việt Nam có nhiều cơ hội mua vũ khí bảo vệ biển đảo sau khóa đào tạo phi công tại Mỹ

Nội dung: Hải Vy; Thiết kế: Thi Anh |

"Khóa đào tạo phi công tại Mỹ mang lại cho VN cơ hội tiếp cận phương thức huấn luyện và công nghệ phương Tây nói chung, Mỹ nói riêng", chuyên gia Tim Huxley từ Singapore nhận định.

Theo thông cáo của Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam, Thượng úy Đặng Đức Toại đã trở thành phi công quân sự Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp khóa đào tạo trong Chương trình Lãnh đạo Hàng không (ALP) của không quân Mỹ.

Sau Thượng úy Đặng Đức Toại, Trung úy Doãn Văn Cảnh sẽ là phi công quân sự Việt Nam tiếp theo hoàn thành chương trình huấn luyện này.

Sự tham gia của hai phi công Việt Nam trong chương trình đã đánh dấu một bước phát triển mới trong mối quan hệ hợp tác của lực lượng không quân hai nước.

Chuyên gia quốc tế: Việt Nam có nhiều cơ hội mua vũ khí bảo vệ biển đảo sau khóa đào tạo phi công tại Mỹ - Ảnh 1.

Trả lời phỏng vấn của Trí Thức Trẻ, ông Tim Huxley – Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế tại châu Á (Singapore) cho hay:

Khóa đào tạo phi công tại Mỹ, dù chỉ với quy mô nhỏ, cũng có thể mang lại cho Việt Nam cơ hội hữu ích để tiếp cận với các phương thức huấn luyện và công nghệ của phương Tây nói chung, hay Mỹ nói riêng.

Chuyên gia quốc tế: Việt Nam có nhiều cơ hội mua vũ khí bảo vệ biển đảo sau khóa đào tạo phi công tại Mỹ - Ảnh 2.

Bên cạnh đó, loại hình hợp tác này sẽ giúp các sĩ quan Việt Nam xây dựng mối quan hệ kết nối với Không quân Mỹ.

Nhận định đây là một "bước tiến tốt đẹp" giữa Việt Nam và Mỹ, Tiến sĩ Malcolm Davis - chuyên gia cấp cao tại Viện Chính sách Chiến lược Australia chia sẻ với chúng tôi rằng:

Trong bối cảnh nhiều thách thức như hiện nay, việc phát triển được một lực lượng không quân mạnh, với các phi công được đào tạo bài bản, có kỹ năng lên kế hoạch tác chiến đường không và nắm rõ các chiến thuật tác chiến hiện đại sẽ đóng vai trò rất quan trọng

"Do đó, hợp tác với Mỹ cùng các đồng minh của Washington - trong đó có Australia - có thể giúp Việt Nam phát triển không quân hiệu quả trong những năm tới. Chẳng hạn, Việt Nam có thể đề nghị cử sĩ quan và máy bay quân sự (như Su-30) tới tham gia cuộc diễn tập không quân Pitch Black do Australia tổ chức hai năm một lần" - ông Davis cho hay.

Cùng trao đổi về vấn đề trên, ông Nguyễn Thế Phương - Nghiên cứu viên Cộng tác tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS), ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP.HCM - cho rằng việc Việt Nam cử phi công sang Mỹ học mang hàm ý lớn hơn cho quan hệ hiện tại và tương lai giữa hai phía, không chỉ đơn thuần là hình thức giao lưu.

"Theo lời chỉ huy trưởng của AETC (Trung tâm Huấn luyện bay và Đào tạo Chỉ huy của Không quân Mỹ), các sĩ quan Việt Nam hiện tại và có thể sau này sẽ tiếp cận được những điểm mới về kỹ năng tác chiến trên không và trên biển.

Giáo trình huấn luyện phi công Việt Nam hiện tại cũng cần được liên tục cập nhật để thích ứng với tình hình mới, và việc tiếp cận được với những nội dung này ở một trong những quốc gia có lực lượng không quân hàng đầu thế giới là quý giá.

Bên cạnh đó, không loại trừ khả năng trong tương lai, Việt Nam sẽ mua máy bay huấn luyện của Mỹ để hiện đại hoá đội bay huấn luyện sơ cấp hoặc có thể mua các loại máy bay hiện đại hơn trong tương lai gần, ví dụ như vận tải, hay cảnh báo sớm (AWACS)" - ông Phương cho hay.

Chuyên gia quốc tế: Việt Nam có nhiều cơ hội mua vũ khí bảo vệ biển đảo sau khóa đào tạo phi công tại Mỹ - Ảnh 3.

Thông cáo do ALP phát đi cho hay: "Khi trở về Việt Nam sau khóa học, Thượng úy Đặng Đức Toại sẽ lái chiếc CASA 295, máy bay vận tải quân sự chiến thuật hai động cơ".

Tuy nhiên, trả lời Trí Thức Trẻ, ông John Hemmings, Giám đốc Trung tâm các nghiên cứu châu Á trực thuộc tổ chức phân tích Henry Jackson (London) cho biết thêm rằng, "Loại hình đào tạo trong chương trình ALP còn cho phép Thượng úy Toại có khả năng làm chủ máy bay vận tải C-130 Hercules hoặc máy bay tuần thám P-3C Orion".

Vị chuyên gia nhận định, trong trường hợp với C-130 thì phi công Việt Nam sẽ có khả năng "thuần phục" các máy bay vận tải hạng nặng, từ đó mang lại cho Việt Nam năng lực chiến lược là vận chuyển nhân lực, trang thiết bị, hàng hóa từ khu vực này sang khu vực khác một cách nhanh chóng.

Chuyên gia quốc tế: Việt Nam có nhiều cơ hội mua vũ khí bảo vệ biển đảo sau khóa đào tạo phi công tại Mỹ - Ảnh 4.

"Trong khi đó, P-3C mang lại khả năng nhận thức hàng hải, nó có thể hỗ trợ giám sát lãnh hải của một quốc gia hoặc tham gia tác chiến chống tàu mặt nước/chống ngầm.

Các máy bay Orion có khả năng hoạt động liên tục tới 12 giờ đồng hồ trong môi trường nước mặn với chỉ số an toàn cao, khiến năng lực trinh sát của nó trở thành một lợi thế lớn cho quốc gia nào sở hữu chúng" – ông Hemmings cho biết thêm.

Thời gian trước, báo chí quốc tế đã nhiều lần đưa tin về việc Mỹ có thể cung cấp các máy bay P-3C đã qua sử dụng cho Việt Nam.

Tại triển lãm hàng không ở Đức năm 2016, ông Clay Fearnow, Giám đốc cấp cao bộ phận hàng không của Lockheed Martin cho biết, Việt Nam có kế hoạch gửi yêu cầu nhận báo giá và thông tin chính thức về 4-6 chiếc P-3 Orion.

Cũng trong năm 2016, đoàn đại diện của Hải quân Việt Nam đã có chuyến bay quan sát thử nghiệm trên máy bay P-3C Orion của Hải quân Mỹ ở Kaneoha, Hawaii.

Chuyên gia quốc tế: Việt Nam có nhiều cơ hội mua vũ khí bảo vệ biển đảo sau khóa đào tạo phi công tại Mỹ - Ảnh 5.

Trong khóa đào tạo kéo dài 52 tuần tại căn cứ không quân Columbus, bang Mississippi, Mỹ, Thượng úy Toại đã có 167 giờ bay trên phi cơ huấn luyện T-6 Texan II. Đây là một trong hai mẫu máy bay huấn luyện cơ bản của Không quân Mỹ.

Điều đó được cho là sẽ mở ra cánh cửa quan trọng để hai nước tiến tới đàm phán hợp đồng mua mẫu máy bay này và việc phi công Việt Nam sang Mỹ học rất có thể là để đánh giá trước các tính năng kỹ chiến thuật của T-6 trước khi đưa ra quyết định chính thức.

Trước đó, khả năng Việt Nam mua T-6 Texan II từng được Đô đốc Philip S. Davidson, Tư lệnh Hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương đề cập tới vào đầu tháng 2 năm nay.

Theo ông Nguyễn Thế Phương, có sơ sở để nhận định Việt Nam nhiều khả năng mua T-6.

Chuyên gia quốc tế: Việt Nam có nhiều cơ hội mua vũ khí bảo vệ biển đảo sau khóa đào tạo phi công tại Mỹ - Ảnh 6.

Thứ nhất, báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ đã liệt T-6 Texan là một trong những mặt hàng quốc phòng có thể bán cho Việt Nam (ngoài các UAV ScanEagle [mới công bố hợp đồng gần đây] và các tàu tuần tra đã qua sử dụng giao cho Cảnh sát biển)

Thứ hai, xét về mặt kỹ thuật, T-6 Texan không ảnh hưởng nhiều tới một thứ mà Việt Nam e ngại: tương thích hệ thống, vì các hệ máy bay cánh quạt một động cơ chỉ dùng cho huấn luyện và khá đơn giản trong vận hành, bảo dưỡng, giá lại rẻ.

Tất nhiên, ngoài T-6, Việt Nam vẫn còn nhiều lựa chọn khác. Ông Tim Huxley cho rằng Việt Nam không nhất thiết phải lựa chọn mẫu máy bay huấn luyện của Mỹ, có nhiều loại tương tự với tính năng ưu việt không kém như Pilatus PC-21 của Thụy Sĩ, Super Tucano của Brazil hay T-50 Hàn Quốc.

Chuyên gia quốc tế: Việt Nam có nhiều cơ hội mua vũ khí bảo vệ biển đảo sau khóa đào tạo phi công tại Mỹ - Ảnh 7.

"Việc cử phi công Việt Nam sang Mỹ học đã khiến mối quan hệ giữa hai phía trở nên gần gũi hơn. Đây là một bước đi đáng hoan nghênh bởi tình hữu nghị vốn có và sự tôn trọng lẫn nhau giữa hai nước" – ông Hemmings nói với Trí Thức Trẻ.

Cùng quan điểm này, ông Huxley nhận định, mối quan hệ hợp tác quốc phòng-an ninh giữa Việt Nam và Mỹ đang dần đi lên và sẽ phát triển từng bước theo thời gian.

"Việt Nam đang thiết lập mối quan hệ hợp tác quốc phòng với nhiều nước, trong đó hợp tác quốc phòng và an ninh với Mỹ đang dần trở nên quan trọng hơn" – ông Huxley nói. Theo dự đoán của vị chuyên gia, trong tương lai, các tàu chiến lớn của Mỹ, có thể cả tàu sân bay, sẽ có thêm nhiều chuyến thăm tới Việt Nam.

Ông Davis thì cho rằng trong tương lai, Mỹ-Việt có thể sẽ mở rộng các hoạt động phối hợp huấn luyện, chia sẻ thông tin và tăng cường hợp tác trong phát triển công nghiệp quốc phòng.

"Đặc biệt, Việt Nam cần tập trung nâng cao khả năng nhận thức các vấn đề hàng hải. Và chìa khóa để thực hiện được điều đó là phát triển năng lực chỉ huy, kiểm soát, thông tin liên lạc tình báo và trinh sát (C4ISR).

Việt Nam có thể đề nghị sự hỗ trợ từ phía Mỹ, Nhật Bản, Australia... để các sĩ quan Việt Nam có thể tới học tập và tìm hiểu về lĩnh vực này tại các học viện quốc phòng nước ngoài.

Đồng thời, Việt Nam có thể nghiên cứu khả năng mua sắm các hệ thống C4ISR tiên tiến hơn trên bộ/không/biển, hoặc thậm chí phát triển năng lực C4ISR trong không gian bằng cách khai thác công nghệ vệ tinh thương mại chi phí thấp" - Vị chuyên gia nói.

Chuyên gia quốc tế: Việt Nam có nhiều cơ hội mua vũ khí bảo vệ biển đảo sau khóa đào tạo phi công tại Mỹ - Ảnh 9.

Bàn về khả năng Việt Nam tiếp tục mua vũ khí hiện đại của Mỹ, ông Phương cho rằng có khả năng này, nhưng là loại vũ khí nào thì chưa thể xác định chắc chắn.

"Việt Nam có thể sẽ mua tiếp những hệ thống có khả năng hỗ trợ đảm bảo chủ quyền biển đảo. Song trong ngắn và trung hạn, chúng ta chưa thể nghĩ tới F-16 hay các loại tiêm kích/cường kích hiện đại của Mỹ.

Khả năng lớn hơn là Việt Nam sẽ mua máy bay tuần thám, các máy bay AWACS cỡ nhỏ hoặc máy bay vận tải và huấn luyện mới, hay là trực thăng. Về phía hải quân cũng tương tự.

Quan điểm mua sắm từ trước cho tới nay, đặt trong bối cảnh hiện tại của Việt Nam, vẫn là hợp túi tiền và phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ" – ông Phương nhận định.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại